ClockChủ Nhật, 23/06/2019 08:46

Vun đắp tình yêu văn hóa

TTH - Từ đầu năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ đưa vào giảng dạy chương trình giáo dục địa phương cho các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT). Giáo dục về lịch sử, văn hóa xứ sở chính là cách để vun đắp cho các em tình yêu, niềm tự hào về văn hóa của quê hương.

Ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng bảo vệ môi trường

Học sinh Trường tiểu học Phường Đúc trải nghiệm nghề truyền thống tại Bảo tàng Văn hóa Huế

Trải nghiệm di sản

Mới đây, học sinh Trường tiểu học Phường Đúc (TP. Huế) hào hứng tham gia chương trình trải nghiệm nghề truyền thống tại Bảo tàng Văn hóa Huế: In tranh làng Sình, làm bánh Huế, làm lồng đèn, trống lung tung. Với sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các em hào hứng bẻ khuôn, làm nhân, gói bánh hoặc tự làm nên những chiếc lồng đèn xinh xắn. Nhiều em học sinh kiên nhẫn in tranh làng Sình, tô màu để có một bức tranh hoàn chỉnh. Võ Phương Trang, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Phường Đúc tỏ ra vui thích: “Trải nghiệm này không chỉ là dịp vui chơi mà còn giúp em hiểu thêm về sự độc đáo của nghề truyền thống Huế, biết rõ lịch sử hình thành của vùng đất nơi mình sinh ra khi tham quan không gian trưng bày: Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, từ đô thị cổ đến hiện đại”.

Hồi tháng 3, học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế) cũng có trải nghiệm thú vị trong chương trình tham quan ngoại khóa “Huế quê hương em”. Sau khi tham quan khung cảnh thơ mộng, đậm hồn di sản của lăng Tự Đức, các em còn được nghe nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế giới thiệu về nghệ thuật ca Huế, nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn, hát ca Huế. Cô giáo Nguyễn Thị Việt, Tổ trưởng tổ sử - địa – giáo dục công dân, Trường THCS Đặng Văn Ngữ chia sẻ: “Đây là chương trình ý nghĩa giúp học sinh hiểu biết về di sản vật thể và phi vật thể của quê hương để chung tay giữ gìn; thấm những câu hò, điệu lý, từ đó góp phần bồi đắp tình yêu với quê hương, xứ sở”.

Để vun đắp cho học sinh tình yêu với văn hóa quê hương, nhiều trường học tổ chức những chương trình ngoại khóa, như: tham quan di sản, danh lam thắng cảnh, trải nghiệm nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, tìm hiểu ca Huế, các làn điệu dân ca… Những trải nghiệm thực tế, cảm nhận qua bài thu hoạch giúp các em hiểu được giá trị di sản, văn hóa Huế. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có điều kiện tổ chức, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn. Mỗi năm, các trường dù có điều kiện cũng chỉ tổ chức được 1-2 lần do không có thời gian, kinh phí khó khăn.

Đưa vào giảng dạy từ năm học 2019-2020

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, một thời gian dài, ngành giáo dục chỉ chú trọng đến việc dạy kiến thức tự nhiên xã hội, mà chưa quan tâm nhiều đến việc giáo dục văn hóa Việt Nam nói chung và lịch sử, văn hóa Huế nói riêng. Nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp, rời xa quê hương nhưng không am tường kiến thức về văn hóa Huế, đó là lỗ hổng đòi hỏi sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô.

Trong buổi làm việc với Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, học sinh của Thừa Thiên Huế phải là những học sinh yêu lịch sử và văn hóa Huế. Ngành giáo dục phải xây dựng các chương trình ngoại khóa giáo dục lịch sử, văn hóa Huế cho học sinh các cấp, giúp cho học sinh hướng về cội nguồn, tổ tiên, cốt cách người Huế… “Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh cũng phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Từ năm 2020, sẽ đưa vào giảng dạy chương trình giáo dục địa phương với thời lượng 35 tiết/năm học, mỗi tuần học 1 tiết. Ở tỉnh ta, chương trình giáo dục địa phương sẽ được triển khai từ năm học 2019-2020”, ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.

Theo ông Nguyễn Tân, việc giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh các cấp là điều quan trọng để vun đắp cho thế hệ trẻ tình yêu với quê hương, tinh thần văn hóa dân tộc. Sự am tường về văn hóa Huế cần được vun đắp thấm dần từ khi các em còn nhỏ, để khi đi xa, các em tự tin giới thiệu về văn hóa xứ sở, biết cách chế biến các món ăn đặc trưng, cách diễn xướng các làn điệu dân ca… Đây là trách nhiệm của ngành giáo dục đối với thế hệ trẻ. Những hiểu biết về lịch sử, văn hóa địa phương cũng góp phần định hướng nghề nghiệp theo thế mạnh của địa phương cho học sinh.

Để giáo dục lịch sử, văn hóa Huế một cách bài bản, chương trình giáo dục địa phương sẽ được thực hiện đồng bộ từ bậc mầm non đến THPT. Sở GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình cụ thể, chi tiết cho từng cấp học để giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Huế, giá trị truyền thống của con người Huế, giới thiệu các ngành nghề truyền thống, mỗi vùng sẽ có những đặc trưng riêng phù hợp với địa phương. Những kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương còn được tích hợp trong các môn học địa lý, lịch sử, giáo dục công dân, văn học. Ông Tân cho hay: “Chúng tôi sẽ hoàn thiện bộ giáo trình, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các trường theo đề án của tỉnh, có thể huy động nguồn xã hội hóa. Cùng với việc xây dựng đề án, Sở GD&ĐT sẽ tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để truyền đạt cho học sinh”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất, chương trình giáo dục văn hóa địa phương cần được soạn thảo có hệ thống từ bậc mầm non đến THPT với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, khoa học. Để truyền thụ cho học sinh, giáo viên phải nghiên cứu kỹ để không nhầm lẫn, hoặc truyền thụ một cách khô khan sẽ gây tác dụng ngược. Để chương trình giáo dục địa phương mang lại hiệu quả thực sự, không khiến học sinh thấy áp lực, điều quan trọng là tạo được sự hứng thú, kích thích sự tìm tòi của học sinh. Ngoài kiến thức, cần kết hợp với trải nghiệm qua các chuyến tham quan, mời các nghệ nhân, chuyên gia, nghệ sĩ trình diễn tại trường, biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa… Sự cảm thụ trực tiếp sẽ gieo những ấn tượng tốt vào tâm hồn trẻ thơ.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Return to top