Thế giới

Vì sao nhiều biện pháp điều trị COVID-19 chật vật trong ứng dụng diện rộng

ClockThứ Ba, 03/05/2022 10:14
Sau hơn hai năm thế giới hứng chịu COVID-19, đã có một số phương pháp điều trị để chống lại đại dịch. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã hạn chế khả năng phổ biến của các phương pháp điều trị này.

Pfizer bắt đầu nghiên cứu thuốc viên điều trị COVID-19 cho trẻ từ 6-17 tuổiCOVID-19: EMA "bật đèn xanh" cho thuốc điều trị Paxlovid của PfizerHội đồng chuyên gia FDA khuyến nghị sử dụng thuốc Molnupiravir của Merck trong điều trị COVID-19

Những viên Paxlovid của Pfizer. Ảnh: AP

Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) - ông Antoine Flahault - cho biết việc điều trị COVID-19 rất quan trọng đối với việc cứu sống nhiều bệnh nhân và giảm áp lực lên các bệnh viện.

Ông nói: “Rào cản chính vẫn là hậu cần. Mọi người phải nghĩ đến xét nghiệm PCR nếu có triệu chứng hoặc tiếp xúc rủi ro. Bác sĩ cần kê đơn đúng thuốc, nhà thuốc phải cung cấp thuốc trong khoảng thời gian ngắn”.

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus ngăn chặn khả năng virus nhân lên trong tế bào cơ thể người, dùng điều trị ở giai đoạn đầu, làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng. Quá trình điều trị bằng Paxlovid nên được bắt đầu trong vòng 5 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện.

Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), trong tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã “đặc biệt khuyến khích” thuốc kháng virus COVID-19 của Pfizer có tên Paxlovid. Đề xuất dựa trên những thử nghiệm mới cho kết quả Paxlovid giảm rủi ro nhập viện tới 85%.

Ngay cả Trung Quốc vốn không ưu ái vaccine COVID-19 của nước ngoài đã thông qua có điều kiện việc sử dụng Paxlovid trong tháng 2. Pfizer có kế hoạch sản xuất tới 120 triệu liệu trình thuốc Paxlovid trong năm nay và dự kiến doanh thu ít nhất 22 tỷ USD từ các hợp đồng đã ký đến đầu tháng 2.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ sẽ tăng gấp đôi số cửa hàng nơi người Mỹ có thể mua thuốc Paxlovid, vốn dành riêng cho những bệnh nhân có nguy cơ. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào 26/4 và đang điều trị bằng Paxlovid.

Tuy nhiên, Paxlovid vẫn không được kê đơn với số lượng lớn ở nhiều quốc gia. Tại Pháp, ngay cả khi Paxlovid là loại thuốc kháng virus duy nhất được thông qua điều trị COVID-19 nhưng chỉ có 3.500 liệu trình được kê trong 3 tháng đầu năm nay.

Những bệnh nhân đã sử dụng nhiều loại thuốc cũng không nên uống thêm thuốc kháng virus bởi điều này có thể hạn chế sự hấp thu thuốc.

Các phương pháp điều trị khác

Một trung tâm chăm sóc COVID-19 dựng lên tại New Delhi (Ấn Độ) tháng 6/2020. Ảnh: AP

Các thuốc kháng thể đơn dòng, nhắm mục tiêu đến protein gai của virus SARS-CoV-2, có thể được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa cho những người có nguy cơ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc cho những bệnh nhân nhập viện cần tăng cường kháng thể. Kháng thể đơn dòng được cho giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong lên tới 80% nhưng phải được thực hiện bằng cách tiêm hoặc truyền trong bệnh viện.

Những thuốc kháng thể đơn dòng chính hiện này gồm Evusheld của AstraZeneca, Ronapreve của Roche cùng Xevudy của Vir và GSK.Nhưng những loại thuốc điều trị này cũng đòi hỏi những mốc thời gian chặt chẽ - và đang phải vật lộn để “theo kịp” các biến thể mới.

Ông Flahault chia sẻ: “Các kháng thể đơn dòng có hiệu quả chống lại biến thể Delta không còn hiệu quả chống lại biến thể BA.1 của Omicron. Loại vẫn còn hiệu quả chống lại BA.1 lại không có năng lực chống lại BA.2”. Do đó ông cho rằng việc kê những loại thuốc này rất phức tạp. Một số quốc gia thậm chí đã từ bỏ Ronapreve do không có hiệu quả trong chống lại Omicron.

Ngày 29/4, giới chức y tế Pháp cho biết họ sẽ không còn cho phép dùng Xevudy điều trị cho những bệnh nhân mắc BA.2 vì hiệu quả của loại thuốc này "giảm đáng kể" đối với biến thể phụ của Omicron vốn đang chiếm phần lớn các ca mắc ở nước này.

Tiếp cận thiếu công bằng

Cũng giống như trường hợp của vaccine COVID-19, các quốc gia giàu có khả năng tiếp cận lớn hơn với các phương pháp điều trị so với những nước nghèo. Tình trạng này một lần nữa châm ngòi cho tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2021, Pfizer và Merck đồng ý để một số nhà sản xuất dược tạo ra phiên bản rẻ hơn thuốc của họ, dựa trên một chương trình được Liên hợp quốc ủng hộ. Pfizer trong tháng 3 đã ký thỏa thuận với 35 nhà sản xuất thuốc tại châu Âu, châu Á cùng Mỹ Latinh để cung cấp Paxlovid cho 95 quốc gia. Tuy nhiên, WHO đã đề nghị Pfizer “dấn thân hơn” bởi nhiều quốc gia thu nhập trung bình có nguy cơ “bị đẩy xuống cuối dãy xếp hàng”.

WHO cũng kêu gọi Pfizer minh bạch hơn về giá cả khi có thông tin cho rằng một liệu trình đầy đủ Paxlovid có giá tới 530 USD tại Mỹ.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top