ClockThứ Năm, 01/08/2013 09:34

Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

TTH.VN - Trước những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra trong hiện tại và tương lai, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường.”
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, về cơ bản Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Những hiểm họa phải đối mặt

Theo “Các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam” (2011) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự đoán vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam có khả năng tăng khoảng 2,5-3,7 độ C. Nơi có dấu hiệu nhiệt độ tăng nhiều hơn là phía Đông Bắc Bộ và Nam Tây Nguyên. Tổng lượng mưa trong mùa mưa cũng tăng, trong khi lượng mưa trong mùa khô lại giảm.

Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Như vậy, có gần 35% dân số thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, biến đổi khí hậu được Đảng và Nhà nước coi là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một lần nữa khẳng định biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, đồng thời chỉ rõ ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề cần được ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Mặt khác các bộ, ngành chức năng phải thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý về biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Cụ thể như Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020 đã được phê chuẩn năm 2007; Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được ban hành năm 2008... Chính phủ cũng đang xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, bao gồm việc tăng trưởng ít cácbon cũng như việc xử lý các vấn đề môi trường khác.

Các kết quả đã đạt được

Ngay từ cuối năm 1997, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, có hiệu lực từ ngày 16/2/2005. Kể từ thời điểm đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu được thực hiện một cách rộng rãi. Nhờ đó nhận thức của các ngành, các cấp về biến đổi khí hậu và nguy cơ tác động của nó, đã có những bước chuyển biến tích cực.

Ngoài những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, như Luật Đê điều, Luật Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, Pháp lệnh phòng chống lụt, bão. Chính phủ cũng đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, hình thành đơn vị đầu mối ở Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là việc điều chỉnh hệ thống tự nhiên, kinh tế-xã hội để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, liên tục cập nhật và công bố.

Chỉ tính đến năm 2011, đã có 5 bộ, ngành xây dựng chương trình hành động; 6 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện từ năm 2010 đã mang lại hiệu quả nhất định, nhất là các dự án chống ngập cho 5 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Cà Mau và Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn từng bước được đầu tư, nâng cấp thông qua Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn. Đến nay, một số công nghệ dự báo hiện đại đã được đưa vào sử dụng, nhờ đó đã tăng thời gian dự báo bão và áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ, dự báo cơn bão có quỹ đạo ổn định trước từ 60 giờ đến 72 giờ, cảnh báo trước 48 giờ đến 72 giờ các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại.

Công tác phòng chống thiên tai được triển khai quán triệt theo phương châm “4 tại chỗ” đã tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Các nội dung phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai được lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, các vùng và địa phương. Việc nâng cao điều kiện phòng, chống thiên tai cho các khu dân cư tại các vùng có nguy cơ, vùng ngập lũ, vùng ven biển được quan tâm đáng kể.

Những hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình phát triển cũng được Việt Nam quan tâm thích đáng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 5 năm (2006-2010), cả nước đã tiết kiệm được 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ, tương đương với 56,9 tỷ KWh, hoặc gần 35,5 triệu thùng dầu thô.

Một số ngành và địa phương đã đạt được kết quả bước đầu trong các lĩnh vực này, tiêu biểu như đã triển khai thực hiện 160 dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) được Nghị định thư Kyoto quy định, với tổng số chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CER) được cấp đạt khoảng 7 triệu CER, đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án và đứng thứ 9 về tổng số CER được cấp.

Cho đến nay, người dân và các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chủ động đầu tư khai thác thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, nhiên liệu sinh học phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Chương trình giảm mất rừng, suy thoái rừng nhằm giữ khả năng hấp thụ khí nhà kính của hệ sinh thái rừng được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và chính phủ một số nước cũng đang phát huy tác dụng.

 
Văn Hào (Theo Vietnam+)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top