ClockThứ Năm, 30/10/2014 10:44

Vui buồn nghề bưu tá

Bưu tá Mai Ngọc Tuệ chuẩn bị cho cuộc hành trình của mình. Ảnh: L.Minh

Không sợ người ướt, chỉ lo báo ướt

Theo ông Dương Văn Hà, Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên Huế, toàn hệ thống Bưu điện tỉnh hiện có trên 220 nhân viên bưu tá (kể cả bưu tá phát xã, trong đó có 84 nhân viên nữ), tất cả đều được Bưu điện tỉnh hỗ trợ mua bảo hiểm y tế kết hợp tai nạn con người. Trong đó, địa bàn thành phố có 35 người. 60% có tuổi đời từ 25-30 tuổi, số còn lại là trung niên. Thu nhập bình quân của nhân viên bưu tá từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Để sống được với nghề, bưu tá viên còn phải kiêm thêm nhiều dịch vụ, như: vận động độc giả đặt mua báo, bán bảo hiểm, phát tờ rơi quảng cáo cho các siêu thị, ...

Sáng nào cũng vậy, khoảng sau 8h, bác Phạm Thanh Liên ở đường Lê Duẩn lại ngóng anh bưu tá mang báo đến. Vừa nghe tiếng xe quen thuộc và giọng “bác ơi, ra nhận báo” là bác được nhận tận tay tờ báo còn thơm mùi mực, mùi giấy mới. Hai bác cháu chỉ kịp trao đổi dăm điều với nhau thì anh lại lật đật “chào bác” để giao cho kịp túi bưu phẩm, thư từ, báo chí nặng trĩu. “Hơn 10 năm nay, những người đưa thư ấy ngày ngày đến với gia đình như một người bạn thân thiết. Hôm nào đi vắng lại nghe thiếu thiếu”- bác Liên chia sẻ.
6h30’ sáng, các nhân viên bưu tá của Bưu điện tỉnh đã có mặt đông đủ để chia, chọn, sắp xếp, phân loại thư từ, bưu kiện, báo chí, công văn theo lịch trình đường đi. Với tôn chỉ “Sạch ô- Róc túi- Khớp hành trình”, mỗi bưu tá đều có một cuốn sổ nhỏ ghi chi tiết lộ trình điểm phát từng buổi để quá trình giao nhận chính xác, thuận tiện không bị sót. Khi kết thúc buổi làm việc cũng là lúc hoàn thành việc giao nhận số lượng bưu phẩm, thư từ của mình.
Khu vực anh Mai Ngọc Tuệ phụ trách thuộc địa bàn 3 phường Phú Thuận-Phú Hòa-Phú Bình. Đây là nơi tập trung nhiều dân cư, cơ sở kinh doanh... nên số lượng báo chí, bưu phẩm rất nhiều. Nhìn giỏ thư, bưu phẩm to đùng, tôi ái ngại: “Trong một buổi, làm sao giao hết?”. Anh Tuệ cười: “Mình làm từ hồi 2006 đến nay nên khá thông thuộc các tuyến đường, khu phố, số nhà” - “Bình quân một ngày, mỗi nhân viên phải đi 50-60km, giao từ 100-150 điểm phát với trọng lượng trên dưới 30kg. Trời nắng còn đỡ, chứ ngày mưa rất vất vả. Không sợ người ướt mà chỉ sợ bưu phẩm, thư từ ảnh hưởng. Mặc dù buổi sáng đã phân loại và ghi nhớ đặc điểm để dễ lấy, nhưng do bao bọc kín nên khó nhớ hết. Chưa kể, với nhà cao tầng, anh em phải mang nguyên túi thư lên tận nơi, nếu không gặp chủ nhà lại phải phát đi phát lại rất mất thời gian. Vì vậy, 7-8h tối kết thúc công việc là thường”, bưu tá Tuệ cho biết thêm.
Những bưu tá phụ trách các khu vực thuộc các phường Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, các khu quy hoạch mới... là nơi tập trung nhiều cơ quan, văn phòng, khu chung cư còn vất vả hơn nhiều. Bởi số nhà mới, cũ đan xen như “ma trận”; những địa chỉ với 2-3 cái “xuyệt”, những khu “nhà không số, phố không tên”... để đưa tận tay người nhận (bưu phẩm chuyển phát nhanh hay thư tín bí mật, tiền mặt) thật không dễ.
Có thâm niên hơn 7 năm trong nghề bưu tá, chị Đinh Thị Loan đã từng phụ trách nhiều xã miền núi: A Ngo, Hồng Thái, Sơn Thủy và hiện là người đưa thư cho 2 xã Hồng Thượng và Phú Vinh (huyện A Lưới). Khi mặt trời lên, cũng là lúc chị Loan bắt đầu ngày làm việc của mình. Nhận túi thư từ bưu điện huyện, chị “làm bạn” với bao con suối, ngọn đồi để đưa thư, gửi báo đến các bản làng, đơn vị đóng trên địa bàn 2 xã. Mặc dù số lượng chuyển phát ít hơn thành phố, nhưng đổi lại các điểm phát lại rất xa. Có điểm phải đi mất gần 20km mới đến nơi, như nhà bác Nguyễn Xuân Toàn, thôn Cân Sâm, xã Hồng Thượng, “Ngày nào mình cũng đến để giao Báo Thừa Thiên Huế”. Khó khăn là vậy, nhưng không một ngày chị bỏ công việc quen thuộc của mình. Chị Loan tâm sự: “Lương mỗi tháng được hơn 1,7 triệu đồng, tính toán lắm mới đủ trang trải cho gia đình. Cực nhất là những hôm trời mưa, đường trơn dốc trượt, nhưng khi đến nơi, bà con lại đi vắng, vậy là mất công phải đến lần sau...”
Làm dâu trăm họ

