ClockThứ Tư, 24/06/2015 18:11

Việt Nam thể hiện rõ vai trò dẫn dắt thúc đẩy hợp tác CLMV và ACMECS

TTH.VN - Các đề xuất thiết thực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các Hội nghị một lần nữa cho thấy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia

Tối 23/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 7 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 diễn ra tại Myanmar.

Kết quả triển khai các cam kết của Việt Nam cùng những quan điểm tích cực và các đề xuất thiết thực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị lần này, một lần nữa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển chung của khu vực.

Đoàn Việt Nam dự hội nghị

Hội nghị cấp cao lần này diễn ra trong bối cảnh cả nước chủ nhà Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương. Đây là cơ hội rất lớn cho sự phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với từng quốc gia.

Dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác Mekong ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Theo đánh giá chung tại hội nghị: Cơ chế hợp tác giữa 4 nước Campuchia - Lào - Myanmar và Việt Nam cũng như Chiến lược Hợp tác Kinh tế mang tên 3 dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong bao gồm cả Thái Lan đã và đang hiện thực hóa nhiều chính sách vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của các quốc gia. Nổi bật trong kết nối giao thông là việc các nước đã nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến đường dọc hành lang kinh tế Đông-Tây và Hành lang phía Nam. Lào và Myanmar cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cây cầu Hữu nghị bắc qua sông Mekong.

Đặc biệt, Việt Nam và Lào đã chính thức áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan, qua đó đã cắt giảm thời gian và chi phí thủ tục thông quan. Các quốc gia sẽ nhân rộng mô hình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao thương và nâng cao tính cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thêm: “Mô hình “một cửa, một lần dừng” chúng ta đã triển khai từ tháng 1 năm 2015 lần đầu tiên giữa Việt Nam với Lào ở cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Đây là mô hình được các nhà lãnh đạo trong hội nghị đánh giá rất cao bởi vì nó tạo thuận lợi rất lớn cho giao dịch thương mại song phương giữa Việt Nam-Lào và tới đây sẽ nhân rộng ra giữa Việt Nam với Campuchia, giữa Lào với Myanmar, giữa Lào với Thái Lan….sẽ tạo thành liên kết thông thoáng hơn trong thương mại, đầu tư giữa các nước, như vậy chắc chắn sẽ giảm bớt chi phí trong giao dịch và tăng thêm tính cạnh tranh của các nền kinh tế…”.  

Một lĩnh vực nữa mà Việt Nam thể hiện rõ vai trò dẫn dắt thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, đó là phát triển nguồn nhân lực. Vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực này được các quốc gia coi trọng và đánh giá cao, tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với các nước. Tại hội nghị, Campuchia, Lào và Myanmar đánh giá cao Việt Nam và Thái Lan đã cung cấp học bổng cho các quốc gia này và đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

Trong các bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích rõ những tiềm năng lớn để các quốc gia thành viên tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và trở thành một động lực tăng trưởng mới của ASEAN, nhất là vị trí nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á với các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Nhấn mạnh điều quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, Thủ tướng đề xuất một số lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hợp tác giữa các quốc gia, nhất là tăng cường kết nối về chính sách và hạ tầng cơ sở, trong đó sớm chuyển đổi các hành lang giao thông thành hàng lang kinh tế thông qua các chính sách tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại xuyên biên giới; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, phát triển ngành công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa và hội nhập các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Trong hội nghị lần này phải nói đến 3 kết quả nổi bật. Một là các nhà lãnh đạo khẳng định phát huy thế mạnh của các nước ở trong Đông Nam Á lục địa, kể cả 4 nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam hay thêm Thái Lan nữa. Đây là những nền kinh tế nông nghiệp rất mạnh có nguồn lực dồi dào, có tiềm năng rất lớn do đó phải hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả từ khâu nuôi trồng đến chế biến để tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới. Thứ hai tạo thuận lợi hóa để thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ ba là hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực như vậy mới có thể nâng được tính cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực với các nước ASEAN khác…”.  

Điểm nhấn của Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 6 là việc thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2018 xác định 8 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, trong đó phấn đấu đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thêm: “Các nhà lãnh đạo đánh giá rất cao tiềm năng du lịch rất lớn của các nước Đông Nam Á lục địa và cho rằng mỗi nước đều có nền văn hóa lâu đời, có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh do đó cần phải liên kết chặt chẽ với nhau thành một thị trường chung du lịch. Tức là gắn kết chặt chẽ với nhau kể cả về hàng không, đường bộ, đường biển trong du lịch. Thứ hai là tăng cường chia sẻ thông tin hợp tác, thông qua các tour du lịch chung kết nối giữa các điểm đến khác nhau trong 5 nước ở khu vực này và thứ ba là tăng cường chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau đầu tư nâng cao năng lực, nhất là dịch dụ trong ngành du lịch để thu hút nhiều khách du lịch hơn không chỉ du khách ở các nước thành viên mà du khách từ ngoài khu vực…”.

Thể hiện rõ vai trò tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của các cơ chế hợp tác với Campuchia-Lào-Myanmar và Thái Lan, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò điều phối và tổ chức Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7 vào năm tới. Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Diễn đàn đối thoại kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mekong bên lề hai hội nghị cấp cao này.

Tham dự các hội nghị cấp cao tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các quốc gia khẳng định quyết tâm chính trị trong phát triển toàn diện quan hệ hợp tác song phương, góp phần củng cố tình đoàn kết, quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Myanmar Thein Sein cùng trao đổi và thống nhất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, dầu khí, tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại và đầu tư… thiết thực đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong 12 lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tham dự một số hoạt động quan trọng của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar, nhất là lễ nghiệm thu giai đoạn 1 dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại thành phố Yangon. Đây không chỉ là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản tại Myanmar với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD mà còn là công trình mang tính biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Myanmar. Cam kết chính trị mạnh mẽ và sự động viên, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Việt Nam và Myanmar là niềm khích lệ cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thực và góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước./. 

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top