ClockThứ Năm, 24/04/2014 05:31

Việt Nam qua ống kính một phụ nữ Nhật

TTH - Giữa hàng trăm hoạt động trong Festival Huế 2014, không gian triển lãm ảnh của nghệ sĩ Teruyo Iwahory (Nhật Bản) là một góc nhỏ dễ thương trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa Huế.

Trưa nắng, nữ nghệ sĩ vẫn ngồi lặng lẽ, mỉm cười nhìn mọi người chiêm ngưỡng những đứa con tinh thần của mình. Những giọt mồ hôi thấm đầy trên gương mặt phúc hậu của bà.

Nghệ sĩ Teruyo Iwahori bên tác phẩm của mình

Hơn 40 bức ảnh ghi lại niềm vui của người lao động trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, là thành quả sau 4 năm Teruyo Iwahory xách máy rong ruổi khắp 30 tỉnh, thành. “Đến Việt Nam, điều khiến tôi ấn tượng là những người lao động ở đất nước các bạn. Dù đang làm việc rất vất vả, tôi vẫn luôn nhìn thấy họ cười thật lạc quan, yêu đời, nghệ sĩ Teruyo chia sẻ.

Những người phu khuân vác đang bê đỡ vật nặng cồng kềnh, những phụ nữ đẩy xe chất đầy hàng hóa, những lão ngư tung lưới dưới trời nắng gay gắt hay những diêm dân phơi mình làm muối… Qua ống kính của bà, chân dung người lao động Việt Nam trong cuộc sống, công việc... giản dị mà tỏa sáng. Bà Teruyo tâm sự: “Thông qua những bức ảnh về cuộc sống của những người lao động bình thường, nghèo khổ, tôi muốn tất cả mọi người trên thế giới biết về sự khó khăn, vất vả của những người dân lao động và niềm vui của họ trong công việc thường ngày”. Tác phẩm chụp về người lao động Việt Nam của nhiếp ảnh gia Teruyo Iwahory từng được trưng bày nhiều lần ở Nhật. Nữ nghệ sĩ kể: “Khi xem ảnh của tôi, nhiều người Nhật rất ấn tượng và muốn đến Việt Nam để được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp và tiếp xúc với người Việt”.

Teruyo Iwahori là một nghệ sĩ nhiếp ảnh người Nhật hiện đang sinh sống tại Tokyo. Không qua trường lớp đào tạo nào, niềm đam mê khiến bà mày mò cùng chiếc máy ảnh. Suốt 20 năm cầm máy, bà đã rong ruổi khắp các nước châu Á, từ Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, đến Malaysia, Singapore, Indonesia và Trung Quốc... Trong hành trình ấy, Việt Nam là nơi có sức hấp dẫn kỳ lạ với bà, đã để lại ấn tượng sâu sắc và mang đến cho bà nhiều cảm hứng sáng tác. Mỗi bức ảnh là một niềm vui, một kỷ niệm trong hành trình khám phá.

14 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, nhiếp ảnh gia người Nhật này đã có 13 lần trở lại. Bà đã đi khắp hơn 30 tỉnh, thành, từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế đến Phú Quốc, Điện Biên Phủ… để ghi lại vẻ đẹp đất nước và con người Việt.

Mỗi lần sang Việt Nam, bà đều có những cảm hứng sáng tác mới. Những bức ảnh của Teruyo Iwahori về Việt Nam đơn sơ, mộc mạc, mang đậm hơi thở cuộc sống, lột tả sắc nét phong cảnh thiên nhiên và người lao động. Ðó là những ruộng lúa chín vàng, cánh đồng muối trắng tinh bên bờ biển, từ đô thị ồn ào, náo nhiệt đến những vùng ngoại ô yên ả. Thích được trực tiếp thâm nhập đời sống của người dân địa phương, đến đâu bà cũng muốn tìm hiểu cái mới lạ, độc đáo của địa phương đó, như ăn nước mắm Phan Thiết, bánh xèo Quảng Ngãi, hay uống rượu vang Ðà Lạt. Với Huế, Teruyo rất thích bún bò, nón lá...

“Chụp ảnh về Việt Nam và giới thiệu cho công chúng Nhật Bản là động lực đưa tôi đến Việt Nam nhiều hơn’, nghệ sĩ Teruyo Iwahori tâm sự khi chia tay chúng tôi.

Đây là lần thứ 3 nữ nghệ sỹ Teruyo Iwahore tham gia Festival Huế. Ở Nhật, bà đã tổ chức ba triển lãm ảnh về Việt Nam.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top