ClockThứ Sáu, 26/08/2016 09:48

Việt Nam quên dành quỹ đất trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi?

Nước ta là quốc gia nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi được coi là hai lĩnh vực song hành, hỗ trợ lẫn nhau.

Và mỗi năm xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD, nhưng ngược lại chúng ta lại phải bỏ ra trên 3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) như lúa mì, đậu tương, bột cá, bắp... Đây là một nghịch lý của nông nghiệp Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh gạo xuất khẩu giá thấp người trồng lúa không có lãi, còn ngành chăn nuôi thì lao đao vì giá thành sản xuất cao hơn giá thị trường nên mới dẫn đến tình trạng là nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Vẫn còn nhiều bất cập trong ngành chăn nuôi

Bất hợp lý

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng TĂCN và nguyên liệu trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1,85 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Nhưng ngược lại, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam mới đạt 1,32 tỷ USD. Như vậy, tiền thu từ xuất khẩu gạo không đủ bù chi cho nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu.

Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, TĂCN chiếm tới 65 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Mặc dù đang phát triển nhưng ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu TĂCN, đặc biệt là nguyên liệu giàu đạm thực vật như: Khô dầu đậu tương, khô đậu, lạc, vừng lên tới con số hơn 90%. Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.200 km nhưng ta vẫn phải nhập bột cá 65 - 68% đạm của Peru, Chile… Loại bột cá này nước ta mới có khoảng 4 doanh nghiệp sản xuất, nhưng sản lượng chưa nhiều.

Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, ngành chăn nuôi hàng năm sản xuất ra khối lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa giá trị trên 15 tỷ USD, đủ nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp cho hơn 90 triệu dân. Thức ăn là yếu tố hết sức quan trọng nhưng thực tế nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi đang rất thiếu. Nhiều năm nay, quỹ đất chỉ dành phân bổ cho trồng lúa gạo, cao su, cà phê, cây ăn quả… mà quên mất là phải dành đất cho trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ nuôi trâu bò...

“Bấy lâu nay tư duy bảo thủ vẫn hằn sâu trong đầu không ít người khi cho rằng, Việt Nam không có lợi thế phát triển đại gia súc, nên không dành quỹ đất để trồng cỏ nuôi bò, không tổ chức, chỉ đạo tận thu rơm, rạ sử dụng cho chăn nuôi trâu bò để dân đốt hàng triệu tấn rơm rạ mỗi vụ đã làm ô nhiễm môi trường và làm lãng phí không biết bao nhiêu tiền của” – ông Lịch nói.

Cần có quy hoạch cụ thể

Có một thực tế đang diễn ra là tăng trưởng của ngành TĂCN ở Việt Nam đang rất tốt với mức tăng 13 - 15%/năm, doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự chi phối của khối doanh nghiệp ngoại (đang nắm giữ 65 - 70% thị phần). Kèm theo đó là một khối lượng lớn nguồn nguyên liệu để chế biến TĂCN được các doanh nghiệp FDI gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng.

Các chuyên gia lo lắng, khi Việt Nam chính thức tham gia TPP mức thuế nhập khẩu giảm xuống 0%, thì sản lượng các sản phẩm nông nghiệp được nhập vào Việt Nam để làm nguyên liệu chế biến TĂCN sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Khi đó sản xuất TĂCN trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn nữa của nhà cung cấp nước ngoài.

Bởi vậy, để doanh nghiệp sản xuất TĂCN có thể phát triển được ngay chính trên sân nhà, theo các chuyên gia, Việt Nam cần bắt đầu từ khâu gốc là sản xuất. Bởi Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy những cây trồng nguyên liệu cho sản xuất TĂCN, giảm áp lực phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Mới đây, Hiệp hội TĂCN đã có kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển nguyên liệu bột cá, có chính sách dành quỹ đất để trồng TĂCN. Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu ra và đầu vào. Đây thực sự là việc cần thiết phải làm trong cơ cấu lại quỹ đất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020...

Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra, mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 42% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu đó khó có thể đạt được nếu ngay từ bây giờ không kịp thời xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu TĂCN một cách ổn định. Và giải pháp là phải bắt đầu từ sự mạnh dạn trong chính sách và quy hoạch lại.

Theo GD&TĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổi Hương Xuân vươn ra thị trường mới

Trên những vùng đất bạc màu không còn thích hợp với trồng lúa thuộc phường Hương Xuân (TX. Hương Trà), một dự án chuyển đổi cây trồng gắn với sinh lợi kinh tế đã được thực hiện từ 2 năm nay. Đó là quá trình đưa giống ổi Hương Xuân đem lại 3 tác dụng: phủ xanh vùng đất bạc màu bởi màu xanh cây ăn quả; tạo giá trị kinh tế cao cho người trồng; đồng thời xây dựng thành công sản phẩm OCOP mang giá trị cao cho địa phương.

Ổi Hương Xuân vươn ra thị trường mới
FAO: Sau khi tăng kỷ lục, giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 4

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc hôm qua (6/5) đưa tin cho biết giá lương thực thế giới đã giảm nhẹ trong tháng 4 sau khi chạm mức cao kỷ lục vào tháng trước, nhưng tình hình an ninh lương thực toàn cầu vẫn là một mối lo ngại do điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn.

FAO Sau khi tăng kỷ lục, giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 4

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top