Thế giới

Viễn cảnh... gần trong cuộc chiến chống khủng bố

ClockThứ Năm, 10/12/2015 07:09
TTH - Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế với sự tham gia của nhiều cường quốc thế giới cùng những lợi ích, chính sách và mục tiêu khác nhau tạo ra nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là bất đồng. Thế nhưng, trong bối cảnh hoạt động của chủ nghĩa cực đoan diễn biến phức tạp vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, liệu khả năng bỏ qua những bất đồng để thành lập mặt trận chống khủng bố toàn cầu sẽ có triển vọng?

Mục tiêu khác nhau

Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, hai chủ thể có quan điểm đối lập nhau rõ ràng là Nga và các quốc gia phương Tây. Mặc dù Liên bang Nga và phương Tây có chung lập trường về chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế; tuy nhiên, cách tiếp cận của Moscow lại không giống với phương Tây. Lịch sử quan hệ Nga - phương Tây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này, bất chấp thực tế hai bên có thể có những lợi ích chung ở khu vực Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: Washingtonpost

Nga muốn tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bởi nhóm này đã sát hại rất nhiều người dân Moscow sau khi làm nổ tung máy bay chở 224 hành khách trên bầu trời Ai Cập hồi đầu tháng 11 năm nay. Thế nhưng với Nga, tiêu diệt IS chỉ là một bàn đạp hướng đến mục tiêu tăng cường sự hiện diện chiến lược ở Trung Đông. Động thái nhằm giành lại vị thế ở khu vực chiến lược mà Liên Xô đã đánh mất từ những năm 1970. Cũng vì lẽ đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nhà lãnh đạo Ả Rập duy nhất mà Nga xem là đồng minh, đồng thời nhận định việc bảo vệ nhà lãnh đạo này là ưu tiên đầu tiên của Moscow. Minh chứng cho những nỗ lực đó là các cuộc hội đàm kín ở thủ đô Vienna (Áo) để giải quyết những khác biệt và thu hẹp bất đồng giữa Nga và phương Tây.

Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia đồng minh châu Âu muốn chi phối hầu hết các chế độ trong khu vực bằng hai cách: đi theo phương Tây hoặc tìm kiếm tư vấn và giúp đỡ từ phương Tây. Chính vì thế, đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác là một mục tiêu tức thì để đạt được mục tiêu lâu dài hơn là trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực, một nơi ổn định để tiếp tục cung cấp dầu khí cho toàn cầu.

Trong đó, phương Tây luôn đi theo hướng can thiệp vào các nước khu vực này thông qua việc đào tạo, hỗ trợ kinh phí, trang bị vũ khí cho các lực lượng được xem là “ôn hòa”. Mặc dù đã có nhiều bằng chứng về sự phản tác dụng của hoạt động này, song các cường quốc phương Tây vẫn không từ bỏ những cách tiếp cận mà thậm chí có thể đe dọa đến an ninh của chính họ, theo bài phân tích được đăng trên tờ AP ngày 8/12.

Đáng chú ý, Mỹ-quốc gia dẫn đầu liên minh chống IS vẫn kiên quyết cho rằng, chiến lược đối phó IS hiện nay đang đi đúng hướng. Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu dục được truyền hình trực tiếp vào tối 6/12 (tức sáng 7/12 theo giờ Việt Nam) khẳng định rằng: “Mỹ sẽ tiêu diệt IS và truy lùng tất cả những phần tử khủng bố ở bất cứ nước nào. Chúng ta sẽ chiến thắng bằng sự mạnh mẽ, khôn khéo, kiên cường và không ngừng nghỉ với một chiến lược đúng đắn”.

Tuy nhiên, cũng tại khu vực Trung Đông, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong liên minh chống IS khó có thể gia tăng hỗ trợ cho cuộc chiến, trong bối cảnh chính các nước này đang phải đối mặt với những cuộc xung đột ở khu vực và không đủ thực lực để tăng cường sức mạnh cho cuộc chiến của liên minh chống IS.

Ngoài ra, một số chính phủ trong đó có Ai Cập, Liban và Israel đã và đang phải đối phó cả chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong lãnh thổ đất nước với nguồn lực quân sự hạn chế. Vì vậy, họ cũng không thể tham gia một cuộc chiến có quy mô mở rộng hơn nhằm vào IS. Trong khi đó, các chính phủ khác như Iraq, Syria và Iran lại đang đứng trước những thách thức liên quan đến bất đồng giáo phái gây chia rẽ Trung Đông.

Khả năng bỏ qua bất đồng, thành lập mặt trận toàn cầu

Một bài xã luận được đăng trên tạp chí Huffingtonpost số ra ngày 9/12 nhận định, khả năng cho sự phối hợp hành động giữa Nga và phương Tây để thành lập mặt trận thống nhất chống khủng bố quốc tế vẫn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế có thể được hiểu là một liên minh dưới sự bảo trợ của Mỹ nhưng thay đổi triệt để cách tiếp cận hành động. Nếu những cách tiếp cận đó không thể thay đổi thì sẽ phải xây dựng một mặt trận khác với sự tham gia của các nước đang thực sự có mặt trong cuộc chiến chống phiến quân khủng bố và những kẻ “đồng lõa”.

Trái lại, nhiều chuyên gia đến từ Nga và các nước khác cho biết, trong giai đoạn cuộc chiến thực sự với IS đang diễn ra, không thể có một liên minh chống khủng bố toàn diện với sự tham gia của Mỹ bởi nhiều lý do cụ thể. Do vậy, Moscow cần bỏ qua các quan điểm của Washington và xây dựng mặt trận chống khủng bố dựa trên nguyên tắc hoàn toàn mới, rõ ràng và cởi mở hơn.

Theo đó, sợi dây liên kết chính của mặt trận này là các quốc gia đã chính thức và quyết tâm tham gia cuộc chiến chống khủng bố, cũng như có lập trường ủng hộ Chính phủ Syria, đất nước đang là trung tâm của cuộc chiến với IS. Hơn thế nữa, những bước tiến của một loạt quốc gia hướng tới cuộc đấu tranh thực sự với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã xuất hiện trong thời gian gần đây, điều đó có nghĩa là sự hình thành mặt trận chống khủng bố toàn cầu như đề xuất của nhà lãnh đạo Nga là một viễn cảnh đang ở rất gần.      

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ AP, Huffingtonpost & RBTH)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Return to top