ClockThứ Sáu, 11/01/2013 13:59

Vị tướng Hộ quân sứ thời Tây Sơn ở Thừa Thiên Huế

TTH - Triều Nguyễn Tây Sơn và triều Nguyễn Gia Long phủ định nhau, hậu quả hiện nay những tư liệu lịch sử về Tây Sơn quá hiếm. Các tướng lĩnh Tây Sơn cao cấp, nổi tiếng thì chính sử có ghi chép còn những tướng lĩnh Tây Sơn cấp bậc không cao lắm như Hộ quân sứ thì hầu như chưa phát hiện được danh tánh người nào. Vài mươi năm trở lại đây, nhờ những nguồn tư liệu còn lưu giữ trong dân gian, giới nghiên cứu đã phát hiện một số tướng lĩnh Tây Sơn và đã công bố. Gần đây, nhờ điền dã ở làng Đồng Di, chúng tôi phát hiện một vị Hộ quân sứ Tây Sơn họ Đinh.

Đinh Như Đăng sinh ngày 23 tháng 6 năm Kỷ Tỵ [1749], tự Bố Dung, thân phụ là ngài Đinh Như Tượng (sinh năm Đinh Mùi [1727]), mẹ là bà Lê Thị Xảo (sinh năm Kỷ Dậu [1729], con ông Lê Quang Bậc, em chú bác với Thị giảng quốc sư Lê Cao Kỷ). Thuở niên thiếu Đinh Như Đăng học hành và rèn tập ở Học hiệu Đồng Di (phía sau văn miếu Đồng Di), do sơ ngoại Hiến Đức hầu Lê Quang Hiến của ông thành lập, Tham nghị Phạm Quang Liên sùng tu, và ông ngoại bác Tuấn Đức hầu Lê Cao Kỷ của ông tôn tạo. Khi vào tuổi 17, chưa kịp thi cử thì nhà ngoại gia biến, ông ngoại bác lúc bấy giờ là Sư phó, lo việc học cho kế tử Nguyễn Phúc Luân, khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát băng hà, bị phe Trương Phúc Loan bức tử cùng với ngoại tả Trương Văn Hạnh. Năm Đinh Như Đăng vào tuổi 36, quân đội Lê Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, nhà chúa xuôi nam, gia đình nhà quan tan tác, nhất là gia trạch từ đường bên ngoại cũng như Học hiệu văn miếu Đồng Di bị hoang phế do thiên tai, chiến tranh. Năm Bính Ngọ [1786], Nguyễn Huệ ra Phú Xuân, đánh thắng quân Lê Trịnh do đại tướng Phạm Ngô Cầu chỉ huy, Đinh Như Đăng đã tòng quân, cộng tác với Tây Sơn. Đinh Như Đăng sớm trở thành tướng Hộ quân sứ, theo vị chỉ huy tài ba Quang Trung Nguyễn Huệ trong những lần ra Bắc, đỉnh cao là chiến dịch đại phá quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu [1789]…

Ảnh chụp nhà thờ họ Đinh Như ở làng Đồng Di (Đông)

Khi đã thành đạt với chức Hộ quân sứ, ông trở lại quê nhà cùng với kỳ mục của làng Đồng Di, tận suất vi binh, đóng góp công sức tôn tạo đình Đồng Di, từ đường họ Phạm, thờ ngài khai canh Vân Hiên hầu Phạm Quang Hựu, Hàn lâm viện Chiêu Đức bá Phạm Quang (muội húy). Đặc biệt Hộ quân sứ Đinh Như Đăng đã thỉnh cầu làng Đồng Di tôn tạo Văn miếu và từ đường thờ Hiến Đức hầu Lê Quang Hiến. Lúc bấy giờ, Hộ quân sứ Đinh Như Đăng đã trình với làng về dấu tích gia trạch, của sơ ngoại Hiến Đức hầu Lê Quang Hiến, sau văn miếu hoang tàn. Trải qua loạn lạc, phần lớn các họ đã đến đời thứ VI, tính từ năm thành lập làng 1628 đến khi tôn tạo văn miếu vào thời Tây Sơn, khoảng 150 năm, cho nên người làng phần nhiều không còn nhớ nơi ở xưa của Hiến Đức hầu Lê Quang Hiến. Đinh Như Đăng là cháu ngoại họ Lê, ông lại là rể họ Lê nữa nên nắm vững chuyện xưa. Ông đã thuyết phục người làng xoay hướng văn miếu về bên phải, dựng nghi môn mới. Còn phía trái làm từ đường thờ Hiến Đức hầu Lê Quang Hiến và dựng cổng của từ đường.

Hộ quân sứ Đinh Như Đăng (đời thứ VI) là anh em họ, cùng chung ông cố Đinh Như Phi (đời thứ III), với Đinh Như Xuyên (đời thứ VI). Ông Đinh Như Xuyên sinh năm Đinh Hợi (1755) là rể của quan Hộ quân sứ Nguyễn Nhuận làng Vân Thê. Hộ quân sứ Đinh Như Đăng mất ngày 4 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802). Có khả năng ông theo đoàn quân rời Phú Xuân từ tháng 5 Tân Dậu [1801] của triều đình Quang Toản và tử trận khi vua Gia Long đưa quân ra Bắc thanh toán triều Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản. Về sau con cháu cải táng di cốt của Hộ quân sứ về xứ Huyền Võ của làng, bên tả của mộ ngài tổ. Dòng chính giữa bia “Phụng vị đệ lục thế tổ khảo Tế Dương quận Đinh Như tự Bố Dung phủ quân chi mộ”. Lạc khoản: “Ất Mùi niên xuân”, “Đệ nhất phái đệ nhất chi thế tôn đẳng đồng bái”.
 
Hộ quân sứ Đinh Như Đăng có người con trưởng Đinh Như Kinh, một vị túc nho, nhưng vì thân phụ là tướng Tây Sơn nên ông Đinh Như Kinh sống ẩn dật ở làng. Ngài Đinh Như Kinh sưu tập truyền ngôn của phụ lão, dựa vào tư liệu chữ Hán ở từ đường họ Lê Quang, sắc phong của các quan họ Lê… soạn bản thảo Hương phổ Đồng Di, đưa ra hội đồng kỳ lão của làng đọc và góp ý. Văn bản hoàn tất năm Thiệu Trị thứ hai. Nhờ có văn bản này, về sau làng Đồng Di mới tra cứu để viết báo cáo lên các vua Thành Thái, Duy Tân sắc phong các nhân thần.
 
Đại Nam chính biên liệt truyện do các sử quan của Quốc sử quán Nguyễn soạn, xếp Tây Sơn là Ngụy Tây nhưng vẫn chép lại Ngụy Tây đã làm nên trang sử hào hùng của những ngày đại thắng 1789, quét sạch quân xâm lược Thanh ra khỏi bờ cỏi Đại Việt. Nên chăng làng Đồng Di nên bổ sung đệ tam công đức của làng, trong đó có Hộ quân sứ Đinh Như Đăng, dật sĩ Đinh Như Kinh, để phối thờ ở đình, trong tinh thần “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Trần Viết Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top