ClockThứ Hai, 03/10/2016 14:06

Vốn vay cho thanh niên lập nghiệp: Nhu cầu lớn, tiếp cận khó

TTH - Để lập nghiệp, đa phần thanh niên trên địa bàn đều có nhu cầu vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, trong thực tế, thủ tục tiếp cận các nguồn vay này với họ là không dễ.

Khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, thanh niên gặp nhiều khó khăn trong lập nghiệp (ảnh minh họa)

Thiếu vốn

Theo Hướng dẫn số 75 – HD/TWĐTN – TNNT, ngày 24/2/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc hướng dẫn thực hiện cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở SXKD do đoàn viên, hội viên, thanh niên làm chủ được vay vốn từ nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn. Mức vay vốn tối đa không quá 1 tỷ đồng (thay cho 500 triệu đồng trước đây) đối với cơ sở SXKD và không quá 50 triệu đồng (thay cho 20 triệu đồng) đối với một lao động được tạo việc làm mới.

Không có điều kiện, anh Nguyễn Văn Sang (31 tuổi) ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương (huyện Phong Điền) từng nghỉ học giữa chừng phụ giúp ba mẹ làm nông nghiệp. Trong quá trình đó, anh nhận thấy thế mạnh của địa phương là đất rộng nên ấp ủ lập trang trại chăn nuôi. Anh tìm đến tổ chức Đoàn xin vay vốn nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Loay hoay mãi, cuối cùng anh mới mượn người thân được 20 triệu đồng. Vốn ít, nên anh phải áp dụng lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài. Hiện anh đang sở hữu 1.000 con vịt trời và le le, 50 con lợn nái, thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng mỗi năm. Mô hình chăn nuôi của Sang đã thành hình thành dạng, anh muốn có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi lợn rừng và gà rừng nhưng cũng chẳng dễ dàng. “Tôi được tổ chức Đoàn thanh niên địa phương giới thiệu đến các tổ vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội do các đoàn thể địa phương quản lý, nhưng khi tiếp cận họ yêu cầu trình hộ khẩu. Chưa lập gia đình tôi làm sao có hộ khẩu riêng, vì vậy dự định của tôi đành phải tạm gác”, anh Sang chia sẻ.

Tương tự, không có vốn làm ăn, anh Văn Phước Tuấn ở thôn Cổ Tháp, xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) đành vào Nam làm thuê. Năm 2010, khi đã tích lũy được ít vốn, anh về quê thành lập cơ sở sản xuất nhang. Muốn có vốn dự trữ hàng phục vụ Tết và mở rộng kinh doanh dịch vụ âm thanh phục vụ cưới hỏi, anh tìm đến tổ chức Đoàn thanh niên để tiếp cận vốn vay ưu đãi. “Câu trả lời tôi nhận được là “chịu khó chờ”, trong lúc cơ hội làm ăn không chờ nên đành phải tự xoay xở”, anh Tuấn nói.

Một thanh niên ở Phú Lộc xin giấu tên chia sẻ, để thực hiện mô hình du lịch sinh thái, anh vạch ra dự án cụ thể từ cách tổ chức thực hiện đến việc liên kết thu hút du khách, nhưng do không có vốn đầu tư nên dự định đó đành bỏ ngỏ. “Đối với thanh niên mới bắt đầu khởi nghiệp rất cần nguồn vốn vay ưu đãi, vì vậy chúng tôi rất cần được quan tâm hướng dẫn để tiếp cận được nguồn vốn”, thanh niên này đề đạt.

Tuy chưa có cuộc khảo sát nào về nhu cầu vay vốn của thanh niên trên địa bàn tỉnh, nhưng trong thực tế thanh niên có nhu cầu vay vốn như những trường hợp nêu trên không ít. Huyện đoàn Phong Điền và Huyện đoàn Phú Lộc được đánh giá là hai đơn vị dẫn đầu trong nỗ lực tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, nhưng cho đến thời điểm này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu vốn vay cho thanh niên. Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc Dương Quang Hùng cho biết: Các kiến nghị của đoàn thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đề cập đến việc tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế. Trong khi đó nguồn vốn vay do Đoàn thanh niên quản lý không đáp ứng được nhu cầu, khiến dự định bám quê làm ăn, ổn định cuộc sống trở nên khó thực hiện với một số thanh niên nông thôn.

