ClockThứ Ba, 27/10/2020 08:45

Vùng lũ hỗ trợ vùng lụt

TTH - Tạnh mưa, nước rút, tôi tranh thủ về quê, phần vì lo lắng mẹ ở một mình, nước lụt ngập gần cửa sổ, mẹ buôn bán hàng tạp hoá, mỗi thứ một ít, chỉ nghĩ đến việc kê dọn hàng hoá đã bở hơi tai, rồi lũ gà ở nơi chuồng thấp có chịu được con nước bạc chấm mái..., phần lại sắp đến ngày chạp lớn trong năm, nhà cửa chưa kịp dọn dẹp...

Trao 1.150 phần quà cho các hộ nghèo và ảnh hưởng lũ lụtMiễn phí ăn ở, vận chuyển cho các đoàn cứu trợ, thiện nguyện

Thế nhưng, đến nơi mối lo của tôi chỉ còn phân nửa. Quê nhà nước đã rút, đường sá thông quan. Hàng quán của mẹ dù nền còn ẩm ướt nhưng đã được kê lại phần nào. Mẹ kể, đều là nhờ mấy anh con O, rồi cậu nhà kế bên không ngại mưa lớn, nước lạnh, nước đến đâu kê hàng đến đó. Cũng may nhà có gác là những tấm ván lót nền được ba tận dụng từ cơn lũ lịch sử năm 1999 nên hàng hoá không vấn đề gì. Kinh nghiệm từ cơn đại hồng thủy năm 1999 đã cho ba thêm kinh nghiệm trong việc làm nền nhà cao gần cả mét so với mặt đường và gác lửng cũng là cách dự phòng cho những đợt lũ tương tự. Mẹ nhờ thế mà dù một mình chúng tôi cũng bớt nỗi lo về tính mạng khi con nước dâng cao.

Mẹ bảo, lũ lần này không thua là bao so với năm 1999 nhưng gần như tài sản không hư hại mất mát gì nhiều. Năm 1999, ba mẹ tưởng như trắng tay khi nhà chấm mái, toàn bộ công trình bằng gỗ, tre lắp ráp nổi trên thửa ruộng thuê đầu đường làng. Hàng hoá, vật dụng trôi không còn thứ gì. Sau lũ nhìn mọi thứ tan hoang. Có lúc ba mẹ chán nản muốn bỏ cuộc nhưng rồi họ vẫn vực dậy làm lại từ đầu. Chị em chúng tôi cũng nhờ thế được ăn học đến đến chốn.

"Bây giờ lụt cũng gần tương tự, không thiệt hại nhiều nhưng được hỗ trợ nhiều lắm". Mẹ nói rồi chỉ về đống mì gói và gạo chất cao trong nhà. Toàn bộ quà hỗ trợ đều là từ người trong làng đi làm ăn xa, trong đó cũng có những người ở nước ngoài.

Chúng tôi đang phụ mẹ dọn lại hàng hoá thì chị Liệu, cháu gọi mẹ bằng mợ đến kêu đi nhận quà cứu trợ của hội đồng hương làng từ nước ngoài. Quà chủ yếu là tiền mặt vì họ đã tìm hiểu về nhu cầu của người dân, khi thực phẩm đã quá đủ đầy. Thế nên, những người đại diện cho làng ở quê vận động bà con ủng hộ bớt mì gói cho các vùng lũ Quảng Trị, Quảng Bình. Nghe vậy, những người đi nhận hàng cứu trợ bằng xe máy, xe đạp hay đi bộ cũng đều có thùng mì gói mang theo. Mì nhiều đến nỗi chiếc xe tải đầu đình làng không còn chỗ chất, họ phải chở vào tập kết trong sân đợi xe khác đến. Mẹ tôi được các đoàn hỗ trợ 7 thùng mì gói cũng đã hỗ trợ lại 2 thùng, số còn lại hỗ trợ cho bà con nơi khác chỉ để lại 1 thùng phòng khi mưa bão lại.

Trên đường đi nhận quà hỗ trợ lũ lụt về, tôi nghe những người hàng xóm của mẹ nói với nhau rằng, "mình chỉ bị lũ, nước vào nhà nhưng không thiệt hại lớn. Ở ngoài kia (Quảng Trị, Quảng Bình) người ta khổ lắm, đói lắm, không có cơm, mì gói mà ăn, mình nhường cho họ một chút để giúp họ qua cơn ngặt nghèo, hoạn nạn"...

​​​​​​Đường về quê tôi hôm nay dường như sáng hơn. Đâu đó vẫn còn từng tốp người nghèo khó đi nhận hàng cứu trợ, song họ vẫn sẵn sàng cho đi khi có lời kêu gọi từ chính quyền. Tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" bây giờ có lẽ hợp hơn cả.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top