ClockChủ Nhật, 24/04/2022 06:37

Võ đường bên sông Bồ

TTH - Năm 1980, võ sư Nguyễn Văn Nhân mở lớp dạy võ môn phái Cương Nhu Karatedo đầu tiên cho những thanh, thiếu niên ở làng quê Hương Cần bên sông Bồ quê hương ông. Từ lớp dạy võ đầu tiên đó, trải qua thời gian, đến nay đã có hàng ngàn võ sinh được học hành, tôi luyện và trưởng thành. Bây giờ, võ đường bên sông Bồ đã được xây dựng khang trang, là nơi lớn lên cũng là nơi trở về của bao thế hệ võ sinh môn phái Cương Nhu Karatedo...

Thăm lại Võ ThánhCận cảnh ngã ba SìnhThăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khen thưởng võ sinh

Võ đường là học đường thứ hai

Những năm 1980, 1990 thế kỷ trước, lớp dạy võ của võ sư Nguyễn Văn Nhân cũng đã trải qua bao thăng trầm khi phải di dời nhiều chỗ từ mượn nhà của người thân, mượn cơ cở của hợp tác xã nông nghiệp. Cơ sở vật chất tạm bợ, nhưng tinh thần ham học võ của những võ sinh là niềm hạnh phúc của võ sư Nhân. Võ sinh tham gia các lớp học võ ngày càng đông. Bởi thế, dù khó khăn đến mấy thì võ sư này vẫn quyết tâm duy trì lớp dạy võ của mình. Võ sư Nguyễn Văn Nhân nói rằng: “Võ đường cũng như học đường, hay nói cách khác là học đường thứ hai của các em nhỏ. Nơi đó, tôi không chỉ dạy võ cho các em, mà còn tạo nên một môi trường lành mạnh để các em như sống trong một lớp học thương yêu, đoàn kết và biết giúp đỡ bạn bè. Tôi biết chỉ cần mình nhụt chí trước những khó khăn trước mắt, lớp dạy võ nghỉ một thời gian là mất học trò. Với một người dạy võ thì đó là một nỗi buồn lớn!”.

Niềm vui đến với môn phái Cương Nhu Karatedo khi võ sư Nguyễn Duy Quang, là một trong những võ sinh thế hệ đầu tiên của võ đường Hương Cần hiện đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội đã ủng hộ cho thầy của mình là võ sư Nguyễn Văn Nhân kinh phí để xây dựng một võ đường khang trang. Bây giờ, bên sông Bồ nơi làng quê ngoại Hương Cần đã mọc lên một võ đường mới khá bề thế với diện tích 360m2, đầy đủ công năng để hơn 100 võ sinh tập luyện võ thuật hàng ngày.

Võ sư Nguyễn Văn Nhân năm nay 72 tuổi và hiện là Trưởng môn phái Cương Nhu Karatedo Việt Nam. Gần 40 năm gắn bó với nghiệp dạy võ, võ sư Nhân luôn tâm niệm, người thầy dạy võ trước hết phải là một tấm gương cho học trò, có kỹ năng sư phạm và phải luôn biết thị phạm trực tiếp trong từng bài quyền một. Theo quan niệm của võ sư Nguyễn Văn Nhân, võ thuật chính là một loại hình nghệ thuật đối kháng mà trước hết là giúp con người có sức khỏe và cả trí tuệ. Đặc biệt, đã là võ sinh của các võ đường Cương Nhu Karatedo thì không được hút thuốc, nói tục hay chửi bậy. Hàng năm, môn phái Cương Nhu Karatedo Việt Nam của võ sư Nguyễn Văn Nhân đều tổ chức các giải thi đấu nội bộ và sinh hoạt trại hè để các võ sinh hòa nhập với cộng đồng và thiên nhiên. Quan điểm của võ sư Nguyễn Văn Nhân là dạy võ là để giúp võ sinh hướng thiện, nhận biết đạo làm người.

Tự hào nhưng không tự cao

Từ lớp dạy võ đầu tiên bên sông Bồ, đến nay môn phái Cương Nhu Karatedo ở Huế đã phát triển thêm nhiều võ đường khác ở Đại học Nông Lâm - ĐH Huế, Hương An, Hương Phong, Hải Dương, A Lưới... Thế hệ học sinh đầu tiên cũng có người đã bước qua tuổi lục tuần; lại có một gia đình 2,3 thế hệ từ ông đến cháu theo học Cương Nhu Karatedo. Từ năm 2000 đến nay, các võ sinh của môn phái đều tham gia các giải thi đấu Karatedo của tỉnh. Võ sư Nguyễn Văn Nhân kể: “Trong những buổi lên lớp tôi đều nói với các võ sinh rằng: muốn thành công trong võ thuật cũng như trong cuộc đời thì các em nên nhớ người học võ có quyền tự hào nhưng không nên tự cao, dù thắng hay bại chúng ta đều phải biết tôn trọng đối thủ!”.

