ClockChủ Nhật, 20/10/2019 12:49

Vừa đi biển...vừa nhặt rác

TTH.VN - Chiếc tàu công suất 1.018CV, chủ tàu Trần Văn Cường, ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) ngoài làm nhiệm vụ chính là dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt... còn có thêm việc thu gom vỏ lon, chai nhựa trôi trên biển, trên từng tàu cá đem về đất liền bán, gây quỹ giúp học sinh nghèo.
 

 

"Chiến lợi phẩm" thu về sau chuyến ra khơi

 

 

Tàu cập bến, hơn 10 nhân công thong thả xuống tàu, chỉ mỗi Cường vẫn còn hì hục trên thuyền để sắp xếp gọn gàng các vật dụng và chuyển từng bao lưới tải chứa đầy vỏ lon bia, nước ngọt, vỏ chai nhựa vào bờ. Sau mỗi chuyến đi dài ngày thu mua cá, đánh bắt, tiếp nhiên liệu cho đội tàu đánh bắt xa bờ dầu, cung cấp lương thực thực phẩm, lúc về Cường luôn thu được chiến lợi phẩm với hàng chục kg các loại vỏ lon, chai nhựa.

Gom được chừng nào, Cường tập kết lại, đến lúc nhiều là gọi người đến thu mua. Trung bình một tháng thu gom, Cường bán được hơn 300 nghìn đồng. "Số tiền không nhiều so với mỗi chuyến đi làm dịch vụ hậu cần nhưng em cảm thấy rất khó chịu vì bao nhiêu rác nhựa, chai, hộp... từ các thuyền vứt thẳng xuống trôi nổi trên mặt biển, nếu mình không vớt sẽ rất nguy hại cho môi trường", Cường chia sẻ.

 

 

Ngoài làm nghề chính, Cường còn tranh thủ vớt vỏ lon, chai nhựa trên biển

Lên thuyền theo bố vươn khơi từ năm học lớp 6, sau khi học hết lớp 12, Cường quyết định chọn nghề bám biển để mưu sinh. Đến nay, Cường đã bám biển ngót nghét hơn 17 năm. Trong thời gian lên xuống tàu, ra khơi, Cường vẫn thường chứng kiến cảnh các thuyền viên, lao công trên những chiếc tàu thẳng tay vứt rác xuống biển. Lúc đó, Cường chỉ "thuận tay" nhặt những vỏ lon vỏ chai vứt trên thuyền vì đây cũng là nguồn phế liệu dồi dào để "hái" ra tiền.

Mãi đến vài năm trở lại đây, khi tham gia công tác Đoàn, giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An (Phú Vang), thông qua các phong trào, cuộc phát động về làm sạch biển, chống rác thải nhựa trên biển..., Cường càng ý thức và thôi thúc mình phải tiên phong làm một việc thật ý nghĩa để bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ nguồn lợi hải sản trên biển không bị ảnh hưởng do rác thải, như rác nhựa, rác khó phân hủy.

 

Tận dụng những rổ đựng cá bị thải bỏ để đựng rác gom, vớt được để đưa lên thuyền đem vào bờ

Thế là ngoài lượm nhặt trên từng tàu biển, Cường sắm thêm bộ dụng cụ gồm cần vợt, rổ đựng tận dụng từ các rổ cá bị hư, vây lưới bỏ... để vớt các loại vỏ lon, chai nhựa trôi trên biển. Trên thuyền mình, Cường còn bố trí khoang riêng dành cho các lao động, thuyền viên gom vỏ chai nhựa.

 

Cường kể, năm 2018, sau khi dành dụm được ít vốn, cộng với thế chấp thẻ đỏ vay thêm 450 triệu đồng, Cường đóng chiếc tàu công suất 1.018CV, thuộc vào loại lớn thứ nhì của tỉnh. Ra riêng, tàu của Cường vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt, nghề vây, pha đèn (phục vụ cho các tàu thuyền khác đánh bắt), tham gia bấm điểm, bảo vệ chủ quyền biển ở đảo Hoàng Sa...

