ClockThứ Hai, 13/02/2017 10:06

Vì sao Uber phải ngừng kinh doanh vận tải tại Việt Nam?

Không chấp thuận Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.

Bộ GTVT vừa có văn bản số 634/BGTVT-VT trả lời Uber Việt Nam đề Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó khẳng định việc Công ty Uber BV - Hà Lan ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Công văn số 1850/TTg của Thủ tướng và Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là chưa phù hợp.

“Công ty TNHH Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng và đề xuất phê duyệt đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Công ty Uber BV không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Công ty Uber BV trong việc thực hiện Đề án. Việc ủy quyền cho Uber Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh tại Việt Nam sẽ không ràng buộc, không xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.” - Bộ GTVT giải thích.

Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải

Cũng theo Bộ GTVT, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm hoạt động tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền. Nếu xây dựng và thực hiện đề án thí điểm này, Uber Việt Nam cần đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam. Uber Việt Nam cũng phải bổ sung nội dung mô tả và phân tích chi tiết nội dung, quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber.

Đề án thí điểm của Uber Việt Nam gửi lên Bộ GTVT chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách. Uber Việt Nam phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam, như quy định về thương mại điện tử, ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử. Uber cần được thực hiện các thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Trong văn bản phản hồi, Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cả nước có 103.000 xe kinh doanh vận tải đã lắp camera giám sát

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết ngày 31/12/2021, cả nước có 103.000 xe trong tổng số 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát, đạt tỷ lệ gần 50%.

Cả nước có 103 000 xe kinh doanh vận tải đã lắp camera giám sát
Return to top