ClockChủ Nhật, 17/10/2021 06:04

Vô mạng, nghe đọc sách

Hội sách bên bờ sông Hương

Không hề xa lạ ở Huế bây chừ là hình ảnh những cô cậu trẻ và thậm chí là rất nhiều người lớn tuổi với chiếc smartphone và tai nghe thường trực. Họ luyện ngoại ngữ, nghe nhạc, nghe tin tức, nghe trò chuyện và còn nữa, nghe... đọc sách. Có thể nói, cùng với “sách in” và “sách điện tử”, “sách nói” (audiobook) đang ngày càng phổ biến. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người có thời gian ở nhà. Đó là lúc phù hợp nhất để... đọc sách và “sách nói” là lựa chọn tối ưu khi có thể chủ động nghe trong những khoảng thời gian làm việc nhà, di chuyển trên đường...

Không phải cho đến thời nay “sách nói” mới có. Từ xa xưa, “sách nói” từng xuất hiện dưới những dạng thức khác nhau. Chuyện rằng, ở Trung Hoa thời cổ đại đã có những người kể chuyện rong về Tam Quốc diễn nghĩa trên các đường phố. Ở nước ta, trong các làng xóm cũng từng có những người kể “Truyện Kiều” hay những áng cổ văn, như Tống Trân - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... Đến thời hiện đại, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam có những tiết mục như “Kể chuyện cảnh giác” (tối thứ bảy hằng tuần) hay “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ”, được xem là một dạng sơ khai của “sách nói”...

Nhớ những năm sau ngày giải phóng miền nam, rất nhiều gia đình, trong đó có nhà tôi đều chờ đợi để được nghe “Kể chuyện cảnh giác”. Còn với tiết mục “Đọc truyện đêm khuya”, tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Quang Hà. Ông vẫn thường có nhiều bút ký và truyện ngắn được chọn đọc trong tiết mục nổi tiếng này của Đài Tiếng nói Việt Nam và mỗi lần như vậy, những người bạn như tôi được ông báo tin để chờ... nghe. “Đọc truyện đêm khuya” qua giọng đọc truyền cảm của các nghệ sĩ Hoàng Yến, Kim Cúc hay Việt Hùng, câu chuyện được đọc trở nên vô cùng hấp dẫn đã góp phần làm nên thương hiệu cho đài phát thanh quốc gia suốt thời gian dài, hàng chục năm trước.

Trở lại với câu chuyện “sách nói” thời hiện đại. Ban đầu,“sách nói” được xây dựng chủ yếu dành cho độc giả khiếm thị. Cùng với những ưu điểm như dễ tiếp nhận dưới dạng âm thanh, nhỏ gọn, thuận tiện để nghe mọi lúc mọi nơi, có thể nhiều người cùng nghe một lúc..., “sách nói” còn đặc biệt phù hợp cho một số nhóm độc giả, như trẻ nhỏ, người già… Sự phát triển của các nền tảng nghe podcast (Spotify, Apple, Google) khiến nhiều người có thói quen tiếp nhận thông tin qua đường nghe, là một điều kiện thuận lợi để “sách nói” phát triển.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, người sáng lập Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books), xu hướng tất yếu của những cuốn sách hiện đại là sự xuất hiện song song của các format. Trong đó, bản giấy sẽ chỉ dành cho những cuốn sách có giá trị, cần lưu giữ và làm quà tặng, còn sách điện tử và “sách nói” sẽ trở nên thông dụng hơn với con người trong tương lai.

“Sách nói” phát triển là nhu cầu tất yếu, làm đa dạng các hình thức phát hành, cá nhân hóa nhu cầu người đọc. Sự xuất hiện và phổ biến của “sách nói” cũng một sự bổ sung và làm phong phú hơn việc tiếp cận với nguồn tri thức từ sách vở. Vấn đề đặt ra là nội dung và chất lượng của sách, là các vấn nạn về sách vi phạm bản quyền hay sách lậu, đơn vị phát hành phải có trách nhiệm đảm bảo. Về phía người nghe, họ cũng cần có sự am hiểu cần thiết để có được những chọn lựa phù hợp trước mắt và sau đó là thói quen trả tiền để nghe “sách nói”.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alpha Books nhận sai sót khi tái bản Hải ngoại kỷ sự

Đó là câu chuyện xôn xao trong giới làm sách những ngày qua về cuốn sách Hải ngoại kỷ sự của tác giả Thích Đại Sán (1633-1705). Cuốn sách được Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế (tiền thân Đại học Huế) đã quyết định phiên dịch (Hán ngữ sang Việt ngữ) vào năm 1963. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm có mặt trên thị trường, cuốn sách được Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books Joint-Stock Company – gọi tắt là Alpha Books) tái bản và khẳng định bản quyền dịch thuật thuộc về mình.

Alpha Books nhận sai sót khi tái bản Hải ngoại kỷ sự

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top