ClockThứ Năm, 30/03/2017 12:09

Vỉa hè phải được sử dụng phù hợp

TTH - Thời gian gần đây, cùng với các địa phương trong cả nước, Huế đẩy mạnh ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tất nhiên, việc làm này sẽ bị những người có quyền lợi gắn liền với vỉa hè phản ứng. Song, với quảng đại dân chúng, đó là việc đáng hoan nghênh, nên làm vì lợi ích chung.

Một điểm nghẽn trong đền bù giải tỏa từng khiến công trình chỉnh trang đường Điện Biên Phủ kéo dài

Tuy nhiên, sau thời gian ra quân rầm rộ chưa lâu, lại có ý kiến: Phải tính thế nào với cuộc sống của một bộ phận dân nghèo vốn vẫn dựa vào vỉa hè để kiếm sống? Câu hỏi rất nhân văn, nhưng ở góc độ nào đó, theo thiển ý chúng tôi, lại rất... "phản" phong trào; gây khó nhất định cho công tác lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Lẽ ra, câu hỏi này phải cần được đặt ra sớm, giải quyết có lý có tình sớm, rồi tiến hành ra quân; hoặc phải được đặt ra thật muộn. Nghĩa là, phải đợi đến khi vỉa hè đã thông thoáng; mọi người phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật trước đã (vỉa hè là cho giao thông chứ không phải cho mua bán), sau đó, chính quyền sẽ tính đến chuyện an sinh. Xử lý vấn đề như thế, thiển nghĩ sẽ hợp lý hơn.

Với Huế, thật ra ý kiến an sinh gắn với giải tỏa vỉa hè đã có người đặt ra từ lâu, cả trên mặt báo lẫn tại một số cuộc họp với chính quyền địa phương. Bản thân chúng tôi trong một cuộc họp như vậy cũng từng đề đạt ý kiến, rằng nên có một cuộc khảo sát và nghiên cứu tạo điều kiện bố trí địa điểm mua bán hợp lý cho những người thực sự nghèo, thực sự có cuộc sống gắn liền với mớ cá, rổ rau hàng ngày nhưng lại không đủ sức để thuê lô nơi các chợ. Đó vừa là một cách Nhà nước hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đồng thời còn có ý nghĩa tạo tiền đề vững chắc cho việc giải quyết nạn lấn chiếm lòng đường vỉa hè để buôn bán; bên cạnh đó lại cũng giải quyết được sự bất hợp lý vẫn bị kêu lâu nay, đó là tình trạng tiểu thương trong chợ (có bỏ tiền thuê lô) nhưng lại bị các tiểu thương "rong bạ" (không thuê lô) lấy mất khách hàng ngay từ vòng ngoài... Không rõ những ý kiến ấy có được ghi nhận (?).

Cũng loanh quanh chuyện giành lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông, không ít người cho rằng không đâu... "dại" như Huế của ta. Là bởi tiền của, công sức mà Huế đầu tư để mở rộng, xây dựng lòng đường, vỉa hè là rất lớn so với ngân sách vốn dĩ không mấy dồi dào địa phương. Chưa kể, đôi lúc chỉ tắc một, hai điểm mà khiến cả công trình kéo dài, chậm tiến độ nhiều tháng, thậm chí cả một vài năm trời. Phải "thương lượng" nhiều bận về giá cả, phương thức đền bù; phải họp tới họp lui, rồi ra quyết định cưỡng chế lần 1, lần 2 ... những hộ gia đình chây ì mới chịu bàn giao mặt bằng. Đến khi đường thông, hè thoáng, không ai khác chính những hộ đó cũng dự phần hưởng lợi trực tiếp. Cả khoảng vỉa hè mênh mông trước mặt trở thành "sân nhà", thành nơi chiếm hữu để buôn bán, dựng xe, phơi phóng... Cực kỳ vô lý!

Ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng suy cho cùng đều là tiền thuế từ dân và doanh nghiệp. Đầu tư xong, "hao hơi tổn sức" xong, lại chủ yếu các gia đình nhà mặt tiền thụ hưởng (giá trị nhà đất tăng lên, vỉa hè đương nhiên sử dụng...). Cho nên, cần nghiên cứu, quy hoạch để tiến đến thu phí, cho thuê vỉa hè một cách phù hợp. Sử dụng nguồn lực đó vào việc duy tu bảo dưỡng, và tái đầu tư cho công trình khác. Như thế mới công bằng. Đó là đề xuất mà theo chúng tôi rất đáng được lưu tâm.

Bài, ảnh: HÀN YÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Triển khai luật, nghị quyết phù hợp với thực tiễn của địa phương

Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. Để gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả thì việc đưa luật vào cuộc sống đóng vai trò quan trọng. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu.

Triển khai luật, nghị quyết phù hợp với thực tiễn của địa phương

TIN MỚI

Return to top