ClockThứ Sáu, 01/05/2020 07:57

Viết vì đồng đội, vì nhân dân

TTH - Ba nhà văn Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ và Hà Khánh Linh đều trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ. Hiện thực bi hùng của cuộc chiến đã thôi thúc họ cầm bút, như là cách để trả nợ cho đồng đội, Nhân dân.

Võ Quê, người giữ hồn ca Huế

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể lại những năm tháng ông viết văn, làm báo trên chiến trường

Nhà văn Nguyễn Quang Hà: Trả nợ cho Nhân dân, đồng đội

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đi vào thời kỳ ác liệt, thầy giáo Nguyễn Trọng Trường (tên thật của nhà văn Nguyễn Quang Hà) rời bục giảng cùng đại đội Ngô Gia Tự, gồm 155 thầy giáo từ quê hương Kinh Bắc, tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên chiến đấu. Những ngày cùng đồng đội vào sinh ra tử, chứng kiến những hành động dũng cảm, tinh thần bất khuất, hy sinh của đồng đội, sự bao bọc, chở che của đồng bào đã thôi thúc Nguyễn Quang Hà cầm bút.

Sau mỗi trận chiến trở về căn cứ, ông lại lặng lẽ kiếm vỏ bao thuốc lá, những mảnh giấy cặm cụi ghi chép, làm thơ, viết báo. Sau đó, ông được điều về làm phóng viên Báo Cờ Giải phóng - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Thừa Thiên Huế vào năm 1970. Năm 1974, Nguyễn Quang Hà bị thương và được ra Bắc điều dưỡng. Trong thời gian ở trên đất Bắc, ông tham dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà thơ Xuân Diệu phụ trách. Chính nhà thơ Xuân Diệu động viên Nguyễn Quang Hà viết truyện ngắn, tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Thời tôi mặc áo lính” của ông ra đời.

Nhà văn chia sẻ: “Những tác phẩm viết về chiến tranh của tôi thường xoay quanh hai chủ đề chính: đơn vị bộ đội tôi từng tham gia chiến đấu và Nhân dân Thừa Thiên Huế với những đóng góp lớn lao trong chiến tranh: đào hầm bí mật, nuôi giấu, canh gác cho bộ đội, động viên con đi bộ đội... Trong đó, hình tượng lớn lao tôi tập trung khắc họa là hình tượng người mẹ. Khi vào Huế chiến đấu, tôi đã được các mẹ nuôi giấu trong căn hầm bí mật, chăm lo như chính đứa con trong gia đình, dù chết vẫn bảo vệ bộ đội chứ nhất quyết không khai”.

Hiện thực sống động từ cuộc chiến với những hy sinh lớn lao, bao người vợ mất chồng, bao người con mất cha, nỗi đau ấy đến bây giờ vẫn khôn nguôi, cùng với tình cảm, sự chở che của Nhân dân là cảm xúc nhà văn Nguyễn Quang Hà không bao giờ quên, cứ thế tuôn trào qua ngòi bút. Các tiểu thuyết: Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm, Nợ đời, Nếu không có Nhân dân… lần lượt ra đời chính là những trải nghiệm của ông từ cuộc chiến. Trong đó, gây tiếng vang lớn nhất là tiểu thuyết “Vùng lõm” viết về làng Mai Trung nằm ở ngoại ô Huế, về người lính, du kích và người dân trong “vùng lõm” giữa vùng địch tạm chiếm.

Chưa tính thơ và truyện ngắn, “gia tài” của nhà văn Nguyễn Quang Hà có 17 cuốn tiểu thuyết, trong đó có đến 13 cuốn viết về chiến tranh. Vì thế, ông được nhắc đến như một cây bút chủ lực viết về đề tài chiến tranh cách mạng của văn chương Việt Nam đương đại.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Chiến trường cho tôi những trang viết

Cũng trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, ông Tô Nhuận Vỹ trở thành nhà văn bởi hiện thực lúc ấy thôi thúc ông phải viết. Năm 1968, ông là phóng viên chiến trường. Viết hàng trăm bài báo, nhưng những tư liệu sống động về phẩm chất anh hùng của đồng đội và Nhân dân cứ đầy ắp. Thấy viết báo thôi là chưa đủ, ông chuyển sang viết văn. Truyện ngắn cũng không thể chuyển tải hết sự kỳ vỹ, oanh liệt và cả khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tô Nhuận Vỹ bắt tay vào viết tiểu thuyết khi mới 23 tuổi.

