ClockThứ Năm, 25/02/2021 14:00

Vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hoá dân gian

TTH - Hàng loạt lễ hội thường niên ở Huế được tổ chức sau Tết Nguyên đán đã phải hoãn lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai năm liên tiếp. Không khí của lễ hội, vui chơi mùa xuân đã mất đi thấy rõ, nhưng đổi lại cũng phần nào giúp người dân thay đổi đôi chút suy nghĩ, quan niệm về đi lễ, vui hội những ngày đầu năm.

Không tổ chức các hoạt động lễ hội tập trung đông người sau tết

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân đến viếng lễ chùa những ngày đầu năm giảm so với những năm về trước. Ảnh: Phan Thành

Bên cạnh đi lễ chùa, đền thờ, những ngày đầu năm mới ở Huế có rất nhiều lễ hội nổi tiếng, thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà còn rất đông du khách gần xa như hội vật làng Sình, hội vật Thủ Lễ, lễ cầu ngư làng Thai Dương (ba năm một lần), lễ hội đền Huyền Trân… Thay vì sự náo nhiệt và sôi động, các lễ hội ấy phải tạm dừng trước ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể tụ tập đông đúc.

Một trong những điểm đến tâm linh những ngày đầu năm được xem quen thuộc đối với người dân xứ Huế nhất đó là Tượng đài Quan Thế Âm trên núi Tứ Tượng (thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) cũng được cơ quan chức năng thông báo không mở cửa. Dù thế, nhiều người không biết được thông tin cũng tìm đến. “Đến rồi mới biết có rào chắn và bảng thông báo không đón khách để phòng, chống dịch COVID-19. Dù hơi tiếc nhưng không còn cách nào khác, đó là cách làm đúng của chính quyền để hạn chế người dân tụ tập”, chị Nguyễn Thu Thủy (Phong Điền) chia sẻ. Cũng như chị Thủy, nhiều người không nắm được thông tin lên tới đây cũng quay đầu xe trở về.

Trong khi đó, theo ghi nhận ở các ngôi chùa lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh, lượng khách đến viếng chùa giảm hẳn hơn so với mọi năm và không tụ tập đông đúc. Bên cạnh những bảng thông báo các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại cổng chùa, nhiều người đi viếng cũng chủ động bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Chị Trương Như Quỳnh (phường Phú Hội, TP. Huế) thay vì đi lễ ở một ngôi chùa trên địa bàn phường Thuỷ Xuân vào ngày đầu năm mới như thông lệ thì đến mùng 10 cả gia đình chị mới đi. Thời điểm đó, lượng người đi viếng thưa hơn, vừa có thể làm lễ vừa đảm bảo an toàn. Ngược lại, nhiều gia đình để “chắc ăn” đã chọn phương án ở nhà, không đi lễ chùa như mọi năm.

Nhiều du khách thập phương, người con xa quê trở về ăn tết thay vì hào hứng với các lễ hội thì nay cũng chọn cách ngao du lặng lẽ. Từ TP. Hồ Chí Minh về quê đón tết và dự tính sẽ cùng gia đình tham gia các lễ hội, nhưng anh Nguyễn Ngọc Vân (TP. Huế) tỏ ra tiếc nuối bởi hầu hết các sự kiện phải tạm hoãn. Anh Vân kể, đã rất lâu rồi mới quay trở về quê và hào hứng được du xuân qua các lễ hội, nhưng rồi kế hoạch không thành khi dịch bệnh COVID-19 ở nhiều nơi bùng phát trở lại. “Được đoàn tụ bên gia đình đã là may mắn. Đó cũng là cách mà mình dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, suy nghĩ về mọi thứ khác đi, thay đổi và thích nghi theo những biến cố của xã hội, phù hợp với cuộc sống”, anh Vân chia sẻ.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân đến viếng lễ chùa những ngày đầu năm giảm so với những năm về trước. Ảnh: MC

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thời điểm các lễ hội tạm hoãn cũng là cơ hội để dựng lại trật tự và có sự chuẩn bị tốt hơn vào những lễ hội truyền thống ở những năm tới. Còn với người dân, du khách đó còn là lúc để họ “tự mở hội trong chính mình”, cảm nhận được sự thanh tịnh, những giây phút an nhiên tự tại cho họ và gia đình.

Thượng toạ Thích Không Nhiên (Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế) cho rằng, những dịp như thế này thay vì chen chúc, vui với các lễ hội cũng là lúc mọi người lắng lại, có thời gian kết nối tình thân, gia đình, cân bằng lại đời sống văn hoá tâm linh trong cộng đồng. Còn với phía Phật giáo, cũng là lúc tập trung nhiều hơn những khoá lễ tụng cầu nguyện, chuyển hoá năng lượng lành đến cho xã hội.

Còn theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, ở trong hoàn cảnh hiện nay, người dân rất ý thức nhiệm vụ chống dịch, bảo vệ sinh mạng. Tất nhiên, ai cũng đau đáu, tấm lòng luôn hướng về các lễ hội. Vì thế, ở những làng quê có lễ hội, thay vì không được tổ chức như bình thường, những vị có trách nhiệm trong làng và người dân ở đó vẫn tổ chức lệ, trong phạm vi nhỏ hẹp. Ví dụ như vật làng Sình hay lễ cầu ngư của các làng quê ven biển. “Như vậy về mặt phong tục họ vẫn thực hiện, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hoá dân gian trong cộng đồng nhỏ. Đó là cách ứng xử phù hợp, vẫn giữ được các nghi lễ then chốt và phần nào đáp ứng được nhu cầu tâm linh”, ông Vinh khẳng định.

NHẬT MINH – QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top