ClockThứ Năm, 02/08/2012 03:17

“Vũ như cẩn”

TTH - Dẫu đã được đề cập khá nhiều, nhưng việc chậm tiến độ trong triển khai thi công xây dựng các công trình vẫn còn là căn bệnh kinh niên. Tháng 7 đã trôi qua, mùa lụt bão sắp về… loay hoay một thời gian ngắn nữa, năm 2012 sẽ khép lại. Mùa xây dựng sắp hết, vậy nhưng cho đến nay, nhiều dự án (DA) xây dựng cơ bản trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong tình trạng vướng víu. Đằng sau tiến độ công trình sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là hiệu quả kinh tế xã hội của tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn hiện nay.

Nhiều cuộc họp gần đây của tỉnh và TP Huế đều đề cập đến việc chậm trễ của 2 DA nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ, đường Đống Đa. Đây cũng là 2 trong số nhiều DA được nhiều người dân quan tâm. Bởi 2012 là Năm Đô thị và 2 DA nói trên là những công trình trọng điểm của tỉnh và TP Huế. Nguyên nhân của việc chậm trễ được xác định là do vướng víu trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Lắng nghe phân giải của những người có trách nhiệm và cơ quan chức năng mới hay nó không sai; nhưng cũng… xưa như trái đất!? Từ nhiều năm nay, ai cũng biết giải phóng mặt bằng vốn là nút thắt lớn nhất trong việc triển khai thực hiện các DA từ nhỏ đến lớn. Có lẽ điển hình trong việc chậm trễ tiến độ dự án do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng có tính kỷ lục của TP Huế phải tính đến DA mở rộng đường Hồ Đắc Di. Đoạn đường chưa đến 1 km, vốn đã có sẵn mà phải mất hơn 3 năm với rất nhiều cuộc họp mới làm xong.

Những tưởng, sau “bài học DA Hồ Đắc Di”, các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Huế sẽ có những kinh nghiệm hay trong việc “gỡ nút thắt” này. Đó là chuẩn bị sẵn các khu tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các DA. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, kinh nghiệm này vẫn còn nằm… trên giấy; còn hệ lụy của sự chậm trễ trên khó mà tính hết. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, nhiều đơn vị xây dựng đang thiếu việc làm; hàng hóa, vật liệu xây dựng tồn kho với số lượng lớn; xe máy thiết bị không hoạt động phải khấu hao; nguồn vốn đầu tư không được luân chuyển… sẽ tạo ra những lãng phí lớn và nhiều ách tắc cho nền kinh tế xã hội trên địa bàn. 

Lật lại các văn bản của tỉnh mới thấy, từ ngày 13-2-2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước năm 2012. Cụ thể là tăng cường công tác quản lý, tập trung chỉ đạo để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012; bám sát công trình, đôn đốc các đơn vị thi công, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, tận dụng tối đa thời gian; phấn đấu đến 30/11/2012 hoàn thành cơ bản kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012. Đồng thời nói rõ: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về tiến độ thi công, giải ngân khối lượng hoàn thành và chất lượng công trình.

Liên quan đến 2 DA nói trên, ngày 14-2, UBND tỉnh còn có Công văn số 448/UBND-XDGT yêu cầu UBND thành phố Huế tập trung chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố Huế, các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các địa phương trực thuộc khẩn trương, phối hợp chặt chẽ, hoàn tất các thủ tục về đền bù, GPMB, tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư triển khai thi công xây dựng công trình theo đúng tiến độ… Vậy nhưng, đến nay căn bệnh chậm tiến độ xem ra… “vũ như cẩn”!?

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top