ClockChủ Nhật, 31/01/2021 18:28
DI DỜI CƠ QUAN QUÂN SỰ RA KHỎI ĐỒN MANG CÁ:

Vừa bảo tồn giá trị lịch sử, vừa phù hợp với xu thế phát triển

TTH - “Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 83 của Chính phủ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 xác định việc di dời sở chỉ huy Mang Cá lớn, khu vực Trấn Bình Thành (Mang Cá nhỏ), Bệnh viện 268 là trách nhiệm chính trị lớn. Việc di dời không những phù hợp với các yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn mà còn có ý nghĩa góp phần bảo tồn di tích di sản Kinh thành Huế”, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Đôi vai người lính

 UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ngô Nam Cường

Ông có thể cho biết kế hoạch di dời đồn Mang Cá đến nay đã được triển khai như thế nào?

Trung ương xác định Huế là Cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật, mang giá trị lịch sử, văn hoá to lớn không chỉ trong nước mà cả khu vực và thế giới.

Nhiều lần làm việc với UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao nỗ lực của chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang đang làm trong cuộc di dời dân ra khỏi Khu vực 1 Kinh thành Huế để bảo tồn di sản.

Nhận thức rõ vấn đề trên, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng và đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã vào cuộc đánh giá thực trạng, kế hoạch di dời các đơn vị quân đội và dân cư ở các khu vực đất quốc phòng mà quân đội đang quản lý.

Quy trình các bước cơ bản thuận lợi. Bộ Quốc phòng đã có văn bằng đồng ý chủ trương của tỉnh về di dời chuyển đổi các điểm đất quốc phòng, trong đó khẳng định sẽ bàn giao toàn bộ 3 điểm: Mang Cá, Bệnh viện 268, khu Mang Cá nhỏ. Trên 40ha đất di tích sẽ được bàn giao cho tỉnh quản lý. Trách nhiệm của tỉnh sẽ bố trí một diện tích đất dành cho các công trình quốc phòng này, trong đó có 3 điểm là: Sở chỉ huy, Bệnh viện 268, khu dân cư phía Mang Cá nhỏ.

Có khó khăn gì khi di dời những công trình quân sự, quốc phòng tại đồn Mang Cá đã tồn tại hàng trăm năm nay, thưa ông?

Khu vực đồn Mang Cá (Mang Cá nhỏ và Mang Cá lớn) và Bệnh viện 268 đã tồn tại rất lâu, gắn liền với lịch sử di tích Kinh thành Huế, đặc biệt đồn Mang Cá tồn tại trên 130 năm nên việc di dời gặp nhiều khó khăn vì giá trị lịch sử rất lớn. Song xét về mặt phát triển, lịch sử có giá trị nhưng trong từng giai đoạn, có các yêu cầu khác nhau, nếu cố bám vào lịch sử sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển.

Hiện nay, các cơ quan hành chính, chính trị của tỉnh đều nằm ở phía nam. Để tạo thuận lợi trong nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan hành chính, các mục tiêu chính trị quan trọng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng không thể nằm “lẻ loi”. Di dời là đòi hỏi khách quan, vừa bảo tồn giá trị lịch sử vừa phù hợp với xu thế phát triển của thực tiễn. Đặc biệt, phù hợp với không gian phát triển chung, thuận lợi trong việc phát huy chức năng tham mưu hay huy động các lực lượng quân sự khi có tình huống quan trọng.

Ngoài ra, trong xu thế phát triển về quy hoạch giao thông, các tuyến đường phía Bắc thường nhỏ, cổng thành hẹp nên việc cơ động của lực lượng quân sự khó khăn, nhất là mỗi mùa bão lũ, việc đưa phương tiện ra khỏi trụ sở để giúp dân rất khó.

Đồn Mang Cá có giá trị lịch sử rất lớn. Vậy công tác tham vấn cơ quan chức năng, nhất là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa như thế nào?

Khi quy trình di dời đưa ra đều tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực quân sự, lịch sử, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc... Ngay từ việc trình bày nội dung ban đầu, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cục Doanh trại Bộ Quốc phòng cũng vào cuộc. Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của thủ trưởng bộ chỉ huy qua các thời kỳ và các đồng chí lão thành cách mạng.