Cơ sở sản xuất nhang của anh Văn Phước Tuấn mong có vốn để mở rộng quy mô

Khó vì không giải ngân được vốn

Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên đều thực hiện phương án “khả năng có tới đâu làm tới đó”. Điều này ảnh hưởng đến việc đầu tư các mô hình mới, mở rộng quy mô, hạn chế hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Không những thế, nhiều thanh niên đành phải gác giấc mơ lập nghiệp ở quê, vào Nam làm thuê hay đầu quân làm công nhân tại các khu công nghiệp. Hiện nay, thanh niên có thể tiếp cận vốn ưu đãi từ các tổ tiết kiệm vay vốn do các đoàn thể ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn (Chương trình 120). Tuy nhiên, nguồn vốn nào thanh niên cũng khó tiếp cận vì “vướng” nhiều thủ tục.

Với nguồn vốn từ Chương trình 120, khi vay thanh niên phải xây dựng đề án, phương án sản xuất kinh doanh đối với từng dự án cụ thể, trong khi thực hiện một phương án kinh doanh khả thi trên “giấy trắng mực đen” là vấn đề không dễ với nhiều thanh niên nông thôn. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể phải có tài sản đảm bảo tiền vay đối với các dự án trên 50 triệu đồng trong khi năng lực tài chính của đối tượng thanh niên mới lập nghiệp còn hạn chế, không có tài sản lớn để thế chấp.

Một nguyên nhân mà qua nắm bắt cơ sở chúng tôi nhận thấy là nhiều thanh niên nông thôn có nhu cầu vay vốn chưa được thông tin và hướng dẫn cụ thể về nguồn vốn từ Chương trình 120. Vì vậy, họ không có cơ hội tiếp cận. Đó là những lý do khiến Tỉnh đoàn được Trung ương Đoàn phân bổ 618 triệu đồng để tạo vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên, nhưng từ năm 2012 đến nay chưa giải ngân được dẫn đến tình trạng “cám treo heo nhịn đói”. Đây cũng là điều dễ hiểu vì sao Tỉnh đoàn không được bổ sung thêm nguồn vốn hàng năm.

Ngoài các nguyên nhân khách quan còn có một nguyên nhân chủ quan là một số thanh niên từng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng sử dụng sai mục đích dẫn đến thất thoát vốn vay. Bởi vậy, tổ quản lý tiết kiệm vay vốn không muốn giải quyết cho thanh niên vay vì độ tin cậy chưa cao.     

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Trần Gia Công, về lý thuyết, việc tiếp cận vốn ưu đãi không khó, nhưng trên thực tế điều này lại không dễ đối với các thanh niên.

Ông Trần Minh Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Nhờ chủ hộ đứng tên để vay

 Theo qui định hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chưa có chương trình tín dụng dành riêng cho thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, thanh niên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có thể tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách hiện nay như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn,... để khởi nghiệp. Nếu chưa có hộ khẩu riêng, thanh niên có thể nhờ ba mẹ đứng tên để vay hộ.

Anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh đoàn: Rà soát các mô hình thanh niên làm kinh tế để có hướng dẫn cụ thể

Chúng tôi sẽ nỗ lực giải ngân hết số vốn từ Chương trình 120 trong thời gian ngắn nhất. Hiện chúng tôi đã tiến hành hướng dẫn việc thực hiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh theo chuẩn mới; rà soát các đề án, dự án phát triển kinh tế trong thanh niên và giới thiệu mô hình hợp tác xã thanh niên, tổ hợp tác thanh niên tư vấn, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để đề án vay vốn có tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu đưa ra để giải ngân vốn vay. Đồng thời, sẽ tổ chức tham quan học hỏi các đơn vị bạn để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết vốn vay cho thanh niên.

Anh Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền: Hãy tin tưởng thanh niên

Hiện nay, các tổ chức đoàn trên địa bàn huyện đang quản lý 15 tổ tín dụng với số vốn ủy thác 13.250 triệu đồng cho 517 hộ vay, không có nợ quá hạn.  Riêng các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ thu nhập hàng năm trên 70 triệu đồng trở lên là 130 mô hình và nhiều mô hình khác đang manh nha. Điều này chứng tỏ thanh niên huyện có khả năng quản lý tốt các tổ tiết kiệm vay vốn cũng như sử dụng tốt nguồn vốn ưu đãi. Vì vậy, mong các cơ quan, đơn vị liên quan tin tưởng vào năng lực của tuổi trẻ, tạo cơ hội cho thanh niên có cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi để họ tận dụng thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế.

 

Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
“Lửa” từ những trái tim yêu thương

Trong trái tim của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Xã đoàn Phú Gia (Phú Vang) luôn cháy ngọn lửa nhiệt huyết và yêu thương, mang ấm áp đến với những phận đời kém may, xây dựng niềm tin trong lòng người dân trên địa bàn.

“Lửa” từ những trái tim yêu thương
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top