ClockThứ Năm, 08/02/2018 05:59
LAO ĐỘNG THỜI VỤ DỊP TẾT:

Việc nhiều, lương cao

TTH - Khi không khí tết tràn ngập khắp phố phường, len lỏi vào mỗi gia đình cũng là lúc lao động thời vụ vào vụ tết.

Tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tậtTạo việc làm, giữ chân đảng viên trẻPhong Điền: Tổ chức Ngày hội việc làm – xuất khẩu lao động lần II, năm 2017Hơn 1.500 cơ hội việc làm cho sinh viên

Nhân viên một cửa hàng thời trang tư vấn cho khách hàng

Đua với thời gian

Tốt nghiệp đại học mới ra trường, chưa có việc làm, Thu Hằng xin vào làm chân bán hàng trên đường Hùng Vương một tháng nay. Cửa hàng áo quần Hằng làm việc cũng mang tính thời vụ, chỉ thuê mặt bằng bán 1 tháng trước tết, chuyên quần áo đại hạ giá. Ngoài Hằng, cửa hàng này cũng tuyển đến 5-7 nhân viên bán hàng, tiêu chí là trẻ và nhanh nhẹn, tháo vát. Hằng kể, mỗi ngày cô làm theo ca, mỗi ca 7 giờ, nếu làm từ sáng đến 10 giờ đêm thì thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Hằng cho biết thêm: “Bình thường em làm việc khác nhưng đến giáp tết, nhiều cửa hàng áo quần cần tuyển nhân viên thời vụ, lương lại cao hơn nên tới thời điểm này em lại nhảy việc”.

Giáp tết, nhiều người bận rộn, không có thời gian dọn dẹp nhà cửa nên nhu cầu thuê người dọn nhà đón tết tăng cao. Tranh thủ cơ hội này, chị Nguyễn Thị Ty (quê ở Hương Thủy) lên Huế nhận làm thêm. Cứ nhà này giới thiệu nhà kia nên chị làm không hết việc, có hôm làm đến tận 10 giờ đêm mới về. Mệt rã người nhưng bù lại, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 300 - 400 nghìn đồng, có khi còn được thưởng thêm. Thế nên dù mệt, chị vẫn cố gắng.

Chị Ty nhẩm tính, nếu làm đến tết, sẽ kiếm được 6-7 triệu đồng, hơn cả lương công nhân vệ sinh ở công trình xây dựng chị làm cả tháng. Số tiền đó cũng đủ để chị mua bánh trái, thực phẩm tết cho gia đình và quần áo mới cho con. Chị Ty chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, giáp tết là thời điểm nhà nhà đều muốn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật tươm tất nên tôi có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Việc nhiều lắm, chỉ sợ không có sức mà làm, vất vả nhưng cũng phải cố gắng để con có cái tết ấm cúng”.

Với người lao động tự do, giáp tết luôn là những ngày vất vả. Trong dòng người bận rộn những ngày cuối năm, không khó để nhận ra vẻ lam lũ, nhọc nhằn của những anh xe ôm, đánh giày, những người thợ sửa xe, những chị đồng nát… Họ đang chạy đua với thời gian, kiếm thêm chút tiền để trang trải cho gia đình trong dịp tết. Tại các khu vực chợ hoa, từ 20 tháng Chạp trở đi, rất đông xích lô, xe thồ đứng chờ khách thuê chở hoa. Anh Hoàng, một xe ôm ở An Hòa, kể: “Từ 20 tháng Chạp, cánh xích lô chúng tôi tìm đến các điểm bán hoa, cây cảnh vận chuyển thuê cho người mua. Ngày nào cũng dày chuyến, nếu chịu khó cũng kiếm được trên 200-300 nghìn đồng/ngày. Không phải ngày nào cũng có nhiều việc như thời điểm giáp tết nên tôi cố gắng làm thêm, đạp xích lô đến đêm 30 Tết”.

Việc nhiều, lương cao

Chạy một vòng quanh thành phố, dễ dàng bắt gặp những tấm biển tuyển nhân viên, việc làm ngày tết. Những công việc, như: nhân viên bán hàng, thu ngân, phục vụ nhà hàng, quán cà phê, đóng gói hàng tết và dọn dẹp nhà cửa... đang là những nghề “hot” cần nhiều lao động thời vụ tham gia. Ông Bùi Khanh, Phụ trách Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho hay: “Nhu cầu tuyển lao động thời vụ phục vụ vào dịp tết đang tăng cao với mức lương dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng”.

Yêu cầu tuyển dụng những người làm công việc thời vụ khá đơn giản: Trung thực, tác phong nhanh nhẹn, giao tiếp và thuyết phục tốt, nhiệt tình trong công việc... Mức lương được chủ lao động đưa ra tương đối hấp dẫn. Không ít lao động chọn những công việc như bán hàng, thu ngân, thậm chí phụ làm bánh, làm mứt với mức lương 200.000 đồng/ngày. Bà Yến Lan, chủ một cửa hàng trên đường Bến Nghé, cho hay: “Do nhu cầu mua sắm tăng nhanh trong những ngày tết nên chúng tôi phải tuyển thêm người làm, vừa phục vụ kịp thời cho khách vừa kiểm soát được hàng hóa, tránh tình trạng mất mát”.

Nhu cầu cần người làm trong dịp tết tăng cao, vì thế, kiếm được một việc làm những ngày cận tết quả thật không khó. Lương tương đối cao và nhà tuyển dụng lại không đòi hỏi quá nhiều về trình độ cũng như kinh nghiệm. Đây là cơ hội tốt để nhiều sinh viên, người lao động tự do tìm được công việc, tăng thêm thu nhập. Với nhiều bạn trẻ, đi làm thêm tuy vất vả nhưng có cơ hội trải nghiệm, lại có thêm tiền tiêu tết nên ai cũng hào hứng. Lê Thị Thùy Trang, sinh viên trung cấp kế toán chia sẻ: “Đây là năm thứ hai em đi làm thêm dịp cận tết. Năm ngoái bán hàng, năm nay em làm thu ngân. Công việc khá bận rộn nhưng em thích vì có thể kiếm được vài triệu trang trải tiền học phí. Em chỉ hơi lo là mình tính toán chưa rành, khách lại đông, lỡ làm mất tiền của chủ thì không biết làm sao. Thế nên, em luôn cẩn thận với công việc này”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần
Return to top