Cột sao cho gọn

 
Có thâm niên 22 năm trong nghề nên giờ đây, bản đồ TP Huế như được lưu trong bộ nhớ của Tổ trưởng Tổ Bưu tá Nguyễn Ngọc Chu. Anh trải lòng: “Ai cũng nghĩ đưa thư là công việc đơn giản. Nhưng có vào nghề rồi mới biết, công việc quá rộng, áp lực quá nặng. Đòi hỏi không chỉ năng lực, trình độ để xử lý tình huống, công việc mà người bưu tá còn phải có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt”. “Làm nghề này cần có trí nhớ lâu. Nên bây giờ có những khu vực dù mấy năm không đến nhưng khi cần tôi vẫn đi đúng xóm, đọc đúng tên chủ nhà” - anh Chu hãnh diện. Thậm chí, còn nhớ luôn đặc điểm, tính cách của từng gia chủ, như: nhà anh B có nuôi chó dữ; nhà chị A phải đưa báo sau 9h mới gặp; nhà bác C phải gọi điện trước khi tới nếu không muốn mất công... Nhưng vui nhất là khi đã lâu không lên tuyến phát cũ, có dịp gặp lại ai cũng nhận ra và hỏi thăm “Răng lâu chừ chú đi mô không thấy ?”.
Bưu tá còn là nghề “làm dâu trăm họ”. Là công việc không qua trường lớp đào tạo, chủ yếu từ kinh nghiệm thực tiễn, nên gặp những khách hàng khó tính, phải hết sức khéo léo, kiên trì giải thích. Anh Chu kể: “Với những bưu phẩm mà người bưu tá phát và thu tiền hộ, nhiều khi bà con yêu cầu chúng tôi mở ra để “thấy tận mắt, sờ tận tay” mới trả tiền. Những lúc đó, phải kiên trì giải thích để các “thượng đế” hiểu nguyên tắc của ngành phải niêm phong, đóng kín bưu phẩm được giao... Hay khi trời mưa, bưu phẩm bị ướt chút ít nhưng có người thông cảm, có kẻ phàn nàn. Đặc biệt, sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, có lúc đến đưa giấy báo trúng tuyển cho các em 2 lần/ngày. Nhận được giấy, các em và gia đình vui mừng, hân hoan làm tôi cũng thấy phấn khởi và thêm yêu công việc của mình”.  
Ngoài áp lực phải giao, phát trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất, do suốt ngày rong ruổi trên đường, nên người bưu tá còn đối mặt với bệnh nghề nghiệp, như: viêm xoang, viêm phế quản, bị chó cắn, chó rượt là chuyện thường”, bưu tá Mai Ngọc Tuệ kể.
Khó khăn là vậy, nhưng đối với anh em bưu tá thì, “vui nhất là đem tin vui tới mọi nhà, mọi người một cách kịp thời, nhanh chóng”. Những niềm vui ấy lại tiếp thêm cho họ động lực để gắn bó với nghề hơn.
Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top