ClockThứ Bảy, 24/10/2015 14:09

Vui cùng nông nghiệp

TTH - Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm đều tăng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất...

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Ghi nhận từ Đông Phú

Cùng với cây lúa, năng suất, chất lượng và giá trị các loại hoa màu trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, nhờ ứng dụng khoa học- kỹ thuật tiên tiến, thủy lợi đảm bảo. Đáng chú ý là các mô hình rau má, mía, ném, hành ngò, hoa chất lượng, mô hình trồng rau sạch… cho thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha.

Cách đây chừng 5 năm, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Đông Phú (Quảng Điền) cũng như các địa phương khác gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa ngập lụt, mùa nắng nóng lại chịu cảnh khô hạn. Một thời gian khá dài, việc cơ cấu giống lúa như thế nào cho hợp lý, vấn đề cơ giới hóa, thủy lợi là “bài toán” nan giải đối với Ban Chủ nhiệm và bà con xã viên.
Vấn đề đầu tiên được HTX tập trung tháo gỡ là đưa các giống lúa mới vào gieo cấy thử nghiệm, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn. Sau vài vụ thử nghiệm, hai loại giống được HTX chọn lựa đưa vào gieo cấy là 4B và TH5, trong đó cơ cấu 100% giống TH5 sản xuất trong vụ đông xuân và 100% giống 4B trong vụ hè thu. Ông Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTXNN Đông Phú cho hay, nhiều năm trước, nông dân thường đưa các giống lúa T92, Khang dân, TH5... vào sản xuất trong vụ đông xuân, năng suất không cao. Từ khi đưa hai loại giống trên vào sản xuất không chỉ đạt năng suất cao, mà còn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Năng suất lúa bình quân hằng năm của HTX luôn dẫn đầu toàn tỉnh với khoảng 72 tạ/ha. Giá lúa TH5 thường cao hơn các sản phẩm thông thường từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg.
Việc xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của HTXNN Đông Phú. Ngoài 3 trạm bơm được Nhà nước đầu tư xây dựng, người dân tự mua sắm hàng trăm máy bơm dầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu. Sau các đợt mưa lớn gây ngập lụt, người dân không mất nhiều thời gian đấu úng, hay chống hạn mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, hệ thống các hồ chứa thủy lợi cũng được xây dựng, nâng cấp tạo nguồn nước dồi dào phục vụ bơm tưới. 
Thành công nữa trong sản xuất lúa tại HTXNN Đông Phú còn phải kể đến việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Từ khi hệ thống đê bao, đường giao thông nội đồng được Nhà nước đẩy mạnh đầu tư cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa. HTX vận động nông dân, xã viên mua sắm thiết bị máy móc, phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn HTX có hàng chục máy cày xới đất cầm tay, hơn 10 máy gặt đập liên hợp, hàng chục máy thổi lúa.
Hướng tới sản xuất hiệu quả
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong mấy năm qua đạt kết quả khả quan. Năng suất, chất lượng lúa và các loại hoa màu đều đạt cao, riêng năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha. Các yếu tố thắng lợi phải kể đến là bố trí lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa hợp lý, đưa các giống lúa mới vào sản xuất, nguồn nước tưới dồi dào và cơ giới hóa ngày càng phát triển…
Ứng phó tình hình mưa lũ bất thường, có thể đến sớm nên việc cơ cấu khung lịch thời vụ hợp lý, trong đó việc gieo cấy lúa, hoa màu sớm hơn mọi năm nhằm rút ngắn tối đa mùa vụ được ngành nông nghiệp và các địa phương chú trọng; ý thức và kinh nghiệm của người dân cũng ngày càng nâng cao, chấp hành đúng chủ trương của các ban ngành chức năng. Tuân thủ hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, nông dân thường gieo cấy sớm hơn từ 5-7 ngày so với nhiều năm trước. Các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn được chú trọng đưa vào gieo cấy, rút ngắn tối đa khung lịch thời vụ, tránh thiệt hại do mưa lũ.
Không chỉ sử dụng các giống ngắn ngày, nhiều địa phương còn đưa giống lúa mới vào sản xuất, đạt năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng, giá cao hơn nhiều so với giống thông thường. Các giống lúa mới như TH5, HT1, Iri352, Bắc thơm 7, HN6, Thiên ưu 8… sau khi được các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh khảo nghiệm thành công đã chuyển giao cho nông dân nhân rộng. Các giống lúa này đạt năng suất bình quân trên 60 tạ/ha, sản phẩm chất lượng nên giá thường cao hơn từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg so với các giống lúa thông thường. Đến nay, các giống lúa trên được đưa vào sản xuất gần 6.000 ha trong tổng 26 ngàn ha/vụ. Một số giống lúa như Bắc thơm 7, HN6… bước đầu đưa vào sản xuất khoảng 300 ha, sản lượng từ 1.800-2.000 tấn; sản phẩm đạt chất lượng cao, thơm ngon đã được xây dựng thương hiệu Gạo ngon Thủy Thanh, Gạo ngon Phú Hồ.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất không chỉ “giải phóng” sức lao động mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn khung lịch thời vụ, tránh thiệt hại do mưa lũ. Trên địa bàn tỉnh có đến 260 máy gặt đập liên hợp, 250 máy cày lớn, 420 máy cày nhỏ và 3.400 máy cày tay. Công suất gấp 10 lần đến 20 lần so với việc cày, thu hoạch bằng tay… Ngoài các yếu tố về giống và cơ giới hóa phải kể đến vai trò thủy lợi góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hàng chục hồ chứa lớn và vừa với dung tích chứa trên 100 triệu m3, cộng với hệ thống trạm bơm điện, kênh mương nội đồng cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất hai vụ lúa hè thu và đông xuân với khoảng 50 ngàn ha.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Return to top