ClockThứ Bảy, 21/11/2020 15:04

“Vitamin” cho nghề giáo

TTH - Sớm. Ngồi dưới hiên nhà uống trà và nghe mưa. Tiếng mưa của tháng 11, như người thân, hiện hữu cùng bao kỷ niệm.

Triển lãm tranh mừng Ngày Nhà giáo Việt NamNhiều cán bộ, giảng viên được khen thưởng dịp Ngày Nhà giáo Việt NamVinh danh những người thầy trong phong trào "Đổi mới, sáng tạo dạy và học"

Tôi là một nhà giáo nghỉ hưu đã lâu. Tháng 11, đến và đi, vẫn bồi hồi, ấm áp bao kỷ niệm với người, với nghề. Những kỷ niệm ấy luôn tạo nên những ngân rung nho nhỏ mà đầy vang âm. Cơ hồ như luôn có tiếng trống trường từ xa xôi vọng lại. Cơ hồ như có một vầng ánh sáng kỳ diệu luôn tỏa chiếu lên từ sân trường cũ, Trường THCS Nguyễn Tri Phương yêu quý của chúng tôi. Vào bất cứ lúc nào, ban ngày hay ban đêm, nắng hay mưa, vẫn ở đó. Trong khiết, rực rỡ.

Hạnh phúc của nghề giáo là luôn được học trò nhớ đến và trân quý. Ảnh: Đăng Tuyên

Tháng 11, tôi nhớ bao mùa mưa xưa. Nước ngập trắng, khi đó, sân trường trông như một cái ao khổng lồ. Nước cứ dâng và, thầy vẫn dạy, trò vẫn học. Chỉ khi lệnh cho về, vang lên từ phòng thầy Hiệu trưởng Lê Văn Lâm, là học trò cả trường đồng loạt ồ lên sung sướng. Gần như chẳng còn kịp nghe lời thầy ân cần chỉ dẫn, bọn trẻ ùa ra, lội bì bõm trong những chiếc áo mưa đủ màu. Thích thú, lạ lẫm. Chả cần biết có bao nhiêu nỗi lo lắng ám ảnh trong lòng thầy cô, dõi theo từng bước chân các em, một khi phố xá đã dập dềnh nước.

Tất cả như mới đó, mà đã xa lắc xa lơ.

Bây chừ, trường tôi đã đổi ra miền đất mới, rộng rãi, đẹp hơn. Kỷ niệm ấy chỉ còn là ký ức trong lòng lớp trẻ, chậm nhất cũng vừa tốt nghiệp đại học.

Trong tiếng mưa, lại nhớ câu thơ năm xưa, tôi từng ra đề cho học sinh: “Nếu không có mùa mưa xứ Huế/Thì mai sau con biết nắng là gì” (thơ Hải Bằng). Không chỉ lời thơ của tác giả mà cả những cảm nhận riêng trong bài làm của học trò ngày ấy, cũng đã gieo vào tâm hồn tôi bao niềm hạnh phúc, cả những trăn trở khó quên.

Tháng năm đi qua, từ những bài văn đầy xúc động ấy, các em giờ lớn lên, ai nhớ ai quên. Nhưng tôi tin, theo thời gian, các em đã và sẽ trưởng thành, sống hiếu thảo với gia đình, có trách nhiệm với quê hương.

Được phát hiện, đón nhận hương thơm của đức hạnh hé nở trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo, tinh khôi, qua những trang viết, đôi khi còn gạch xoá vụng về của học trò, đã bao lần tâm hồn tôi mừng vui trong niềm xúc động sâu xa. Đó là lý do vì sao tôi mê chấm bài. Chấm rất kỹ và khen chê hết sức cẩn thận.

Bàn tay người giáo viên dạy văn phải có tấm lòng của một bà đỡ, đó là điều tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp trẻ hôm nay. Vì chỉ như thế, mới có thể thanh lọc hết được việc thuộc lòng những bài văn mẫu. Nguyên nhân chính, khiến trẻ em biến thành loài chim bách thanh, quên tiếng nói của chính mình. Khi có thêm một đứa trẻ yêu tiếng Việt, yêu môn văn, biết tự lập trong cảm nhận, sáng tạo... cuộc sống của nhà giáo trở nên có ý nghĩa vô cùng.

Tháng 11, nỗi nhớ trong tôi mãi còn vương vương màu nắng đầu đông dịu dàng, thiết tha trên từng bậc cầu thang, trên những hành lang nhỏ xinh xinh như những nốt nhạc. Nơi những ô cửa sổ mở vào trời rộng, những ánh mắt học trò lấp lánh như sao trời. Nơi có bao gương mặt thân thuộc mến yêu của đồng nghiệp in sâu...

