ClockChủ Nhật, 30/12/2012 00:07

Vùng "trắng" hồi sinh

TTH - Sau hơn 40 năm, Đông Sơn - nơi có sân bay A So đi vào chứng tích lịch sử đã "hòa nhập", không còn cảnh người "không dám ở", "không dám ăn", "không dám uống"... "Đất lành chim đậu", Đông Sơn bây giờ có 338 hộ với đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô và Kinh sinh sống hòa thuận.

Đã "ấm" cái bụng

Nằm cách trung tâm huyện chừng 18 km dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh về hướng tây nam, từ lâu, Đông Sơn nổi tiếng là vùng đất "chết" nhuốm đậm chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong thời kỳ chiến tranh, từ năm 1961 đến 1972. Sau ngày giải phóng, Đông Sơn (được tách từ xã Hồng Thủy từ năm 1992) là xã đặc biệt khó khăn do vừa nằm xa trung tâm huyện, tỉnh, giao thông trắc trở, đã vậy hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ để lại nặng nề nên đời sống đồng bào cực kỳ gian khổ. Vẫn chưa quên những gian truân thời đó, thầy giáo Lê Văn Hòa, lên an cư lập nghiệp tại A Lưới từ năm 1984 nhớ lại: "Ngoài khu vực đường băng, dây thép gai không ai dám mò đến và những bãi đất cằn cỗi, ven đường còn rải đầy những hố bom đọng thành từng vũng nước. Dân và cán bộ hồi đó phải bỏ nhiều công sức để đi lấp hố bom, trồng cây bồ kết, khoanh vùng nhiễm chất độc".

Những tuyến đường giao thông nông thôn cuối cùng được đẩy nhanh tiến độ

Từ khi có công bố tồn lưu một lượng lớn dioxin, vào năm 2002, huyện, xã tiến hành khoanh vùng "nguy hiểm" với khoảng 5 ha và tổ chức di dân nằm cách xa khu vực 500 m trở lên. Chủ tịch UBND xã Đông Sơn - A Viết Minh bảo rằng, hồi đầu, đồng bào trong xã và dân bản xứ lên đây đều cảm thấy bất an. Vừa lo bị ảnh hưởng dioxin, vừa sợ vì bom mìn vẫn còn sót lại.

Để an dân, chính quyền xã phải thường xuyên giải thích và hướng dẫn cách phòng tránh, cách sinh hoạt an toàn, hợp vệ sinh. Nào là không nên sử dụng nước sông, suối, ao hồ không đảm bảo; không ăn mở, gan, ruột của cá, gà, vịt, heo...; trồng nhiều cây xanh để làm lành môi trường, sạch chất đất. Nhờ thế, người dân đã yên tâm, tin tưởng chọn Hương Sơn làm nơi an cư.

Chở tôi trên chiếc xe máy đời mới, anh Minh khoe, toàn xã bây giờ đã có điện thắp sáng và bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn. Trường học, trạm xá đã được đầu tư xây mới. Những ngôi nhà tranh tre nứa lá đã được xây dựng, sửa chữa khang trang, chắc chắn theo phương châm "nhân dân làm, cộng đồng giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ". Vấn đề quan tâm nhất là nước sạch cho bà con. Nhưng vào cuối năm 2011, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ thông qua Bộ Ngoại giao đã đầu tư công trình nước tự chảy với hệ thống kiểm nghiệm chất lượng, xử lý đảm bảo trước khi cung cấp cho đồng bào. Đến nay, gần như các hộ đã có nước sạch sử dụng, chỉ còn khoảng 36 hộ đang được tiếp tục hỗ trợ đấu nối đường ống để hòa chung mạng nước sạch. "Giá nước ở đây rẻ hơn đồng bằng 645 đồng/m3. Những hộ thuộc diện hộ nghèo còn được miễn thêm 2m3/tháng", anh Minh thông tin thêm.

Sánh cùng "bè bạn"

Cả xã nay đã có hơn 500 ha rừng keo, không còn cảnh đốt nương làm rẫy. Hộ có ít nhất cũng gần 1 ha, hộ nhiều nhất lên đến 20, 30 ha. Có những thanh niên trẻ bây giờ đã sở hữu trong tay vài chục ha rừng. Nhờ có rừng, nhiều gia đình xây được nhà kiên cố, tậu xe máy, sắm đồ dùng gia dụng... Những đứa trẻ oặt eo trên tấm lưng của các mẹ, các chị giờ đã được đến trường học tử tế. Nhiều người đã biết "khát khao" vươn lên làm giàu như những tên tuổi Hồ Văn Tôi, Bèo, Pơ Loong Dặp, Pi Riu Han...

Những hàng dài cây bồ kết được trồng khoanh vùng nguy hiểm tại Sân bay A So

Mấy năm nay, bà con trong xã được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình, dự án của Nhà nước, của các tổ chức. Từ ngày có dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung tâm phát triển nông thôn khu vực miền Trung thuộc Đại học Nông Lâm Huế, người dân được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn vào chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng trọt rau dinh dưỡng, lúa, ngô..., thay cho cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả. Nhờ thế mà người dân đã tự cung tự cấp được lương thực thực phẩm hằng ngày và có thêm đồng vô đồng ra nhờ bán lợn, gà và rau màu. So với những địa phương khác, thu nhập của người dân không thấm vào đâu, nhưng đây thực sự là một nỗ lực lớn của đồng bào.

Qua lời giới thiệu của A Viết Minh - Chủ tịch UBND xã, chúng tôi có dịp tiếp xúc với Hồ Văn Bèo. Vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, anh đã xin về "đầu quân" cho UBND xã. Không riêng anh, nhìn vào hệ thống bộ máy cán bộ của xã Đông Sơn, phần lớn đều là lực lượng trẻ. Từ Chủ tịch đến Phó Chủ tịch cũng chỉ tầm thế hệ 7X. Tuy chưa dày dạn kinh nghiệm như những lớp cán bộ đi trước, nhưng bù lại, họ có trình độ, năng động, nên dân làng rất được nhờ. Ngay chuyện kêu gọi các chương trình dự án về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đến việc vận động người dân nhận đất trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc cũng là những thành tích đáng ghi nhận.

Càng phấn khởi hơn khi đề án "Khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chọn A Lưới, mà trọng tâm là khu vực sân bay A So - Đông Sơn làm nơi xây dựng khu chứng tích chiến tranh hóa học. Sẽ có một khu di, chứng tích tái hiện lịch sử chiến tranh hóa học Mỹ tiến hành ở Việt Nam đặt tại sân bay A So, khu vực thiên nhiên bị tàn phá và vùng đối chứng, khu tổ hợp trung tâm đặt tại ngã ba Bốt Đỏ và trung tâm chẩn đoán, điều trị cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chia tay Đông Sơn, nắng chiều như rót mật xuống những cánh đồng lúa được lấp từ những hố bom dày đặc. Không phụ lòng những thế hệ đã đổ bao xương máu, những người chịu khó bám trụ xây dựng quê hương, vùng "trắng" Đông Sơn ngày xưa giờ đang tiếp tục nở hoa.

Bài Tết

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top