ClockThứ Sáu, 11/09/2015 09:23

Vì sao nhiều trường đại học, cao đẳng có nguy cơ đóng cửa?

TTH.VN - Qui chế tuyển sinh mới đã khiến các trường đại học cao đẳng nhóm dưới và cao đẳng, trung cấp nghề chỉ biết đứng nhìn và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Vì sao?

Kết thúc đợt 2 tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015, trong khi một số trường đại học, cao đẳng tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì nhiều trường đại học tư thục và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp lại phải “dài cổ” chờ thí sinh, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa trường.

vi sao nhieu truong dai hoc, cao dang co nguy co dong cua? hinh 0
Nhiều trường đại học, cao đẳng không tuyển đủ chỉ tiêu.

 

Với thay đổi cách tuyển sinh năm nay, nhiều trường cho biết họ không thể dự báo được việc xét tuyển sẽ như thế nào, có thể tuyển đủ chỉ tiêu hay không. Bởi trước đó, số lượng trường đại học có phương án xét tuyển riêng là rất lớn (khoảng 120 trường). Thêm vào đó, với mức điểm trung bình 6,5 để được xét tuyển vào đại học; việc các trường đại học được xét tuyển bằng cả học bạ cũng trở thành thách thức lớn với các trường cao đẳng, trung cấp. Vì với ngưỡng điểm này và với cách xét học bạ nếu đủ điều kiện thì đa số thí sinh sẽ chọn đại học.

Vì sao lại có thực tế này? Có lẽ vì mới chỉ năm ngoái thôi (năm 2014), cả nước còn thừa hơn 100.000 chỉ tiêu không tuyển được người vào học, trong đó có cả chỉ tiêu hệ đại học. Vì không tuyển đủ thí sinh, nhiều khoa ngành của các trường phải tạm đóng cửa, ngưng tuyển sinh. Để tránh “vết xe đổ” này, năm nay, Bộ GD-ĐT buộc phải nới lỏng điểm sàn và phải chấp nhận để các trường tuyển sinh theo cách riêng mà chủ yếu là xét học bạ bậc THPT.  Một khi cánh cửa vào trường đại học đã “mở toang” thì chẳng có ai dại gì vào học cao đẳng, trung cấp!

Đó là cơ chế tuyển sinh. Còn chất lượng đào tạo thì sao? Hơn ai hết, chính các trường mới cảm nhận, nhận xét chính xác nhất câu hỏi này.

Một thực trạng trong cơ cấu lao động nước nhà là “thừa thầy thiếu thợ”. Thế nhưng đánh vào tâm lý sính đại học của nhiều người nên phần lớn các trường đại học đều dành ưu ái cho thí sinh để có thể vào được trường mình. Chính vì thế, cộng với cách tuyển sinh như hiện nay thì các trường dạy nghề, cao đẳng không có nhiều cơ hội thu hút thí sinh.

Hồi đầu năm 2015, Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Hoàn Cầu đã phải nộp đơn lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM đề nghị giải thể trường và xin nghỉ việc. Lý do là nhiều năm nay việc tuyển sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong hai mùa tuyển sinh gần đây trường không thể tuyển sinh được em nào.

Một tin vui với các trường cao đẳng, trung cấp là các trường đại học phải dừng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trước năm 2017, nhiều trường đại học giảm và ngừng tuyển sinh cao đẳng. Từ nay đến 2017 còn 2 mùa tuyển sinh, các trường cao đẳng, trung cấp phải tìm đủ cách để duy trì hoạt động, co kéo học sinh. Trường đại học, cao đẳng cũng là doanh nghiệp, họ phải hạch toán kinh doanh, trang trải các khoản lương, thưởng, vận hành bộ máy… cho nên tuyển sinh được càng nhiều sinh viên thì doanh thu của họ càng lớn. Chính vì thế, để giải quyết dứt điểm tình trạng “lấn sân” của các trường đại học, Bộ GD-ĐT phải có thái độ dứt khoát với việc “cơi nới” cả cao đẳng và trung cấp của các trường đại học, khi đó các trường cao đẳng, trung cấp mới có hy vọng sống.

Từ khâu tuyển sinh, hướng nghiệp đã “lộn xộn” khiến cho việc đào tạo các ngành nghề mất cân đối. Nhà trường thì tìm mọi cách lôi kéo học sinh. Còn học sinh thì tìm mọi cách để vào được trường đại học mà không biết sau này sẽ làm gì. Hệ quả là, với số lượng cử nhân, kỹ sư ra trường đông đúc nhưng chất lượng đào tạo lại không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Đây là một trong các nguyên nhân khiến cử nhân thất nghiệp hàng loạt. Không phải không có lý do khi các cơ quan tuyển dụng dù không nói ra nhưng vẫn ưu tiên chọn lựa các thí sinh tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng, các trường đại học công lập.

Còn về phía người học, có lẽ họ cũng đã “tỉnh” hơn trước trong việc chọn trường, chọn nghề. Giữa một “rừng” các trường đại học, cao đẳng, thí sinh có nhiều lựa chọn và các sự lựa chọn này được đặt lên bàn cân đo kỹ lưỡng hơn trước.

Đã có chuyện xóa bỏ những cơ quan, tổ chức, thậm chí là các bộ, ngành đã bị giải thể, sáp nhập. Vậy nên, để vài trường đại học, cao đẳng yếu kém “phải ra đi” là điều cần thiết. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần nghiêm khắc với những trường vi phạm qui chế; chấm dứt tình trạng đua nhau mở trường và tuyển sinh ĐH mà không chú trọng tới chất lượng đào tạo./.

Vũ Hạnh/VOV.VN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Return to top