Và chợt nhiên, tôi nhớ như chưa từng quên, nụ cười mỉm, thật đẹp, thật ý vị của thầy Phạm Ái, khi mấy chị em trong tổ văn của tôi, cùng xúm lại ngắm từng nét chữ nắn nót đang dần hiện lên trên  chiếc bảng phụ, trước giờ đồng nghiệp thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Năm ấy, cô giáo Lan, bạn chúng tôi, đã đạt giải nhất. Thầy Phạm Ái, sau đó không lâu, đã mất vì bạo bệnh nhưng nụ cười hiền của thầy mãi ở lại với chúng tôi.

Bạn thấy đó, chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Không phải bỗng dưng tôi nhớ lại nụ cười ấy. Cũng không phải ai cũng có thể để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười.

Tháng 11, trong màn mưa phong kín, tôi đọc đi đọc lại những tin nhắn của học trò:

- Dạ cô, cô tìm cho con những học trò có hoàn cảnh khó khăn, con muốn giúp các em cô ạ. Mà cô giấu tên con nha cô.       

- Dạ cô, cô có khoẻ không cô? Cô lên để con kiểm tra sức khoẻ. Cô nhớ gọi điện cho con trước. Cô nhớ nha.                                  

- “Cô ơi, con đã gọi điện cho N. Bạn nói với con là sẽ cố gắng vượt qua căn bệnh trầm cảm và hoàn thành hai môn còn nợ cô à”.

- Con nhớ áo dài của các cô trong nắng sân trường mình. Con luôn thấy áo dài của các cô ngày ấy là đẹp nhất!

- Cô ơi, ngày mai cô có về Truồi như lần trước không cô? Cô cho con gửi thêm chút ít cho bà con nghèo dưới quê, nha cô…

Bạn thấy không, cuộc sống của nhà giáo hưu trí cũng giống như người thợ cày, người làm vườn, với những mùa quả hái được trên cánh đồng “trồng người”.

Tháng 11, tôi nhớ những ngày sinh nhật của các bạn tôi. Sinh nhật của chúng tôi rất đặc biệt, vì học sinh vẫn thường tặng chúng tôi những món quà tinh thần bất ngờ. Tôi nhớ, chúng tôi đã cùng nhau đọc bài thơ “Mẹ hoa lý ơi” của cậu bé Trương Ngọc Hải. Tôi nhớ niềm xao xuyến của chúng tôi khi với Hồ Xuân Quỳnh Anh, hình ảnh thầy cô giáo trong em là “Những vị thần cầm phấn trắng với trái tim đỏ...”. Từng có bao niềm hạnh phúc như thế, cháy lên trong mắt bạn đồng nghiệp bao năm tháng.

Tôi cũng rất thú vị với cái cách học sinh định danh thầy cô bằng lòng yêu thương, trân trọng “Sư phụ”, “Ông Bụt thời @”, “Thầy Đinh Khắc Thịnh Pro-Siêu nhân”... Và rất nhiều khi là những biệt danh nghịch ngợm, rất đỗi gần gũi thân thương như” Mr Slow down”, “Cô bụng bự”, “Thầy Đô-rê-mon”...

Mãi mãi đó là hạnh phúc. Là nắng trên sân trường.

... Cũng sớm nay, vô Facebook của cô giáo Hong Ha Tran, một đồng nghiệp trẻ, kể về ngày sinh nhật. Trong mưa lũ, nhớ lời cô dặn, các em đã tiết kiệm tiền giúp các bạn nơi rốn lũ. Hộp quà tặng cho cô là những bức thư nho nhỏ đầy yêu thương để trong một chiếc hộp xinh. Cô bảo đó là vitamin. Niềm hạnh phúc ấy, lan toả trong tôi như lửa ấm. Tâm hồn ngỡ tràn ngập ánh mai hồng. Lặng yên, nghe bao niềm vui dâng đầy trong lòng. Thật vui khi: “Lớp trẻ lớn lên lại tiếp theo ta/Lại nhấp lại vị ngọt ngào thuở trước...”.

Tôi comment vào trang của em: - “Vitamin cho nhà giáo, uống một đời sẽ không cần mỹ phẩm nữa mô”.

Cô giáo trẻ ơi, hẳn em biết rõ, viết cho em những lời này, tôi không chỉ tặng cho riêng em.

Triền Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngày 6/4, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế tổ chức hội nghị phân luồng giáo dục lần thứ 4, năm 2024. Chương trình được phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn về một số hoạt động giáo dục, hướng nghiệp gắn với mục tiêu việc làm bền vững cho học sinh, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

TIN MỚI

Return to top