ClockThứ Năm, 18/01/2018 05:46
TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ:

Vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập

TTH - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) tiếp tục thu ngân sách vượt, thực hiện nhiều dự án bảo tồn tu bổ di tích quan trọng đảm bảo tiến độ và chất lượng, hoạt động dịch vụ du lịch có những đột phá mới… Những kết quả tích cực này góp thêm thành tích để đơn vị xứng đáng với Huân chương Độc lập hạng Ba được Chủ tịch nước trao tặng.

Di tích Huế sẵn sàng bước vào năm 2017Lễ hạ nêu và khai ấn ở Đại nội HuếTrung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức hội thaoTriển lãm tại Di tích Cố đô Huế nhân dịp Quốc khánh 2/9

Nhật hoàng và hoàng hậu thăm Hoàng cung Huế. (Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế) 

Năm 2017, Trung tâm BTDTCĐ Huế có nhiều dấu ấn, đầu năm vui đón Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko thăm Hoàng cung Huế và xem biểu diễn Nhã nhạc; cuối năm phấn khởi với con số hơn 3 triệu lượt khách đến thăm khu di sản Huế. Với lượng du khách đó, doanh thu từ nguồn bán vé tham quan đạt hơn 317 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch được giao. Chương trình “Đại Nội về đêm” với năm đầu tiên ra mắt, tuy còn nhiều điểm cần tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện, nhưng đã thu hút hơn 80 ngàn lượt khách (trong đó 28 ngàn lượt khách có bán vé), đạt doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng.

Các hoạt động dịch vụ trên toàn địa bàn di tích Huế tiếp tục được triển khai đúng hướng, thu hút ngày càng nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Trong năm, tổng thu từ các hoạt động dịch vụ đạt trên 40 tỷ đồng. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết: “Lượng khách thăm khu di sản Huế tăng trưởng trong 5 năm liên tục từ 2011-2016 đạt mức bình quân từ 15-17%, riêng năm 2017, mức tăng trưởng đạt trên 20%. Hiện nay, nếu xét về việc thu ròng vé tham quan di tích, thì Quần thể Di tích Cố đô Huế đang đứng đầu về doanh thu”. 

Du khách khám phá bảo vật vạc đồng ở Đại nội

Trong các lĩnh vực công tác, hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích là một trong những nhiệm vụ trọng điểm được ưu tiên quan tâm. Thừa Thiên Huế đang là địa phương dẫn đầu trong cả nước được UNESCO, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, bài bản và tôn trọng các công ước quốc tế về bảo tồn di sản. Trong năm 2017, với nguồn vốn ngân sách hơn 176 tỷ đồng được bố trí cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích, đã có 11 công trình chuyển tiếp từ năm 2016, 13 công trình được khởi công mới và 4 dự án đã hoàn thành. Trong số này, có 3 dự án tuy quy mô nhỏ nhưng được dư luận quan tâm, gồm: Bãi đỗ xe lăng vua Khải Định, dịch vụ phim giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo và dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên. Với sự hỗ trợ cả về tài chính và trình độ kỹ thuật của Đức, dự án phục hồi cổng, bình phong và non bộ của Phụng Tiên hoàn thành, Thừa Thiên Huế có thêm cơ hội phục hồi kỹ thuật fresco – cách vẽ tranh tường bằng màu nước trên vữa vôi, đã bị thất truyền tại Việt Nam, để phục vụ tích cực cho công tác bảo tồn di sản kiến trúc cung đình.

Tích cực hỗ trợ cho vẻ đẹp tinh thần của kiến trúc cung đình Huế, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể cũng thường xuyên được củng cố và nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn biểu diễn. Thử sức thử nghề tại cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Tuồng toàn quốc năm 2017, 8 gương mặt trẻ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đem về 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 5 bằng khen cá nhân. Chính đội ngũ diễn viên của Nhà hát là lực lượng hoạt động rất tích cực ở các điểm biểu diễn nghệ thuật trong chương trình “Đại Nội về đêm”. Điểm nhấn là trích đoạn tuồng “Bát tiên hiến thọ” vừa được phục dựng. Năm nay, lực lượng diễn viên và đội ngũ nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tiếp tục được giao trọng trách kể câu chuyện “Văn hiến kinh kỳ” – một chương trình “đinh” của kỳ Festival Huế lần thứ X. Sau Festival Huế, “Văn hiến kinh kỳ” sẽ được bổ sung cho “Đại Nội về đêm” và hứa hẹn có thể tiếp tục “đứng” được trong lòng du khách như một sản phẩm dịch vụ thương mại độc lập.

Với nguồn động viên từ nhiều phần thưởng được các cấp, ngành ghi nhận trong thời gian qua, mà nổi bật là Huân chương Độc lập hạng Ba vừa được Chủ tịch nước trao tặng, tập thể cán bộ và người lao động Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện thành công mọi nhiệm vụ.

TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung lập các dự án cho giai đoạn 2018 - 2020 và các năm tiếp theo; trong đó, ưu tiên cho việc nghiên cứu thiết kế, lập dự án để có thể phục hồi điện Cần Chánh - công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của Quần thể Di tích Cố đô Huế, một cách sớm nhất. Đồng thời, khởi công dự án phục hồi điện Kiến Trung theo kế hoạch giai đoạn 2016 -2020. Điện Kiến Trung là một trong những công trình trọng điểm của Hoàng cung Huế, nếu việc phục hồi thành công sẽ tạo ra điểm nhấn vô cùng quan trọng trong Đại Nội. Bên cạnh đó cũng sẽ ưu tiên cho công tác điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, kết nối mạng lưới các di tích từ thời chúa Nguyễn qua thời các vua Nguyễn và tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Ra mắt Website Quỹ Bảo tồn Di sản Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế vừa ra mắt website Quỹ Bảo tồn Di sản (BTDS) Huế - quydisanhue.vn. Website Quỹ BTDS Huế là nơi cung cấp toàn diện, đầy đủ và tập trung các thông tin về Quỹ đồng thời là địa chỉ công khai và duy nhất trên môi trường mạng trong việc kêu gọi và tiếp nhận mọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức dành cho Quỹ BTDS Huế.

Ra mắt Website Quỹ Bảo tồn Di sản Huế

TIN MỚI

Return to top