ClockThứ Năm, 09/06/2011 09:21

Vun đắp tinh thần yêu nước…

TTH - Không phải chuyện giá cả leo thang hay nước uống đóng chai bị nhiễm chất độc DEHP. Câu chuyện nóng bỏng quanh mâm cơm của nhiều người dân Việt tuần qua lớn hơn nhiều, lên quan đến vấn đề chủ quyền dân tộc.

Việc 03 tàu hải giám Trung Quốc mới đây táo tợn xâm hại lãnh hải, uy hiếp và phá hoại tài sản của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang thăm dò địa chấn trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã động chạm đến nơi sâu nhất và nhạy cảm nhất trong mỗi tâm hồn người Việt. Đó là tinh thần yêu nước. Thứ di sản bất di bất dịch đã được trau dồi, hun đúc qua bốn nghìn năm lịch sử hào hùng của dân tộc, như những mạch nguồn ẩn kín giữa đời thường. Để rồi, khi hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng bị động chạm, tình yêu ấy lập tức trỗi dậy, mạnh mẽ như những ngọn sóng trào biển Đông.


Lễ tiếp nhận 21 viên đá, đại diện cho chủ quyền của 21 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Và người dân Việt cũng đang có những việc làm thiết thực để bày tỏ tình yêu ấy. Như cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động, ngay lập tức đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Có những ông bố đã dắt theo những đứa con còn bé, đến tòa soạn ủng hộ Trường Sa những đồng tiền tiết kiệm của gia đình. Có doanh nghiệp, dù trong lúc khó khăn, đã dành một phần lợi nhuận hướng về Trường Sa... Từ những nghĩa cử ấy, khái niệm “Góp đá xây Trường Sa” không còn là góp những viên đá thật sự để tôn cao nền Tổ quốc theo nghĩa đen mà còn khơi dậy trong lòng mỗi người dân Việt Nam tình yêu nước, sự gắn kết bền chặt giữa đất liền và biển đảo.
Cách đây hơn một tháng, ở Huế đã diễn ra buổi lễ trang trọng tiếp nhận 21 viên đá, đại diện cho chủ quyền 21 hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và một cây bàng trái vuông do Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam trao tặng. Trong số 21 viên đá thiêng ấy, một viên được đặt tại Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung. Hai mươi viên còn lại được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Riêng cây bàng lá vuông được trồng ngay trong khuôn viên Khu tượng đài anh hùng Quang Trung. Giờ đây, hình ảnh Trường Sa với những cái tên như Song Tử, Sinh Tồn, Bình Nguyên, Nam Yết... đã trở nên gần hơn trong trái tim mỗi người dân Huế. Và gần hơn nữa là những chuyến tàu từ đất liền ra Trường Sa, Cồn Cỏ được tổ chức hàng năm, mang theo tấm lòng của người dân Huế với đảo.
Trong câu chuyện bên lề sáng nay với một cô giáo trẻ dạy sử. Chị bảo, trong tiết học đầu tiên với các em học sinh trong năm học mới năm nay, chị sẽ bắt đầu với hai từ Trường Sa. Đó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi ấy, có những người lính, những người dân đảo đang sống nơi đầu sóng ngọn gió, với bao gian lao vất vã để góp phần bảo vệ chủ quyền dân tộc và canh giữ giấc ngủ yên lành cho đất liền...
Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top