ClockChủ Nhật, 20/01/2019 14:38

Võ Quê, người giữ hồn ca Huế

TTH - Tôi xin phép lấy tên một phim tài liệu nổi tiếng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế đặt cho bài viết này, bởi khó có cụm từ nào chỉ 5 chữ mà nói được cái hồn và công sức của Võ Quê, gần cả cuộc đời dành cho ca Huế.

Đưa ca Huế vào học đường

Nhà thơ Võ Quê. Ảnh: TL

Mới viết dòng đầu tiên, trước mắt tôi lập tức hiện lên hình ảnh Võ Quê tại Hội thảo văn học hè 2016 của Viện William Joiner – Đại học Massachusett, Boston, Hoa Kỳ. Thành lập từ 1991, Trung tâm William  Joiner (William Joiner Centre- WJC), nay là Viện William Joiner (William Joiner Institute - WJI), là tổ chức của các cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam nhưng phản đối cuộc chiến tranh này và đã kiên trì, liên tục có nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam, là tổ chức Mỹ sớm nhất, kiên trì nhất có quan hệ ngày càng mật thiết, hữu ích đối với Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm (Viện) liên tục tổ chức các hội thảo văn học hè của nhiều công dân Mỹ yêu và quan tâm đến văn học, tổ chức giao lưu, thăm viếng giữa các nhà văn, nhà thơ Mỹ, Việt. Trong Hội thảo văn học hè 2016, tôi hân hạnh làm gạch nối và người giới thiệu về diễn giả để Võ Quê có 2 cuộc diễn thuyết tại đây, trong đó có buổi giới thiệu đặc biệt về ca Huế. Trước cuộc giới thiệu ca Huế, Võ Quê giới thiệu tập thơ song ngữ Việt - Anh, gồm 10 bài thơ về Côn Đảo của Võ Quê, bài viết tuyệt hay của nhà thơ Fred Marchant về Võ Quê và cuộc chiến Việt Nam cùng chiến trường Quảng Trị đã thay đổi cuộc đời anh, bài giới thiệu của tôi, các bản dịch của nhà thơ Nguyễn Bá Chung, giáo sư của WJC-WJI và của Tô Diệu Linh. Có mặt đầy đủ Fred, Chung, tôi và Quê khiến khán phòng sôi nổi lạ thường. Lạ thường, bởi chính Võ Quê, cách nay 21 năm, đã đưa đoàn ca Huế của Hội VHNT Bình Trị Thiên (Diệu Linh làm phiên dịch) qua tham gia liên hoan dân ca Lowell và thăm Boston, còn tôi (cùng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa) đã có mặt tại hội trường này từ 1994.

Tôi phải dùng từ “đặc biệt” cho buổi giới thiệu ca Huế là bởi “toàn bộ” ca sĩ, nhạc công, tài liệu… của tất cả bài nói và các tiết mục hò nam ai, nam bình, chầu văn, tương tư khúc… trong gần 2 giờ chỉ “mình trần thân trụi” Võ Quê! Cũng có vài bức ảnh ca Huế được Ban tổ chức gắng in cho kịp dán lên bảng đen để cử tọa mục sở thị. Nhưng cả trăm nhà thơ, nhà văn, giảng sư, người yêu văn học… nhiều nơi trên nước Mỹ về dự cuộc sinh hoạt hè này đã quá ngạc nhiên, quá thú vị vì bất ngờ được thưởng thức một buổi trình diễn nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn và tuyệt vời như thế. Nhiều người đã thốt lên là chưa bao giờ họ được xem, được nghe một chương trình nghệ thuật hấp dẫn đến như vậy!

Tôi mới cầm trên tay tập bản thảo Bút ký chân dung KHỔ LUYỆN VÀ TÀI HOA của Võ Quê là lập tức nhớ ngay “vụ” hè 2016 là vì rứa!