Mỗi năm, Cường đi biển hơn 6 tháng, bình quân mỗi tháng 4 - 5 chuyến, mỗi chuyến từ 3 - 4 ngày, dài nhất là những chuyến ra Hoàng Sa kéo dài 15 ngày/chuyến. Có nhiều thời gian lênh đênh trên biển, công việc vớt, nhặt vỏ lon, chai nhựa của Cường càng thuận lợi hơn và số lượng ngày càng nhiều thêm.

 

 

Thời gian đầu, số tiền thu được từ bán ve chai, Cường dành để phục vụ nước nôi, cà phê cùng bạn bè. Nhưng từ khi thị trấn Thuận An thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh do tỉnh, huyện phát động, trong đó có hoạt động xây dựng "Ngôi nhà xanh trên biển" từ việc thu gom các loại ve chai để gây quỹ giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, số vỏ lon thu gom được sau mỗi chuyến đi biển trở về, Cường đều đem đóng góp cho tổ chức Đoàn Thanh niên của thị trấn gây quỹ.

Nhiệt tình, chịu khó, ngoài vai trò Bí thư Đoàn tổ dân phố Tân Bình, Cường được tín nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang với hơn 28 thành viên. Cương vị này giúp Cường có thêm cơ hội tuyên truyền, vận động các bạn đồng nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ thói quen xả rác xuống biển.

Cường trò chuyện: "Nhiều người xì xào bàn tán việc mình làm. Có người bảo, làm chủ chiếc tàu 3,5 tỷ đồng mà còn làm chi cái nghề đi nhặt từng vỏ chai lon, kiếm được mấy đồng. Nhưng mặc kệ, mình vẫn tiếp tục làm".

Chỉ một, hai tàu làm thôi chưa đủ. Nguyện vọng của Cường muốn có thêm nhiều chủ tàu, thuyền viên khác cùng gom nhặt vỏ lon, chai nhựa... trên biển như mình.

"Mỗi ngày từ ngoài khơi, trong bờ không biết bao nhiêu là tàu thuyền và lượng lớn nhân công, nên các loại vỏ nước uống, giải khát thải ra hằng ngày nhiều vô kể. Chỉ cần mỗi thuyền đều vớt, gom nhặt như em thì biển sẽ sạch biết mấy", Cường trăn trở.

Trên mỗi tàu nên bố trí một thùng rác bằng inox để đựng các bao bì ni lông, tránh vứt xuống biển ảnh hưởng đến cá, tôm... Đó cũng là cách làm để giảm bớt công lao động của các bạn trẻ, học sinh, cán bộ nhân viên phải ra quân dọn rác trên các bãi biển, trong đó có phần rác từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ.

Ấp ủ nguyện vọng nhân rộng mô hình này ra nhiều tàu khác ở địa phương cũng như ra toàn tỉnh, nhưng với "tiếng nói" còn quá nhỏ nhoi, Cường vẫn chưa thể làm được. Tìm hiểu ở một số tỉnh bạn, theo Cường biết nhờ có một tổ chức, hội đứng đầu tuyên truyền, vận động, cam kết, đặt ra chỉ tiêu, nên các tàu cá chấp hành rất nghiêm túc trong việc gom nhặt các loại rác phế liệu trên biển.

Theo Cường, chỉ khi có vai trò, tiếng nói có "trọng lượng" của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc làm mạnh tay để tuyên truyền, vận động, tin chắc mô hình "đa lợi ích" này sẽ được nhân rộng.

 

 
 

Nội dung: Hoài Thương

Thiết kế: Minh Quân

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

Lễ xuất quân đánh bắt thủy sản năm 2024 của ngư dân xã Phú Hải diễn ra vào sáng 27/2, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Đời neo bên chân sóng

Họ bám biển có chăng bởi niềm đam mê truyền kiếp. Tôi đã thấy, sâu thẳm trong đôi mắt của những con người ấy chất chứa bao nỗi ưu tư.

Đời neo bên chân sóng
Return to top