ClockThứ Hai, 19/03/2018 16:09

Vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp huyện: “Lửa mồi” cho cơ sở

TTH - Dù nguồn vốn sự nghiệp phân bổ cho các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện hàng năm không nhiều, song lại kích cầu hiệu quả cho cơ sở.

Vốn chính sách giúp người nghèoDự kiến thu hút 10-15 dự án có vốn đầu tư nước ngoàiVốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục đạt gần 36 tỷ USDTrong 10 tháng, tổng vốn FDI tăng gần 38%Thị trường vốn là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

 

Thí điểm cho cá thát lát sinh sản nhân tạo

Chủ động

Năm 2017, HĐND và UBND tỉnh không cấp ngân sách cho hoạt động KH&CN cấp huyện nên các địa phương hoạt động cầm chừng, lúng túng và không thống nhất. Trước tình hình mỗi địa phương tự xoay xở theo một cách, thị xã Hương Thủy là một trong ba đơn vị chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách cho hoạt động KH&CN cơ sở. Nhờ đó, thị xã đã nghiệm thu đề tài về xây dựng mô hình nuôi chọn lọc giống và cho sinh sản cá thát lát, đồng thời triển khai thực hiện 4 dự án mô hình thí điểm khác, gồm: Thí điểm nuôi xen ghép ốc bưu đồng – cá thát lát; chăn nuôi heo, gà theo chuẩn VietGAP; xe gom rác có trợ lực điện và ứng dụng KH&CN để thử nghiệm giống mãng cầu Thái trên đất Hương Thủy.

Có thế mạnh đất rộng người đông, tiềm năng phát triển nông nghiệp đa dạng ở nhiều ngành nghề từ trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm đến trồng cây ăn quả, Hương Thủy xác định đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị. Riêng trong lĩnh vực khuyến nông, theo chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, nhiều mô hình được triển khai tích cực, như trồng chanh tứ quý, sản xuất giống gà thương phẩm theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thụ tinh bò siêu thịt Blanc Blue Belgium (viết tắt là BBB) và nuôi bò sinh sản bán thâm canh, trồng ném hữu cơ… Kinh phí để thực hiện các mô hình không giống nhau, nhưng với mỗi dự án, ngân sách thị xã hỗ trợ khoảng 40-50 triệu đồng.

Vẫn cần thêm thời gian để định lượng cụ thể giá trị kinh tế của các mô hình, nhưng ông Đặng Văn Mãnh, Trưởng trạm Khuyến nông lâm ngư thị xã Hương Thủy rất tin tưởng về hiệu quả thành công. “Những mô hình này đều sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có triển vọng về năng suất và chất lượng để khảo nghiệm, tuyển chọn và nhân rộng. Từ điều kiện thực tế về địa hình, thổ nhưỡng của từng vùng, những mô hình thử nghiệm hướng đến giúp bà con cải tạo, chuyển đổi vườn tạp sang cây ăn quả, cây dược liệu quý. Tham gia những mô hình này, bà con nông dân không chỉ tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận mà quan trọng hơn nữa là dần tạo thói quen tốt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững”, ông Mãnh cho biết.

Ý nghĩa

“Hiệu quả khó thấy trước mắt, nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn”, PGS.TS. Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh khi nói về hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp KH&CN với cơ sở. Trước đây, cấp huyện vẫn có thể đăng ký thực hiện các đề tài nghiên cứu KH&CN. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách năm 2015, các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN được chuyển cho quỹ phát triển KH&CN của tỉnh tài trợ. Do đó, nếu trước đây mỗi năm tỉnh cấp về cho các đơn vị cấp huyện tổng kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng, thì nay chỉ còn khoảng ½ mức đó.

Riêng năm 2018, ngân sách hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi ứng dụng, chuyển giao KH&CN là 1.950 triệu đồng. Địa phương nhiều nhất là TP. Huế: 320 triệu đồng, thấp nhất là hai huyện Nam Đông và Quảng Điền: 160 triệu đồng. “Với nguồn ngân sách như vậy, để làm một việc gì đó thật sự điển hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao rất khó. Hơn nữa, đầu tư cho KH&CN không phải là việc có thể nhìn thấy hiệu quả tức thì, mà cần nhiều thời gian để thấm vào đời sống xã hội. Nhưng có thể khẳng định, đầu tư cho KH&CN chắc chắn là sự đầu tư có hiệu quả. Khoan hỏi hiệu quả khi cấp vốn KH&CN về cho cơ sở hôm nay, mà cần phải nhìn vào kết quả lâu dài mà KH&CN có thể đem lại”, PGS. TS. Trần Ngọc Nam phân tích.

PGS. TS. Trần Ngọc Nam lấy ví dụ về sự gia tăng năng suất, sản lượng của cây lúa từ năm 1976 đến nay. Trong điều kiện diện tích bị thu hẹp, tỉ lệ người làm nông giảm nhưng năng suất và sản lượng cây lúa tăng 2,6 lần là nhờ tác động tích cực từ KH&CN, từ việc cải tạo giống lúa, sự đổi mới quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác… Thông qua nguồn vốn ngân sách KH&CN được phân cấp về các đơn vị cấp huyện, các địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện nên hiệu quả phải tính ở chỗ “ngấm” vào cuộc sống, vào tay nghề của cán bộ cơ sở, trình độ dân trí của người dân các vùng nông thôn thông qua các mô hình kinh tế.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, do nguồn vốn ngân sách không nhiều nên Hương Thủy ưu tiên ứng dụng những nghiên cứu đã có kết quả để khảo nghiệm áp dụng phù hợp cho điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở địa phương. Với những mô hình ứng dụng, thị xã huy động thêm sự vào cuộc của người dân bằng cách hỗ trợ vốn kích cầu cho họ. Qua đó, địa phương vừa có thể hỗ trợ người dân thực hiện những mô hình kinh tế đem lại cơ hội nâng cao thu nhập, vừa để người dân có thêm tinh thần, động lực phát triển kinh tế và có chỗ dựa về chuyên môn khi gặp khó khăn.

“Rất tiếc vì nguồn lực có hạn. Nhưng theo tôi, ít nhưng cực kỳ quan trọng, như mồi lửa khởi đầu vậy. Nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ này, chắc chắn KH&CN không về được cơ sở, về với bà con nông dân các vùng miền mà chỉ nằm đâu đó trong các trường đại học, các viện nghiên cứu. Trong điều kiện hạn hẹp, các địa phương phải cân đối kỹ những dự án, mô hình càng sát thực tiễn địa phương càng tốt để tranh thủ nguồn vốn hiệu quả”, PGS.TS. Trần Ngọc Nam chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

TIN MỚI

Return to top