Tác phẩm của nhà thơ Võ Quê. Ảnh: TL

Với Võ Quê, luôn luôn tình văn nghệ không phai, nên tất bật rứa, bận rộn rứa, thoắt Bắc, thoắt Nam, thoắt Đông, thoắt Tây, mà vẫn có cả tập chân dung gần 50 nghệ sĩ ca Huế từ xưa đến nay; từ cụ Ưng Bình, cụ Bửu Lộc, cụ Nguyễn Hữu Ba… đến các mệ Minh Mẫn, mệ Thanh Hương…

Nhớ “những ngày một hai” sau giải phóng, ca Huế chưa được ai “để mắt” tới, Quê đã lọ mọ cùng mấy anh chị em gan ruột gầy dựng. Mà không chỉ ca Huế. Lúc đó, quan họ, chèo ngoài Bắc cũng còn bị lạnh nhạt. Mấy anh em phụ trách Hội Văn nghệ Hà Bắc, Thái Bình, Bình Trị Thiên chúng tôi, nghĩ ra một chương trình giao lưu để góp phần khuấy động phong trào: mời các nhóm quan họ, chèo ngoài đó vô Huế biểu diễn và một nhóm ca Huế ra diễn ở Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh. Cuộc vận động này có tiếng vang đáng kể. Và tiếp đó, nhóm ca Huế của Hội Văn nghệ do Võ Quê dẫn đầu qua Mỹ tham dự liên hoan dân ca quốc tế ở Lowell, là đoàn văn nghệ đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ, ngay cả khi Mỹ chưa bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam đã gây tiếng vang lớn cùng sự ngạc nhiên của giới văn hóa, văn nghệ trong tỉnh và trong nước.

Sau đó là nhiều cuộc xuất ngoại khác đi Pháp, Đài Loan, Hồng Kông… của các đoàn, nhóm ca Huế đều do Võ Quê dẫn đầu. Từ những ngày đó, gần như bất cứ ai đến Huế, nếu muốn tìm hiểu văn hóa Huế đều tìm nhóm ca Huế do Võ Quê phụ trách và chính anh dẫn chương trình. Thuyền ca Huế, từ chỉ có vài ba chiếc và nhóm của Võ Quê thân tình với thuyền anh Trung, đã dần tấp nập hàng chục rồi đến hàng trăm thuyền! Nhưng ca Huế trên thuyền đã bộc lộ hạn chế nên Võ Quê quyết định thay đổi: Lên bờ, mượn chỗ lập Câu lạc bộ ca Huế thính phòng.

Những anh chị em tâm huyết, những nghệ sĩ tâm huyết ủng hộ quyết định của Võ Quê. Cùng vận động, góp chút công của hoặc “diễn miễn phí”. Tiếng lành đồn xa, tri âm tri kỷ, du khách hôm nào cũng chật khán phòng! Diễn viên, không chỉ các mệ, các đàn anh đàn chị mà càng ngày càng đông vui các em, các cháu trẻ măng!

Và, Câu lạc bộ ca Huế thính phòng đã vào tận trường học, vô Khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, giao lưu với các câu lạc bộ dân ca các tỉnh miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh! Đi mô cũng hết lòng, cũng hết mình như Võ Quê, như ngọn lửa yêu tha thiết hồn khí của quê hương mà anh đã gìn giữ trong trái tim đầy ắp yêu thương của mình.

TÔ NHUẬN VỸ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca

Ở độ tuổi 75, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Vàng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế vẫn luôn tất bật với những công việc liên quan đến nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế.

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca
Một “điệu buồn” của ca Huế

Nhiều chương trình ca Huế không đảm bảo thời lượng, việc xuất bến và cập bến không đúng thời gian quy định, đội ngũ biểu diễn “mạnh chi hát đó”, cạnh tranh không lành mạnh... là tình trạng tạo ra hình ảnh không đẹp trong lòng du khách khi nghe biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Một “điệu buồn” của ca Huế
7 đội thi tranh tài Liên hoan Ca Huế năm 2023

Liên hoan Ca Huế năm 2023 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vừa được khai mạc vào tối 14/7 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh (41A Hùng Vương, TP. Huế).

7 đội thi tranh tài Liên hoan Ca Huế năm 2023
Chàng trai trẻ “bện hơi” ca Huế

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, Lê Minh Vũ, chàng trai sinh năm 2000, mê ca Huế từ rất sớm. Tình yêu ấy được gieo vào tiềm thức của em từ những ngày thơ ấu, khi nghe những câu hò, điệu ru của bà, các mẹ... trong xóm.

Chàng trai trẻ “bện hơi” ca Huế
Return to top