ClockChủ Nhật, 11/06/2017 06:21

Việc phân cấp bộc lộ nhiều vấn đề cần điều chỉnh

TTH - Niềm tự hào là chúng ta có số lượng các di tích và điểm di tích hết sức đa đạng và phong phú. Nhưng đi cùng niềm tự hào là nỗi lo. Một số di tích lịch sử văn hóa được phát huy giá trị có hiệu quả nhờ có sự đầu tư tương đối đồng bộ của Nhà nước, sự tham gia của người dân gắn với các chương trình lễ hội, thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Còn lại, mới chỉ giải quyết được một phần công tác bảo tồn - Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trao đổi với Thừa Thiên Huế cuối tuần.

Ông Cao Huy Hùng. Ảnh: Lê Thọ

Có một thực tế, các di tích lịch sử văn hóa ở Huế chưa thu hút du khách, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Hiện, chúng ta chưa đủ sức để thu hút khách tham quan đến với các điểm di tích lịch sử văn hóa do việc quản lý đang được giao cho các địa phương và cộng đồng dân cư, không có “thủ lĩnh” đứng ra tổ chức các chương trình phát triển văn hóa gắn liền với di tích. Việc tổ chức đón tiếp khách tham quan tại các di tích này cũng chưa đảm bảo. Sự đầu tư quảng bá hạn hẹp, thậm chí nhiều nơi chưa có. Vì vậy, các hãng lữ hành chưa thể thiết kế được các tour du lịch đến các di tích này, mà chỉ đến những điểm họ cảm thấy thuận tiện.

Ông đánh giá thế nào về công tác đầu tư cho di tích lịch sử văn hóa hiện nay?

Phần lớn các di tích lịch sử văn hóa, nhất là các di tích lịch sử cách mạng là các công trình dân sự, quân sự đơn sơ, vật liệu chủ yếu bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá… lại phân bố rải rác ở các vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gần như không có trong khi ngân sách Nhà nước không đủ trang trải. Nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Những năm qua, chúng ta mới chỉ cố gắng bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa ở mức chống đỡ nên không thể giải quyết dứt điểm sự xuống cấp. Vừa qua, kinh phí sửa chữa di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu hơn 1 tỷ đồng nhưng phải thực hiện hơn 2 năm. Di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu mới chỉ được chống xuống cấp cấp thiết và nghĩa trang Phan Bội Châu cũng chưa có hàng rào bảo vệ... là một vài ví dụ.

Vậy giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Thứ nhất, sự đầu tư của Nhà nước phải được ưu tiên cho những di tích trọng điểm. Huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa hợp pháp và tích cực phát huy vai trò của nhân dân nơi có di tích trên cơ sở có sự hỗ trợ về cơ sở pháp lý và chuyên môn của các cơ quan chức năng. Thứ hai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng cần quan tâm đến hạ tầng, đường sá vào các điểm di tích và biến di tích thành một phần không thể thiếu của địa phương.

Còn công tác bảo tồn các di tích cấp quốc gia ở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được thực hiện như thế nào?

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang trực tiếp quản lý 12 di tích; trong đó, có các di tích cấp quốc gia, như: khu vực Chín Hầm - nhà Ngô Đình Cẩn, mộ và nhà thờ Nguyễn Khoa Chiêm - Nguyễn Khoa Đăng, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu, Xứ ủy Trung Kỳ, địa đạo Khu ủy… Thời gian qua, một số di tích là nhà thờ dòng họ đang được chúng tôi phối hợp quản lý rất tốt bằng cách xã hội hóa, điển hình như di tích Nhà thờ Nguyễn Khoa Đăng - Nguyễn Khoa Chiêm. Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm bàn về quản lý và phát huy giá trị văn hóa của các di tích cấp quốc gia, nhân dịp 10 năm được phân cấp. Mong rằng, những vấn đề liên quan sẽ được tiếp tục bàn luận và làm rõ để tham mưu tốt hơn cho UBND tỉnh trong công tác này.

Chín Hầm – nhà ông Ngô Đình Cẩn là một địa điểm tham quan thu hút nhiều du khách. Sau khi tiếp quản, khu di tích này phát huy giá trị như thế nào?

