ClockThứ Sáu, 16/09/2016 21:16

Vĩnh biệt cụ Lữ Hữu Thi

TTH - Nghệ nhân Nhã nhạc cuối cùng của triều Nguyễn là cụ Lữ Hữu Thi vừa giã từ “cõi tạm” ở tuổi 106.

Nghệ nhân Lữ Hữu Thi

Nghệ nhân Lữ Hữu Thi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nhạc lễ cung đình ở làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ là thành viên duy nhất còn sót lại của ban nhạc Hòa Thanh - ban nhạc phục vụ qua hai đời vua Khải Định và Bảo Đại. Thời hiện đại, cụ Thi chính là “báu vật sống” của âm nhạc cung đình Huế.

Thân sinh cũng là một nhạc công có bề dày khổ luyện nghệ thuật âm nhạc dân tộc, thường tham gia nhiều hoạt động lễ hội nên từ thuở ấu thời cụ Lữ Hữu Thi đã được dìu dắt, truyền dạy các ngón nghề về nhạc cụ dân tộc. Ngay từ năm 8 tuổi, cụ Thi đã biết sử dụng thuần thục các loại đàn nhị,  đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, địch, phách tiền, tam âm, trống bản…Những cung bậc hoà thanh bổng trầm, réo rắt, độc đáo của các nhạc cụ ấy đã theo cụ suốt một đời.

Năm lên 15 tuổi, cụ Lữ Hữu Thi được vào phục vụ Nhã nhạc cho vua Khải Định trong ban nhạc Hòa Thanh. Sau khi nhà vua mất, đội nhạc tan rã một thời gian, đến khi vua Bảo Đại lên ngôi thì mới tập hợp lại. Sống ở hoàng cung là những ngày đáng nhớ với cụ, những kỷ luật khắt khe chốn cung đình làm cụ và những thành viên trong đội nhạc lễ đều lo lắng. Tuy nhiên, cụ cũng đã được dạy làm thế nào để đứng trong một đường thẳng và ăn mặc đúng cách, làm thế nào để sắp xếp và đội mũ trong sự hiện diện của nhà vua theo quy định của hoàng gia, những điều vô cùng cần thiết đối với một nhạc công cung đình.     

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đội nhạc Hòa Thanh giải thể, hầu hết người trong ban nhạc đều về quê làm ruộng, làm thợ để kiếm sống, riêng cụ Thi vẫn mải mê gắn bó với Nhã nhạc. Nối tiếp cụ, ông Lữ Hữu Minh, con trai cụ cũng theo đuổi Nhã nhạc và cha con cụ thường chơi nhạc tại các đền thờ hay nơi công cộng để sống qua ngày và quan trọng hơn là lưu giữ di sản nhã nhạc bằng cách cha truyền con nối. Và rồi, cơ hội đến với cụ khi đến năm 1990, Nhà nước có chủ trương khôi phục và bảo tồn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Nhã nhạc lại có cơ hội để “khoe mình”, chấm dứt 50 năm mai một và có nguy cơ thất truyền.

Năm 2003, sau khi Nhã nhạc được Unesco công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, cụ Thi ra sức phục dựng lại những bản nhã nhạc có nguy cơ bị thất truyền. Với sự cố gắng và nỗ lực, cụ đã tìm ra và phục dựng thành công các bản nhạc cổ như: Nam ai, Nam bằng, Long ngâm…Năm 2010, do tuổi già sức yếu, cụ đã không tham gia công tác nghiên cứu về Nhã nhạc, thay vào đó cụ giao lại cho các con của mình tiếp tục sự nghiệp. Riêng về phần mình, cụ về làm việc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường để tiếp tục đào tạo nhạc công cho nhã nhạc Huế, và là cố vấn cho các chương trình biểu diễn Nhã nhạc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường. Năm 2014, cụ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy Nhã nhạc cung đình Huế.

Cụ Lữ Hữu Thi với tư cách là “báu vật sống” qua đời là một mất mát lớn của Nhã nhạc cung đình Huế. Tuy nhiên, với những ai yêu mến và gắn bó với Nhã nhạc cung đình Huế, hình ảnh cụ Thi nhã nhạc vẫn như sống mãi. Tiếp nối truyền thống của cha ông, các con trai của cụ Lữ Hữu Thi vẫn đang theo đuổi nhã nhạc và hiện đang công tác tại đội nhã nhạc cung đình Huế. Trong những năm qua, ngôi nhà cũ của gia đình Lữ Hữu Thi nằm ở đường Đặng Tất vẫn vang lên những giai điệu hài hòa của Nhã nhạc và nó được thực hiện bởi cha, con, cháu, chắt của cụ Thi. Hơn thế, hàng trăm nhạc công nghệ thuật cung đình Huế có phần công sức được đào tạo của nghệ nhân Lữ Hữu Thi đã và đang kế thừa sự nghiệp của cụ. Nhã nhạc cung đình Huế đã không hề mai một mà đang tiếp tục được bảo tồn và phát triển, trở thành tài sản chung của cả nhân loại. 

Thu Thủy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top