ClockThứ Sáu, 10/06/2016 20:19
DI SẢN TƯ LIỆU “THƠ VĂN TRÊN KIẾN TRÚC CUNG ĐÌNH HUẾ”:

Vinh danh và bảo tồn bền vững cho mai sau

TTH - Sáng nay (11/6), ngay sau lễ công bố Di sản tư liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO, UBND tỉnh tổ chức tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu này. Đây là một trong những nỗ lực của Thừa Thiên Huế nhằm định hướng chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Sự công nhận chỉ là bước khởi đầu để bảo tồnVinh danh Di sản tư liệu “Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

Giới thiệu triển lãm “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” tại Đại Nội

Kho tàng vô giá

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc UNESCO (MOWCAP) diễn ra tại Huế trong tháng 5 vừa qua, “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là một trong 2 hồ sơ được công nhận là Di sản tư liệu với sự đồng thuận đạt số phiếu tuyệt đối.

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế gồm những tác phẩm tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925). Công việc này được thực hiện bởi các thế hệ nghệ nhân giỏi nhất quốc gia. Trải qua bao dâu bể, sự khắc nghiệt của thời gian, thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay Huế vẫn còn bảo tồn được hơn 3000 đơn vị với đầy đủ các loại hình: thơ, văn, câu đối, đại tự... Các bài thơ được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, trong nội thất và ngoại thất kiến trúc cung đình Nguyễn.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là sản phẩm trí tuệ của các vị hoàng đế triều Nguyễn, được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ, tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử. Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo của một giai đoạn lịch sử gần 150 năm phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của Việt Nam.

Cần bảo tồn nghiêm ngặt

Đến thời điểm này, Huế thực sự đã trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”, với các di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Khi hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu, Cố đô Huế có thêm điểm đặc biệt là di sản nằm trong di sản nên rất có lợi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, chính vì hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu, phải được bảo vệ tuyệt đối tính độc bản, nguyên gốc nên việc bảo tồn các công trình liên quan cũng phải đưa ra những quyết định cực kỳ nghiêm ngặt, tính nguyên gốc đòi hỏi phải được bảo vệ một cách tốt nhất.

Sau sự vinh danh của UNESCO, sẽ là nhiệm vụ và thách thức lớn đối với Thừa Thiên Huế trong định hướng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị Di sản tư liệu này cùng với các di sản văn hoá đã được công nhận một cách toàn diện. Đây cũng là cơ hội mới để Thừa Thiên Huế tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn Di sản tư liệu này và các di sản tư liệu tiềm tàng khác; trao đổi thông tin và huy động các nguồn lực để bảo quản, số hóa, tăng cường sự tiếp cận; đồng thời mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá không là trách nhiệm của riêng ai mà của cả cộng đồng và toàn xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, định hướng công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, nhất là UNESCO, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cho di sản Huế trên nhiều phương diện, tranh thủ quảng bá hình ảnh Huế thông qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tiếp tục củng cố mối quan hệ với các Bộ, Ngành Trung ương, các khu di sản thế giới ở Việt Nam và các tỉnh bạn để tranh thủ tối đa các nguồn lực và sự ủng hộ vật chất, tinh thần phục vụ cho công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản Huế. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Huế sẽ được nâng lên tầm cao mới, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những đô thị trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thơ văn tranh đấu trên tuần báo “Kinh tế tân văn”

Từ “Nhành Lúa” đến “Kinh tế tân văn” tiếp nối, cả hai tờ báo đã phát huy tối đa sức mạnh của cơ quan ngôn luận, cùng với các thể tài báo chí, thơ văn trên hai tờ báo đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén của những người cộng sản.

Thơ văn tranh đấu trên tuần báo “Kinh tế tân văn”
Bảo tồn thơ văn trên điện Thái Hòa khi trùng tu tổng thể

Là ngôi điện quan trọng nhất trong không gian của Hoàng thành và thiết chế chính trị của triều đình nhà Nguyễn, việc trùng tu tổng thể điện Thái Hoà được nhiều người quan tâm, trong đó có việc bảo tồn hệ thống thơ văn trên kiến trúc ngôi điện này khi hạ giải để trùng tu tổng thể.

Bảo tồn thơ văn trên điện Thái Hòa khi trùng tu tổng thể
Gìn giữ thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Với những giá trị độc đáo và quý hiếm, năm 2016, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận di sản tư liệu thế giới – khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, di sản này luôn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chăm chút giữ gìn, phát huy giá trị.

Gìn giữ thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Vinh danh Di sản tư liệu “Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

Chiều 19/5, trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP), thuộc UNESCO, đã thông qua danh sách 14 trong số 16 hồ sơ được tiến cử lần này. Trong đó, Việt Nam có 2 hồ sơ được thông qua là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) với số phiếu tuyệt đối.

Vinh danh Di sản tư liệu “Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”
Return to top