Khu vực Chín Hầm – nhà Ngô Đình Cẩn đang được phát huy giá trị rất tốt. Chúng tôi tổ chức đón khách đều đặn 7 ngày trong tuần và đang làm đề án xin chủ trương lập quy hoạch và giải quyết những vấn đề tồn đọng. Trước đây, UBND tỉnh giao cho Công ty cổ phần Hương Giang trực tiếp quản lý, trong đó có việc giao đất tạm thời. Sau khi tiếp nhận, Công ty CP Hương Giang đã xây dựng một số công trình bổ trợ, như: Đền thờ, tượng đài, nhà tả - hữu vu… Tháng 10/2013, UBND tỉnh có chủ trương giao lại khu vực Chín Hầm – nhà Ngô Đình Cẩn cho bảo tàng tiếp tục quản lý. Khi bàn giao phần tài sản trên đất, Công ty CP Hương Giang đề nghị bàn giao nguyên giá (không có khấu hao). Chúng tôi không đồng ý. Bảo tàng tiếp nhận khu vực Chín Hầm theo quyết định của UBND tỉnh về mặt quản lý Nhà nước, còn sổ sách hồ sơ đến nay vẫn chưa giao.

Để phát huy có hiệu quả di tích Chín Hầm, trước tiên bảo tàng phải được giao đất chính thức, từ đó mới giải quyết về các loại tài sản trên đất là rừng thông cho đơn vị liên quan là Lâm trường Tiền Phong. Chúng tôi nhiều lần có văn bản đề xuất nhưng vấn đề chưa được giải quyết. Sắp tới, chúng tôi đề nghị Sở Văn hóa & Thể thao và các ngành chức năng lập đoàn công tác liên ngành để đánh giá lại toàn bộ tài sản hiện trạng của Chín Hầm. Từ cơ sở này, chúng tôi mới lập được các dự án bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích; cố gắng vận động các nguồn xã hội hóa, cải tạo cảnh quan môi trường trong điều kiện có thể và khả năng cho phép để phục vụ đón khách tham quan.

Sau sự kiện đón Nhật hoàng và Hoàng hậu, di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu là một trong những điểm thu hút rất đông du khách. Ảnh: Võ Nhân  

Còn các di tích khác, như Nhà lưu niệm Phan Bội Châu và Xứ ủy Trung Kỳ, Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu… thì sao, thưa ông?

Sau sự kiện đón Nhật hoàng và Hoàng hậu, di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu là một trong những điểm thu hút rất đông khách đến tham quan. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa trong hậu duệ gia đình cụ Phan để chỉnh trang di tích khang trang hơn. Di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu gồm nhà ở, nhà thờ, lăng mộ và nghĩa trang. Về quy mô, di tích này có đến 5 công trình nhưng do chủ trương tinh giảm biên chế nên đến nay, chúng tôi vẫn chưa có lao động biên chế hay hợp đồng để trực thường xuyên ở đây. Chúng tôi phải “xé” người ra, không phân biệt nhân viên hay lãnh đạo để bố trí trực tại điểm di tích này. Cũng vì không đủ người nên tại di tích Xứ ủy Trung Kỳ, chúng tôi chỉ có thể bố trí người trực kiêm nhiệm vào 3 ngày trong tuần, thời gian còn lại thì không có người trực.

Ông từng nói về dự định tổ chức một cuộc tọa đàm nhân 10 năm các di tích lịch sử văn hóa được phân cấp quản lý. Điều mà ông trăn trở  ở đây là gì?

Việc phân cấp bộc lộ nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Chủ trương của sự phân cấp hoàn toàn đúng, nhưng khi giải quyết từng phân khúc thì có vướng mắc, trong đó quan trọng nhất là kinh phí và nguồn nhân lực. Do nguồn kinh phí quá hạn hẹp, đầu tư nhỏ giọt, nhiều di tích ngày càng xuống cấp và không thể chờ đợi được sự đầu tư trùng tu. Trong hoàn cảnh này, việc phân cấp quản lý được thực hiện đến đâu còn tùy thuộc rất nhiều vào các nguồn lực đầu tư. Nếu không, trách nhiệm quản lý cũng chỉ như là quả bóng được lăn qua – đá lại, còn niềm hy vọng đem lại sự thay đổi cho bộ mặt của di tích thì rất khó thành hiện thực.

Chúng tôi cũng đang rất khó khăn về nhân lực. Việc tinh giảm biên chế là đúng nhưng không thể cào bằng. Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế chỉ có 4 hướng dẫn, thuyết minh viên nhưng nhu cầu thực tế thì cần đến 7 người, gồm: 3 người trực tại 3 khu vực trong bảo tàng, 1 người ở khu  vực Chín Hầm – nhà Ngô Đình Cẩn, 1 người ở di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, 1 người ở di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu và 1 người ở Xứ ủy Trung Kỳ. Chúng tôi đề xuất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top