Sau 10 năm, ông đã cho ra đời bộ tiểu thuyết 3 tập “Dòng sông phẳng lặng” dày trên 2.000 trang, viết về cuộc chiến đấu của quân dân Huế trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim truyền hình 15 tập cùng tên và được tái bản nhiều lần. Với nhà văn Tô Nhuận Vỹ, đó là kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Năm 2012, ông ra mắt độc giả tiểu thuyết “Vùng sâu” (đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam), đi sâu khai thác những vấn đề ưu tư, oan trái sau chiến tranh đối với những trí thức sinh ra, lớn lên ở miền Nam đi theo cách mạng.

Những tác phẩm viết về chiến tranh của nhà văn Nguyễn Quang Hà

Không miêu tả chiến công hiển hách của những tiểu đoàn, binh đoàn lớn, tác phẩm của nhà văn Tô Nhuận Vỹ đa phần viết về Nhân dân anh hùng, trong đó quân và dân là một, bởi ông cho rằng, nếu không có sự tiếp sức, bao bọc, che chở của Nhân dân thì bộ đội không thể làm nên chiến công.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ bộc bạch: “Chiến trường đã cho tôi những trang viết, đưa tôi trở thành nhà văn. Thực tế nóng bỏng của cuộc chiến, cảm xúc từ những gì đã nếm trải thôi thúc tôi viết văn, chứ lúc ấy tôi đâu có kinh nghiệm gì, cũng không có ý thức để trở thành nhà văn. Không viết nhiều nhưng những điều tôi viết là có thật từ thực tiễn tham gia chiến đấu”.

Nhà văn Hà Khánh Linh: Viết mấy vẫn thấy chưa đủ

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, năm 20 tuổi, đang học dự bị đại học Khoa học Sài Gòn thì cô gái trẻ Hà Khánh Linh quyết định bỏ học để gia nhập quân giải phóng. Trải qua những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, kể cả chiến trường Campuchia... với nữ nhà văn, nguồn cảm hứng về đề tài chiến tranh vẫn luôn nóng bỏng.

Suốt cuộc đời cầm bút, nhà văn Hà Khánh Linh xuất bản hơn 30 đầu sách, đa phần là viết về chiến tranh. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay “Trắng canh” viết về cuộc đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân trong lòng đô thị miền Nam đến những sáng tác sau này, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, các nhân vật của nhà văn Hà Khánh Linh nếu không trực tiếp chiến đấu thì cũng bước ra từ cuộc chiến.

Trong các tác phẩm: Thúy, Chiến tranh và sau chiến tranh, Nụ cười Apsara, Ngày ấy Trường Sơn... nhà văn Hà Khánh Linh không chỉ thể hiện sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh mà còn đề cập đến nhiều vấn đề mang tính nhân loại, như: chính nghĩa và phi nghĩa, cái cao cả và cái thấp hèn, sự sống và cái chết...

Không ngại thân gái dặm trường, nữ nhà văn từng xông pha vào trận chiến để có những trang viết sống động. Ngay cả khi đất nước hòa bình, bà vẫn táo bạo sang Campuchia tác nghiệp khi đất nước này vẫn đang chiến đấu với tàn dư Polpot. Tác phẩm “Nụ cười Apsara” với những trang viết sống động, chân thực ra đời trong những ngày nữ nhà văn bất chấp hiểm nguy rong ruổi khắp Campuchia đã được trao tặng Giải thưởng Văn học sông Mê Kông.

Nhà văn tâm sự: “Những ngày kháng chiến, tôi đã từng chôn cất đồng đội, chứng kiến biết bao sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta, của những người bạn trí thức xếp bút nghiêng lên đường kháng chiến… Thế nên với tôi, viết bao nhiêu về chiến tranh cũng thấy chưa đủ, vẫn trăn trở chưa thể lột tả hết sự hy sinh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Hiện thực chiến tranh dẫu qua mấy chục năm vẫn luôn ám ảnh, day dứt, là đề tài vô tận tôi khai thác mãi không hết”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tương lai nào cho chúng ta?

Nhà báo - nhà văn Julie Lardon phối hợp cùng Viện Pháp và NXB Kim Đồng, tổ chức workshop “Tương lai nào cho chúng ta?” tại Huế.

Tương lai nào cho chúng ta
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”

TIN MỚI

  • Dịch vụ Viết Bài Xuyên Việt Xem ngay
Return to top