ClockThứ Tư, 23/09/2015 11:22

Vui khi được “trả công” giữ rừng

TTH - Đợt đầu tuy mới chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho 50 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng ở huyện A Lưới, nhưng đây thực sự là một hoạt động hết sức ý nghĩa, kịp thời động viên những người gắn bó với nghề trồng và giữ rừng ở huyện vùng cao này.

Công khai, minh bạch

Có mặt trong ngày chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng ở A Lưới, chúng tôi mới cảm nhận hết được ý nghĩa cũng như niềm vui khi tiền DVMTR được trao tận tay cho những người dân vùng cao A Lưới đã giữ rừng trong suốt những năm qua.

Các hộ gia đình, đại diện nhóm hộ, cộng đồng ở A Lưới phấn khởi khi nhận tiền DVMTR

Gia đình bác Hồ Văn Me ở thị trấn A Lưới trồng 3,5 ha rừng sản xuất, nhưng đợt này gia đình bác vẫn được xét vào diện được chi trả tiền DVMTR. Với số tiền được chi trả hơn 1,86 triệu đồng tuy không lớn, nhưng bác Me rất phấn khởi và bất ngờ. Bác Me vui vẻ: “Để làm ăn kinh tế, cải thiện đời sống, mấy năm nay gia đình chúng tôi xin đất trồng rừng và sống dựa vào khai thác gỗ rừng trồng chứ không hề nghĩ đến sẽ có ngày được trả tiền như thế này. Nhận tiền về tôi phải bàn bạc với vợ, con mua thêm cây giống để trồng, sắm thêm dụng cụ phát tỉa cây…”

Hiện, trên địa bàn tỉnh có diện tích rừng cung ứng DVMTR khoảng 118.400 ha, chiếm gần 42% diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó, diện tích rừng cung ứng DVMTR thuộc lưu vực thủy điện chiếm 90,9% và thuộc lưu vực nguồn nước sạch chiếm 9,1%. Quản lý, sử dụng diện tích rừng cung ứng DVMTR gồm 947 chủ rừng, trong đó 8 tổ chức là chủ rừng, 22 tổ chức không phải là chủ rừng nhưng được Nhà nước giao quản lý rừng (UBND cấp xã), 577 hộ gia đình, 83 cộng đồng và 257 nhóm hộ thuộc 6 huyện, thị xã: A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy.

A Lưới là địa phương có diện tích rừng cung ứng DVMTR lớn, với hơn 70.000 ha, chiếm gần 60% diện tích rừng cung ứng DVMTR toàn tỉnh. Rừng của huyện A Lưới là lưu vực cho cả 3 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động. Năm 2014 số tiền DVMTR mà các chủ rừng của huyện A Lưới được hưởng khoảng 13,3 tỷ đồng, chiếm 77% toàn tỉnh và năm 2015 là 12,42 tỷ đồng, chiếm 78%. Trong đợt đầu tiên thực hiện chi trả tiền DVMTR của năm 2014 tại huyện A Lưới, có 50 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng của các xã: Hồng Thượng, Hồng Kim, Nhâm và thị trấn A Lưới thuộc lưu vực thủy điện A Lưới được chi trả với số tiền gần 1,375 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, hoạt động chi trả tiền trực tiếp đến từng chủ rừng không chỉ thể hiện tính công khai, minh bạch mà còn là dịp để các thành viên chủ rừng gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm QLBVR và có tác động tích cực về ý thức, trách nhiệm BVR của người dân. Sau đợt chi trả đầu tiên, Quỹ sẽ tiếp tục chi trả tiền cho các chủ rừng ở các xã khác, phấn đấu đến hết tháng 1/2016 sẽ chi trả xong tiền DVMTR của cả 2 năm 2014, 2015 cho tất cả các chủ rừng của các lưu vực thủy điện trên địa bàn huyện A Lưới.

Sử dụng tiền chi trả hợp lý

Chính sách chi trả DVMTR đang tạo nguồn lực tài chính mới phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, nhất là thay đổi tập quán canh tác, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng đối với người dân vùng cao A Lưới đã bám rừng, sống bằng nghề rừng từ trước đến nay.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn hẹp, thì số tiền DVMTR chi trả hàng năm cho các chủ rừng trên địa bàn rất ý nghĩa. Cũng theo ông Hùng, số tiền này cần được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả để vừa quản lý bảo vệ, phát triển rừng, vừa góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Khi được hỏi về kế hoạch chi tiêu sắp tới của cộng đồng với số tiền hơn 40,6 triệu đồng nhận được, anh Hồ Văn Than, Trưởng ban cộng đồng QLBVR thôn 1, xã Hồng Kim cho biết, sẽ xây dựng quy chế thu chi cụ thể. Trong đó một phần được trích để trang bị dụng cụ, quần áo cho nhóm bảo vệ rừng, phần khác phục vụ chi trả thù lao cho 20 hộ thành viên tham gia tuần tra bảo vệ rừng để đầu tư tăng gia sản xuất và số còn lại lập vào quỹ cộng đồng phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ, tái sinh rừng…

Anh Đặng Thành Nghiêng, thành viên nhóm hộ QLBVR thôn Cân Sâm, xã Hồng Thượng thừa nhận, khi chưa có tiền chi trả DVMTR, việc vận động anh em vào rừng tuần tra bảo vệ rất khó khăn, số lần đi tuần rất “thưa”, phải 2 đến 3 tháng mới đi 1 lần. Một phần vì các lô rừng được giao quản lý nằm cách trung tâm xã gần 20 km phải lội bộ, phần khác không có kinh phí để mua lương thực, dụng cụ đi rừng. Sau khi nhóm hộ được chi trả 61 triệu đồng tiền DVMTR năm 2014, các thành viên nhóm hộ rất phấn khởi và hào hứng, công tác tuần tra đều đặn hơn, bình quân 1 tháng đi tuần khoảng 3 lần. 

Qua trò chuyện, nhiều chủ rừng rất phấn khích với chủ trương, chính sách chi trả tiền DVMTR hợp lý, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho người trược tiếp QLBVR. Tuy nhiên, điều họ còn băn khoăn là việc ngăn chặn nạn chặt phá, săn bắt động vật rừng không thể làm dứt điểm trong một sớm một chiều mà cần quá trình tuyên truyền, vận động kết hợp tăng cường tuần tra phát hiện, phối hợp xử lý. Để tăng cường vai trò QLBVR, nhiều chủ rừng là nhóm hộ, cộng đồng mong muốn được tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức trong việc xử lý các tình huống vi phạm. Vì thực tế, khi phát hiện trường hợp chặt phá rừng, họ không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ nhắc nhở, tháo dỡ, hủy bỏ lán trại, báo cáo lên cơ quan chức năng như kiểm lâm, công an để xử lý, do đó hiệu quả răng đe chưa cao.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Return to top