ClockChủ Nhật, 19/05/2019 05:30

Vì trà mà “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”

TTH - Tôi chẳng tin, thế mà An Tea – một điểm đến tương đối nổi bật và quen thuộc trong làng trà mới của người Huế làm được thế thật.

Pha và thưởng trà cũng là một thú vui

Cách đây mấy năm, trà sữa nổi lên như một hiện tượng. Các quán trà sữa mở ra, từ nhà làm, hay của hãng đều đông nghịt khách. Hồi đó không khó để thấy cảnh từng đoàn khách xếp hàng dài thượt, kiên trì “chôn chân” ít nhất từ 30 – 40 phút để mua cho mình một ly matcha Nhật Bản, hay trà sữa gạo nâu đủ đá và ít ngọt. Giờ hàng quán vẫn xuất hiện đều đều, nhưng phần đông không còn là trà sữa các loại nữa bởi dạo này, lứa trẻ ưa thích vị mới hơn, như trà, hoặc nước ép trái cây hay một thứ gì đó nguyên vị.

Tuổi trẻ coi lạ mà không lạ, rồi lại không lạ mà chẳng quen khi sở thích cứ thay đổi liền mạch, nhưng khó đoán. Thói quen hảo ngoại vẫn ở đấy, nhưng biến đổi dần. Y như cách quán này lúc trước đông đúc giờ chịu thưa để nhiều người chọn nơi yên ả mà tìm đến.

Để bắt được sự chú ý của giới trẻ có vẻ là không khó, với lứa tuổi ham mê chụp choẹt này, nhiều ông, bà chủ đánh vào khâu trang trí, bày biện thật bắt mắt hoặc rất tây, hoặc rất ta để trước khi thực sự dừng chân nếm thử mùi vị của ấm trà trong và quyết định lâu dài lui tới, nhiều bạn trẻ có sẵn ấn tượng sẽ chọn đến để tìm kiếm cho mình một khung hình sống ảo.

Đối với bất kỳ loại hình hàng quán kinh doanh trà nào, điểm tương đồng dễ nhận ra là không gian yên tĩnh, cách xa với sự xô bồ mà người ta vẫn thường tự, hoặc bị cuốn vào từng giây, từng khắc. Mà kể là vậy, chứ nhiều lúc, à mà mọi lúc khi nghe nhắc đến, tôi và rất nhiều người trẻ khác vẫn tin rằng đó là một chốn lui tới thường xuyên của các bậc phụ huynh, cô chú trung niên nên suốt một thời gian dài, ngoài trà sữa, thưởng trà không phải là một lựa chọn xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ.

Check-in, thưởng trà đã trở thành thú vui mới của giới trẻ Huế

Nhưng có thể do cái tính dễ đổi thay, vài năm trở lại đây, nhâm nhi trà lá đã nổi lên với nhiều khác biệt. Dù không sốt bần bật, nhưng cũng đủ nhìn rõ về một thế hệ trẻ Huế rất khác. Tôi không chắc đây có phải là sở thích lâu dài, hay cũng chỉ là nhất thời như những gì lâu nay vẫn lặp lại hay không, nhưng nhiều khi cũng chắc ngẩm rằng đã có một lớp trẻ ngán ồn ào và thôi không còn mê “các thành phần nhập từ Nhật Bản, chuyển giao công nghệ của Đài Loan, Hàn Quốc” nữa.

Ai mà nghĩ cho được, sẽ có một ngày oải hương, hoa cúc, chi bản, cỏ ngọt sẽ là một lựa chọn mới của giới trẻ bao giờ. Tôi chẳng tin, thế mà An Tea – một điểm đến tương đối nổi bật và quen thuộc trong làng trà mới của người Huế làm được thế thật. Sẽ thật khó để thấy trà Thái xanh, Thái đỏ lẫn lộn thạch và các mạch trao đổi, trò chuyện rôm rả, thay vào đó, nhiều bạn trẻ giờ đã thôi ngại ngùng mà dõng dạc order một ấm trà thảo mộc cho riêng mình, rồi thả dòng chảy trôi chầm chậm qua từng con chữ của các đầu sách trưng bày đầy trên kệ.

Ở một thế giới khác, nơi ồn ào, nô nức buộc phải dừng chân, an yên là thứ dễ mà cảm được. Đây chẳng phải là ngẫu nhiên hay trùng hợp gì mà anh Anh Duy, chủ tiệm trà An Tea chia sẻ: “Cái gốc của An Tea là tạo ra một không gian an nhiên, để khách hàng có nơi yên tĩnh của riêng mình. Ai cũng cần một giây phút lắng đọng sau một ngày mưu sinh vất vả và quán trà đã ra đời như vậy”.

Ngày trước, trà sữa là một thứ gì đó rất kiêu. Cùng một món, ý là tương đương vị, nhưng quán này là hồng trà nguyên bản, quán khác đã thành hồng trà bá tước hoàng gia, thành ra mấy bạn trẻ uống vài lần vì tò mò từ tên, nhưng lại quen vị, nên mau nản. Nhờ đó mà an trà, trà dưỡng nhan, trà hoa đậu biếc, hay đơn giản chỉ là trà hoa lài, trà Thái Nguyên được đà nổi bật.

 Không chỉ người lớn, thanh thiếu niên, các em nhỏ cũng có thể tìm thấy một loại trà cho riêng mình

Không phải đợi quá lâu, cũng không mất ngủ và không nhiều lúc phải cố uống đến no căng cho “lại vốn” như trà sữa các loại, giờ lớp trẻ Huế đã có những buổi đi chơi thưởng trà đúng nghĩa. Mà quan trọng là chẳng phải ngại, hoặc lo lắng bị trêu “chưa gì đã già trước tuổi”.

Tôi dù không hẳn là một tín đồ của trà, rồi cũng chẳng để ý mấy đến lời bán tán ra vào nếu có, nhưng cứ nhìn thấy ấm trà lõi sứ xinh xinh thả chút hoa, rồi phải đợi đến khi dòng cát nhiều màu chảy hết từ bên này sang bên kia, một chút tò mò cứ thế nổi lên rồi bất giác mà hăng say chọn để “được đợi”, hay kỳ thực là chí ít cũng vì cảm quan thị giác đã nhiều phần đẹp hơn so với ấm sứ đầy lá chè bóp nát và vài lát gừng tươi đập dập cho thơm của ngoại ở nhà.

Trà cũng nhiều loại, giá cả cũng từ đó mà phân tầng. Tới Nhà để thưởng trà Thái Nguyên, trà nhài trong một không gian loang lổ xưa cũ sẽ phải chăng hơn, từ 15.000 - 45.000 đồng/ấm cho 2-4 người, nhưng muốn nếm cỏ ngọt trong bình trà lõi sứ, mỗi thực khách sẽ tiêu tốn ít nhất từ 35.000 đồng trở lên cho mỗi phần thức uống.

Ngày trước, các bậc phụ huynh vẫn thường ca thán về những hàng trà sữa đông đúc, rồi đính kèm một vài đường link về tác hại của nguồn trà không nhãn mác. Đoạn ấy chắc ba mẹ chẳng hiểu tại sao con mình cùng bạn bè nó có thể bỏ ra ngần ấy tiền để mua lại cái bực bội và ồn ào mà người khác chỉ mong trốn chạy. Đến giờ không biết nhị vị phụ huynh đã tỏ được chưa, nhưng hẳn đôi lần cũng ngạc nhiên lắm, khi biết con mình đã tìm đến những nơi yên ả, để tự mình, tự giác “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.

Bài, ảnh: HẠ AN - AN TEA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top