Thực tế hiện nay, các công trình tồn tại ở đồn Mang Cá dù lâu đời nhưng tất cả phải giữ nguyên hiện trạng. Phía Pháp đã thông báo hồ sơ hết niên hạn sử dụng một số công trình, nhưng chúng tôi không thể đập đi xây mới mà phải tự khắc phục. Theo Luật Di sản, việc tháo dỡ hay xây dựng một thứ gì đó bên trong di tích là rất khó.

Việc di dời đồn Mang Cá không đơn thuần liên quan đến các công trình mà còn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sống ở khu Mang Cá nhỏ, việc này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Quan điểm của tỉnh là sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, áp dụng khung chính sách tốt nhất cho các hộ dân này.

Ban đầu tại khu Mang Cá nhỏ có khoảng 98 hộ dân, trải qua thời gian sinh sống đến nay có hơn 120 hộ. Người dân ở đây chủ yếu là cán bộ hưu trí và gia đình quân nhân, họ sinh sống từ lâu nhưng không có quyền sở hữu mảnh đất. Qua tìm hiểu của chúng tôi, bà con ở đây rất đồng thuận với việc di dời vì nhận thức được rằng chuyện di dời để phục vụ công tác bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh rất quan trọng.

Theo ông, hiện nay đâu là những nút thắt cần tháo gỡ để việc di dời thuận lợi?

Nhiều vấn đề đang được đặt ra, như yêu cầu về kiến trúc của trụ sở mới. Quá trình chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án làm sao phải đồng bộ, chặt chẽ. Hiện nay, việc đền bù giải phóng mặt bằng ở khu vực xây dựng trụ sở mới vẫn đang tiến hành.

Ở khu Mang Cá nhỏ có những quy định riêng về đất quốc phòng và những quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đền bù, hỗ trợ chu đáo nhưng phải nằm trong sự thống nhất về khung pháp lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Quốc phòng.

Để tháo gỡ các vấn đề, trước tiên cần xác định đây là trách nhiệm chính trị lớn không chỉ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mà của các sở, ngành liên quan. Quan điểm của chúng tôi, “thắt” ở khâu nào, bước nào, liên quan đến cấp nào, ngành nào thì sẽ phối hợp tháo gỡ ở đó.

Có thể hình dung về các trụ sở quân sự mới trong tương lai như thế nào, thưa ông?

Khi khảo sát địa điểm mới, chúng tôi đánh giá rất kỹ về ý nghĩa quân sự. Địa điểm xây dựng trụ sở mới sẽ hội đủ các yếu tố quốc phòng, như ngay trung tâm đô thị, hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường mở. Vị trí này cũng thuận lợi trong việc cơ động của lực lượng quân sự.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiến hành tham mưu, làm việc với UBND tỉnh, Quân khu 4 để quy hoạch vị trí của sở chỉ huy và phương án kiến trúc tổng thể. Việc xây dựng trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ở địa điểm mới không chỉ đảm bảo đúng công năng các hoạt động quân sự mà còn phải làm sao hài hoà với mỹ quan, phù hợp với công trình khác của đô thị Huế. Sau khi thống nhất kết cấu và vị trí bố trí thì Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương đầu tư. Hiện đang trình dự án, thiết kế cơ sở, sau đó đưa vào nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Quốc phòng đã chia sẻ với tỉnh nguồn vốn xây dựng. Địa phương đang thực hiện một nhiệm vụ mang tính lịch sử là di dời dân khỏi Khu vực I Kinh thành Huế, cần nguồn lực lớn và Trung ương cũng đang hỗ trợ.

Trong quý II đến quý III-năm 2021, sẽ khởi công dự án xây dựng trụ sở mới. Trong phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Quốc phòng xác định dự án thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2024. Nhưng nếu làm tốt sẽ rút ngắn thời gian đầu tư, đón đầu chủ trương của Nghị quyết 54. Nếu thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu thì có thể xem đây là món quà rất có ý nghĩa của Bộ Quốc phòng dành cho Thừa Thiên Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ - Phan Thành (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top