ClockThứ Năm, 15/09/2011 04:24

Vì sao tôi viết văn?

TTH - 20 tuổi, Meggie Phạm (Phạm Phú Uyên Châu, sinh viên năm ba, Khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học Huế) là một trong những đại biểu trẻ nhất trong số 113 đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa diễn ra tại Tuyên Quang. Hiện, Meggie Phạm đã có hai cuốn tiểu thuyết đầu tay "Hoàng tử và em", "Giám đốc và em" được bạn đọc và dư luận chú ý.  Meggie Phạm chia sẻ với bạn đọc lý do vì sao cô viết văn.

Mọi người muốn biết tại sao tôi lại viết truyện, tại sao lại là truyện dài – mà theo tôi là một cấp độ thấp của tiểu thuyết – và tại sao lại là truyện tình. Tôi thực sự bật cười không biết phải trả lời ra sao. Thực sự thì tôi bắt đầu viết không bằng ý định nghiêm túc, tôi không viết để nổi tiếng, để xuất bản hay bán sách, để được lăng-xê,… khi viết hai quyển truyện của mình, tôi vừa tròn mười tám, tôi chỉ viết vì tôi thấy viết… dễ, tôi viết chơi. 

Đơn giản là, viết văn là một việc dễ. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy. Viết được tức là được, viết không được tức là không được: rất dễ hiểu. Viết vì một nhu cầu trong lòng có điều muốn viết, và – hay làm sao – viết ra được thấy lòng thật nhẹ nhàng. Khi viết có thể rất tập trung, rất khổ sở, suy nghĩ rất nhiều, băn khoăn bối rối cũng nhiều, nhưng tất cả cuối cùng sẽ không phụ lòng mình, như đi tìm nguồn nước, chỉ cần dò đúng mạch, suối sẽ phun trào. Tôi viết truyện dài, chẳng qua vì thấy nó thích hợp nhất, tôi không thể bớt lối nói dông dài của mình thành một truyện ngắn, không thể biến câu chuyện êm đềm trong lòng mình thành một bản trường ca, tôi cứ viết và thế là nó sinh ra như tự nó phải thế. Nó vốn là như thế. Nó hợp với tôi, tôi hợp với nó.
Có người nói, văn chương là phải truyền đạt một tư tưởng, phải trả lời câu hỏi: con người là gì, tôi thấy ý này không sai, nhưng không trọn vẹn. Đối với tôi, văn chương gắn liền với cuộc sống của con người, người viết ra nó phải sống, người đọc nó cũng đang tồn tại giữa đời thường thôi. Nếu mất cả trăm năm đời người chỉ để tìm ra mình là ai, như vậy có hạnh phúc không? Văn chương phải đem lại hạnh phúc cho con người chứ? Dằn vặt suy tưởng, cũng có đôi khi là vậy, nhưng là sự dằn vặt để mở rộng nhận thức, đó cũng là một hạnh phúc. Tôi cho rằng, mọi thứ phải cân bằng, con người muốn tìm hiểu mình là ai, đó là chuyện tất yếu, nó dẫn ta đến những miền tuyệt đẹp của tri thức, nhưng trong lịch sử, khi cố trả lời câu hỏi này, họ càng nghĩ, cách trả lời càng rối rắm, càng lúng túng. Vậy thì thực buồn khổ. Mỗi người có một nhận định. Tôi nghĩ, văn chương cân bằng giữa các câu hỏi, tôi cần biết tôi là ai, cũng nhiều như tôi cần biết hạnh phúc là gì, và làm thế nào để hạnh phúc.
 
Đó là câu hỏi tôi muốn trả lời trong những câu chuyện của mình, không phải điều gì cao xa, mà điều gì giữ cho cuộc sống đẹp tươi đến vậy, tìm kiếm điều gì đó khiến chúng tôi tin tưởng vào ngày mai, chờ đợi vào ngày mai...
So với mọi người, tôi chỉ là một cô bé tập tành với trò chơi chữ nghĩa. Bởi vì hạn chế về vốn sống, tôi không có nhiều đề tài để lựa chọn. Tôi thừa nhận đó là nhược điểm, nhưng tôi thích biến nhược điểm đó thành ưu điểm của mình. Tôi thể hiện những gì tôi nghĩ trên trang giấy, vẽ ra thế giới của tôi, của những người như tôi – còn trẻ và vụng dại, nhưng biết ước mơ và rất yêu đời. Tuổi mười tám đôi mươi, muốn sống và muốn sống một cách hăng hái, muốn tìm thấy lý tưởng để đốt cháy nhiệt huyết tuổi trẻ, tìm thấy nơi mình hữu ích, đóng góp cho đời sống. Nhưng, dường như không dễ gì chúng tôi có cơ hội. Rất nhiều bạn bè tôi, vốn là dân chuyên văn từ hồi cấp ba, nhưng sau khi tốt nghiệp lại thi vào những khối trái ngành, không phải vì không còn yêu văn chương, mà chỉ sợ “cơm áo không đùa với khách thơ”. Trước thực tại buồn bã làm vậy, chúng tôi cần có niềm tin.

Uyên Châu và các bạn viết văn tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8

Những người trẻ muốn đóng góp cho cuộc sống, muốn hạnh phúc và muốn yêu đương.
May mắn sinh ra trong hoà bình, trong khi đất nước đang dần tiến lên, chúng tôi chỉ biết ông cha đã đổ xương máu, đã kháng chiến trường kỳ, đã lao đao để tìm ra con đường cứu đất nước khỏi vòng nô lệ, những gì chúng tôi phải làm chỉ là tiếp bước. Phải xây dựng một đất nước hùng mạnh hơn nữa, một xã hội toàn vẹn hơn nữa, chính là khi mọi con người đều tìm thấy hạnh phúc cho mình.
Tôi gắng sức trong những câu chuyện của mình, tìm thấy cái đẹp, và tình yêu. Muốn biết cái gì có thể lung lay tận gốc rễ của con người, cái gì đem đến hạnh phúc lớn lao nhất cho mọi người. Những nhân vật được cho là hoàn hảo, nhưng dưới mắt tôi lại cũng mang những khuyết điểm thật lớn. Tôi xây dựng nên thế giới của họ, đi xuyên suốt câu chuyện của họ để tìm thấy cái sai sót trong cuộc sống những tưởng là hoàn hảo, để trọn vẹn nó, để tìm thấy cánh cửa đến cái kết hạnh phúc mãi mãi. 

Vẫn biết không có gì là hoàn toàn trọn vẹn, vẫn biết thực tại luôn khắc nghiệt hơn, nhưng tôi vẫn thích tin trong sự không trọn vẹn lại có những điều ngọt ngào, trong khắc nghiệt mới thấy được điều kỳ diệu, lớn lao. Bên cạnh nghiệt ngã của thực tế, tôi muốn mọi người vẫn có quyền tin vào giấc mơ, để tìm thấy động lực cho riêng mình.

Meggie Phạm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top