ClockThứ Sáu, 15/03/2019 05:30

Vun đắp tình yêu với ca Huế cho thế hệ trẻ

TTH - Mong muốn vun đắp tình yêu với di sản ca Huế trong lòng thế hệ trẻ, các nghệ nhân và nghệ sĩ của CLB Ca Huế không quản ngại công sức, thời gian để đưa ca Huế vào học đường.

Nghệ sĩ ca Huế giao lưu cùng học sinh

Nhà thơ Võ Quê giới thiệu lịch sử hình thành, môi trường diễn xướng và các làn điệu ca Huế đặc trưng đến học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ

Lại gần với di sản ca Huế

Sáng tháng 3, không gian thơ mộng đậm hồn di sản của lăng Tự Đức vẳng xa tiếng đàn, tiếng hát. Dưới những tán thông già, đoàn học sinh của Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế) đang chăm chú lắng nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn, hát ca Huế. Từng cung bậc réo rắt của tranh, tỳ, nhị, nguyệt, từng khúc ca tri âm ngọt ngào như rót vào tai các khán giả trẻ tuổi tiếng lòng của ca Huế.

Những điệu lý, những làn điệu ca Huế, chầu văn: Lý mười thương, Nhớ ơn thầy cô em hát khúc dân ca, Dạo thuyền gặp lúc trăng, Cảnh đẹp Huế đô… mang đậm âm hưởng Huế khiến nhiều du khách cũng ngạc nhiên, thích thú tìm đến nghe. Ngoài những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chương trình biểu diễn còn có sự góp mặt của các gương mặt nhí, như Ánh Tuyết, Ánh Hồng ca điệu Tương tư khúc, Tổ khúc dân ca. Đây là những mầm non của nghệ thuật ca Huế.

Các nghệ nhân, nghệ sĩ của CLB Ca Huế còn giới thiệu đến các em học sinh lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật ca Huế, những đóng góp của các bậc tiền nhân đối với loại hình di sản này. Chương trình cũng giới thiệu không gian diễn xướng, xuất xứ các làn điệu, các loại nhạc cụ, sự khác nhau giữa ca Huế và dân ca Huế...

Không phải là lần đầu tiên nghe ca Huế nhưng đây là lần đầu Nguyễn Lê Bảo Ngọc, học sinh lớp 9, Trường THCS Đặng Văn Ngữ được tiếp cận ca Huế gần và sâu đến vậy. Em bộc bạch: “Chương trình thực sự rất thú vị. Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp nghe, thưởng thức các làn điệu từ các nghệ nhân, nghệ sĩ. Từ đây, em hiểu thêm lịch sử, giá trị của nghệ thuật ca Huế, một loại hình di sản cần được gìn giữ của quê hương”.

Chương trình được lồng ghép trong chương trình tham quan ngoại khóa “Huế quê hương em” của học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ. Cô giáo Nguyễn Thị Việt, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa– Giáo dục công dân, Trường THCS Đặng Văn Ngữ, chia sẻ: “Đây là chương trình ý nghĩa giúp học sinh hiểu biết về các loại hình nghệ thuật di sản của quê hương, để các em thêm yêu những câu hò, điệu lý, từ đó góp phần bồi đắp tình yêu với quê hương, xứ sở”.

Cần sự cộng hưởng

Chương trình giới thiệu ca Huế đến học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ là chương trình thứ 6 CLB Ca Huế tổ chức trong việc nỗ lực đưa ca Huế vào học đường. Năm 2018, những chương trình tương tự được tổ chức ở Trường Dân tộc nội trú Nam Đông, Trường THCS Phú Xuân, Trường THPT chuyên Quốc Học, Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THCS Chu Văn An. Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế chia sẻ: “Đưa ca Huế vào học đường là ý tưởng, mơ ước từ lâu của CLB, bởi tất cả đều bắt nguồn từ giới trẻ. Chương trình không chỉ đơn thuần là giới thiệu ca Huế mà còn giúp học sinh biết trân trọng, yêu quý di sản, đồng thời góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các em, đào tạo thế hệ kế cận, đào tạo khán giả cho ca Huế”.

Từ phong trào này, đã xuất hiện những gương mặt yêu thích nghệ thuật ca Huế, như Bảo Ngọc ở Trường THCS Chu Văn An, Phong ở Trường THCS Đặng Văn Ngữ tự học và có thể hát được ca Huế. Nhà thơ Võ Quê cho rằng, người ta bảo lớp trẻ không thích nhạc truyền thống nhưng tôi nghĩ lỗi là do chúng ta không cho các em cơ hội tiếp cận. Chỉ một chương trình, các em chưa thể yêu thích ngay nhưng khi được thuyết minh cặn kẽ, được trải nghiệm, các em sẽ hiểu được thế nào là ca Huế, từ đó có sự tiếp cận sâu hơn.

Với các nghệ nhân, nghệ sĩ của CLB Ca Huế, chỉ cần được giới thiệu ca Huế đến mọi người, họ không quản ngại công sức, thời gian, mặc dù không có thù lao. Nghệ sĩ Diệu Bình tâm sự: “Với ước mong ca Huế sẽ được lưu truyền mãi mãi, chúng tôi luôn muốn tham gia để mang ca Huế đến học đường, truyền niềm đam mê cho học sinh. Chúng tôi đến với ca Huế vì niềm đam mê nghệ thuật và muốn được cống hiến, chỉ mong ca Huế được quảng bá rộng rãi, nhất là với lớp trẻ, những người có thể tiếp tục kế thừa và bảo tồn di sản này, hoặc sau này có đi xa, các em cũng nhớ về quê hương qua những làn điệu ca Huế”.

Dẫu vậy, theo nhà thơ Võ Quê, nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế chỉ là một ngọn lửa nhỏ, khó có thể thổi bùng thành phong trào nếu không có sự vào cuộc, cộng hưởng từ ngành giáo dục, ngành văn hóa và của cả cộng đồng. Nhà thơ Võ Quê đề xuất: “Việc đưa ca Huế vào giảng dạy trong các trường học là giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho ca Huế. Để chương trình thực sự lan tỏa, cần có sự đầu tư lâu dài để các em thấm dần, từ độ tuổi mẫu giáo đến trung học đều được học chương trình dân ca và ca Huế. Như vậy, mỗi học sinh lớn lên đều có thể hát một làn điệu ca Huế - di sản của quê hương bắt đầu từ học đường. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản ca Huế”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

TIN MỚI

Return to top