Những thế hệ võ sinh của võ đường Cương Nhu Karatedo Hương Cần đến nay đã mang về nhiều thành tích đáng tự hào. Đó là tấm HCĐ quốc tế của VĐV Võ Văn Lãm; thành tích lọt vào bán kết giải Karatedo Okinawa (Nhật Bản) của VĐV Nguyễn Duy Quang. Hay VĐV nữ Nguyễn Trần Tâm Hân giành ngôi thủ khoa cuộc thi lên đai nhị đẳng Karatedo toàn quốc, đạt HCB giải Karatedo quốc tế. Từ võ đường bên sông Bồ cũng đã đào tạo được 2 trọng tài Karatedo quốc gia và hơn 10 trọng tài Karatedo cấp tỉnh...

Nhưng với võ sư Nhân thì câu chuyện về một võ sinh cá biệt tên Khoái lại làm ông nhớ nhiều nhất. Vào một buổi chiều, khi võ sư Nhân đang đứng lớp thị phạm một số đường quyền cho các võ sinh thì bất ngờ một thanh niên đi nghênh ngang tới và nói: “Thầy cho tui học võ được không?”. Sau một hồi đắn đo, võ sư Nhân trả lời: “Được. Ngày mai em tới đây để làm thủ tục vô học!”. Chuyện võ sư Nhân nhận Khoái vô lớp võ bị nhiều người phản đối. Tuy nhiên, thầy Nhân vẫn kiên trì với võ sinh đặc biệt này. Nửa tháng sau, võ sư Nhân kêu Khoái ra nói chuyện riêng: “Nếu em muốn học được võ thì em phải về làm một việc có ích cho gia đình trước đã". Hai hôm sau, người cha của võ sinh Khoái đến võ đường gặp thầy Nhân giọng đầy xúc động: “Thầy ơi, thằng Khoái con tui đã thay đổi rồi. Hôm qua lần đầu tiên nó xin tui đi chặt giường (dọn cỏ bờ ruộng) mà đường mô ra đường nấy hay quá thầy ơi. Tui xin cảm ơn thầy nhiều!”...

Từ một thanh niên lêu lổng, võ sinh Khoái đã trưởng thành, giành HCĐ ở một giải Karatedo tỉnh và sau đó được võ sư Nhân cho đứng lớp hướng dẫn cho các võ sinh mới. Võ sư Nguyễn Văn Nhân cho biết: “Bây chừ em ấy đã lập gia đình, chí thú làm ăn và thỉnh thoảng tham gia tập luyện cùng các lớp võ sinh sau này. Đó là niềm vui lớn của người dạy võ”.

Bài, ảnh: Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạt mưa rơi bao lâu

“Hạt mưa rơi bao lâu”. Lẽ thường, đây là một câu hỏi, câu hỏi đặt ra chờ một lời giải đáp.

Hạt mưa rơi bao lâu
Một sớm Bao Vinh

Nếu không có sự tình cờ từ lời rủ rê của bạn, hẳn sáng nay, mình đã chẳng may mắn được ngắm phố cổ khi mặt trời vừa he hé phía bên sông.

Một sớm Bao Vinh
Võ đường trong trường học

Trải qua hàng chục năm hình thành và phát triển, Nghĩa Dũng Karate-do giờ đã có mặt nhiều nơi trên thế giới với hàng trăm phân đường cùng hàng ngàn võ sinh. Ở Huế, môn võ này đã phát triển trong các trường đại học, trở thành điểm đến của hàng ngàn sinh viên sau những giờ học căng thẳng.

Võ đường trong trường học
Võ đường Nghĩa Dũng mừng tuổi môn sinh bằng sách

Những cuốn sách được võ sư Nguyễn Văn Dũng - người sáng lập phân đường Nghĩa Dũng karate-Do (8 Trương Định, TP Huế) tặng các môn sinh của mình vào cuộc họp mặt cuối năm chiều 29/1. Ông nói rằng đó là quà mừng tuồi ngày tết thay cho tiền.

Võ đường Nghĩa Dũng mừng tuổi môn sinh bằng sách
Return to top