ClockThứ Sáu, 01/09/2017 06:01

Vinh Phú chuyển mình

TTH - Ông Hồ Viết Chiến, năm nay đã ngoài 90 tuổi, ở thôn Mộc Trụ (Vinh Phú, huyện Phú Vang ) phấn khởi: “Làng quê nghèo của tôi giờ đã bê tông hóa gần hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm. Con cháu đứa nào nhà cũng có ti vi, xe máy…; cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi, nhà nào cũng có điện thắp sáng, được sử dụng nước sạch…Tất cả những gì hôm nay có được trước đây thế hệ chúng tôi không dám mơ đến

Các trường tiểu học ở Vinh Phú đều đạt chuẩn quốc gia, giúp học sinh có điều kiện học tốt

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Vinh Phú, đầu tháng 8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ngày một khẩn trương. Các địa phương quyên góp thóc, gạo, tiền để cung cấp cho các đội tự vệ huấn luyện, rèn vũ khí, mua vải may cờ. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn lý dịch, quan lại, cường hào không dám hống hách; hầu hết lý trưởng được Việt Minh đưa thư kêu gọi hoặc cảnh cáo, một số tỏ ra hoang mang, một số khác hăng hái theo Việt Minh.

Rạng sáng 20/9/1945, Nhân dân Vinh Phú đã thành lập đoàn biểu tình vũ trang, xuất phát tại khu vực đình chợ thôn Trừng Hà tuần hành thị uy, kéo qua Triêm Ân, Hà Bắc, Nghĩa Lập ngược lên Mộc Trụ, Viên Trình và dừng ở các thôn để diễn thuyết, chấp nhận sự đầu hàng của chính quyền địch ở các địa phương trong tổng, buộc lý trưởng Lý Hải nộp đồng triện và tuyên bố thành lập UBND Cách mạng lâm thời do ông Hồ Tề làm chủ tịch. Ngày 22/8/1945, cùng với các xã trong huyện, Nhân dân Vinh Phú bằng các loại gậy gộc, giáo mác kéo về sân vận động làng Dương Nổ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền huyện.

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, từ sau Cách mạng tháng Tám, cấp ủy và chính quyền xã tập trung lãnh đạo giải quyết hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống cho Nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, toàn Đảng, toàn dân tập trung phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong đó, dịch vụ, ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) được xác định là các ngành mũi nhọn bên cạnh việc tập trung phát triển nông nghiệp; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; hoàn thiện kết cấu hạ tầng... Người dân chủ động tìm kiếm những công việc phù hợp với khả năng, như: tham gia các dịch vụ ăn uống, thương mại, vật tư nông nghiệp, vật tư xây dựng và dịch vụ vận tải; mộc mỹ nghệ, may mặc, xây dựng… Do đó, tình trạng thất nghiệp trên địa bàn không nhiều, góp phần ổn định bền vững đời sống kinh tế gia đình và an ninh trật tự xã hội.

Từ năm 2010, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền xã Vinh Phú tập trung huy động các nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu sản xuất và đời sống Nhân dân. Nhiều mô hình kinh tế hay đã được thực hiện, mang lại hiệu quả cao như nuôi gà, chim bồ câu, cá lồng, nuôi tôm… giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Điển hình như gia đình ông Trương Ngọc Nhật ở thôn Mộc Trụ, mỗi năm bình quân thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi trồng thủy sản theo hướng xen ghép trên 3ha diện tích cao triều, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên; gia đình ông Mai Xuân Quý có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ thả vịt trên những cánh đồng bỏ hoang nhiều năm… Các lĩnh vực như giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng có những chuyển biến tích cực; chất lượng dạy và học ngày càng đi lên. Hàng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp các cấp học đạt 100%; hiện 2 cấp học mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2; phấn đấu đến năm 2019, cấp trung học cơ sở sẽ đạt chuẩn quốc gia. Riêng lĩnh vực y tế, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng, công tác khám chữa bệnh và các chương trình y tế quốc gia được thực hiện tốt, hy vọng trong năm nay sẽ được công nhận đạt chuẩn mức độ 2.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, Bí thư Đảng ủy xã, đến nay, Vinh Phú đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, phía trước đang còn nhiều thử thách do nhiều tiêu chí cần sự đầu tư của Nhà nước, như: giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông thôn… Tuy nhiên, những tiêu chí, như: hộ nghèo, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh quốc phòng… địa phương sẽ tiếp tục phát huy nội lực để phấn đấu về đích đúng kế hoạch.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Phú Vang nhận xét: “Một trong những yếu tố dẫn đến sự đổi thay của Vinh Phú là nhờ lãnh đạo địa phương biết phát huy nội lực một cách linh động, bám sát dân, nắm chắc tình hình thực tế để hợp sức cùng Nhân dân vượt qua mọi khó khăn”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng Thái chuyển mình

Nằm ở phía đông bắc của huyện Quảng Điền, xã Quảng Thái từng ám ảnh biết bao thế hệ người dân nơi đây bởi vùng quê chỉ biết "Sống trên cát, nước mắt chảy vào cát". Chuyện nghèo khó của Quảng Thái giờ chỉ là ký ức.

Quảng Thái chuyển mình
Chuyển mình từ công tác chỉnh trang

Từ các chương trình chỉnh trang, chiếu sáng, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ từ khu vực trung tâm đến các vùng nội đô, diện mạo đô thị Huế từng bước chuyển mình theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

Chuyển mình từ công tác chỉnh trang
ASEAN và lịch sử phát triển vượt bật

Ngày 8/8/2020, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 53 năm thành lập. Trong hành trình phát triển vượt bật này, ASEAN đã có những bước chuyển mình đáng kể.

ASEAN và lịch sử phát triển vượt bật
Return to top