ClockThứ Năm, 30/06/2016 09:36

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu ưa thích của khủng bố?

TTH.VN - Những vấn đề nội tại cùng vị trí địa lý đặc biệt khiến Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mục tiêu tấn công của những phần tử khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ công bố kết quả điều tra vụ đánh bom trong hôm naySau vụ đánh bom ở Ankara, thách thức nào chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ?

Đêm 28/6, sân bay Ataturk ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành mục tiêu của vụ đánh bom tự sát đẫm máu làm 41 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương. Vụ tấn công một lần nữa khiến dư luận Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế bàng hoàng vì mục tiêu nhằm đến là sân bay, nơi có đông người dân vô tội.

Khung cảnh tan hoang trong sân bay Ataturk sau vụ đánh bom. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng, vụ tấn công có thể có liên quan đến những gì ông mô tả là chiến thắng của Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố. Thực tế cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu nhiều vụ tấn công trong những tháng gần đây liên quan đến phiến quân người Kurd hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa lí đặc biệt khi nằm giữa phương Tây và phương Đông. Còn nhớ trong quá khứ, nước này từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì không tham gia liên minh chống khủng bố cũng như phản ứng rất “rụt rè” trong việc ngăn chặn các tay súng đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.

Giới quan sát còn cho rằng, mạng lưới các tay súng của IS ở châu Âu – những kẻ chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) từng di chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia hoạt động cùng các phần tử ở Syria.

Ông Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Hội đồng Thái Bình Dương nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu có mối quan hệ nhiều “vui buồn lẫn lộn” và cả hai vẫn đang “loay hoay” trong việc hợp tác ngăn chặn các tay súng di chuyển qua lại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Theo ông Stein, dù cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những nỗ lực nhất định để loại bỏ các “chân rết” của IS ở nước này nhưng dường như nỗ lực đó là không đủ bởi IS đã nhanh hơn một bước, thiết lập mạng lưới vững chắc ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành khách may mắn thoát chết vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì đã xảy ra. (Ảnh: Getty)

Lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Stein cho rằng, điều này xảy ra là do cách tiếp cận yếu đuối của chính quyền Ankara, để cho số lượng lớn tay súng nước ngoài có thể tùy tiện sử dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, dễ dàng ra vào Syria.

Chuyên gia Aaron Stein lưu ý rằng, IS đã thiết lập một mạng lưới “được tổ chức tốt” ở những thành phố như Gaziantep thuộc vùng Anatolia, phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ và từ đây chuẩn bị cho các vụ tấn công ngay trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều đáng nói đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ thức tỉnh trước những mối đe dọa từ các mạng lưới khủng bố “cây nhà lá vườn” quá muộn và hành động đàn áp không kịp thời thường mang lại kết quả không như mong muốn.

Bước ngoặt lớn với Thổ Nhĩ Kỳ

Kể từ năm 2014 khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gia nhập lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu chống lại IS, tình hình an ninh ở nước này bắt đầu có những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Nhìn lại khoảng thời gian 2 năm qua, hầu hết các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ  đều do Nhóm vũ trang người Kurd hoặc Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành. Nếu mối đe dọa từ IS là mới phát sinh thì mối đe dọa từ các phần tử ly khai người Kurd đã có từ lâu.

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mục tiêu mới của khủng bố một phần bởi chính vị trí địa lý đặc biệt của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia Hồi giáo mở cửa với thế giới. Nằm ở cửa ngõ Đông – Tây, Thổ Nhĩ Kỳ được ví như ngã tư đường, nới giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Nét mặt thất thần của hai mẹ con may mắn thoát chết sau vụ đánh bom. (Ảnh: AP)

Ở đó, người Iran, người Saudi Arabia hay Tiểu vương quốc Arab có thể đến để thư giãn, nghỉ ngơi và mua sắm. Đó cũng là nơi mà người phương Tây có thể ghé thăm, tìm hiểu những nét đặc trưng cơ bản của Hồi giáo.

Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu lý tưởng của các tổ chức Hồi giáo cực đoan mà tiêu biểu là IS. Rất dễ hiểu khi những kẻ cuồng tín trong hàng ngũ IS có lý do để “ghét bỏ” chế độ ở Thổ Nhĩ Kỳ và muốn nó phải chịu đau khổ bởi chúng không muốn văn hóa phương Tây du nhập vào bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào.

Ngoài IS, các chiến binh người Kurd hay những nhóm nổi dậy ủng hộ Chính phủ Syria cũng có thể có động cơ thúc đẩy các cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi những nỗ lực lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad của giới chức Ankara bất thành.

Hình ảnh hành khách tại sân bay Ataturk hoảng loạn tháo chạy có thể được coi là thành công của những kẻ khủng bố khi đạt được mục tiêu của chúng, đó là xua đuổi người phương Tây khỏi một trong những đô thị Hồi giáo vốn được cho là điểm đến an toàn.

Ngoài ra, những kẻ cực đoan dường như cũng đạt được một mục tiêu khác đó là cung cấp thêm lý lẽ cho những phần tử bài ngoại ở Anh hay Mỹ trong chiến dịch kêu gọi không cho người Hồi giáo nhập cư./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lạm phát dai dẳng gây ra nghèo đói ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trả lời phóng viên, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, giá của mọi thứ tại nước này đều tăng vọt. Điều này được thể hiện rõ nhất khi giá trà Thổ Nhĩ Kỳ và simit - một loại bánh mì truyền thống - hai món ăn bình dân ở đây đã tăng gấp đôi trong năm qua. Điều này đã và đang ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người dân.

Lạm phát dai dẳng gây ra nghèo đói ở Thổ Nhĩ Kỳ
Nỗ lực “cứu” Thoả thuận Ngũ cốc Biển Đen vẫn sẽ tiếp tục

Một quan chức của Liên Hiệp quốc đầu tuần này cho biết, các nỗ lực sẽ tiếp tục được thực hiện trong những ngày tới để gia hạn thoả thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen an toàn, một hiệp ước mà Nga cho biết nước này có thể rút khỏi vào ngày 18/5 do tồn tại những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Nỗ lực “cứu” Thoả thuận Ngũ cốc Biển Đen vẫn sẽ tiếp tục
Return to top