ClockThứ Tư, 30/09/2020 17:39

Vươn lên làm kinh tế

TTH - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện A Lưới có chủ trương giao mỗi xã thực hiện một mô hình làm kinh tế giỏi để rút kinh nghiệm, nhân rộng và liên kết thông qua Hội Doanh nhân - Chủ trang trại CCB. Mô hình đã mang lại một số kết quả.

Xây dựng A Lưới phát triển mạnh hơn về kinh tế, đẹp hơn về văn hóa

CCB Hồ Văn Hồng chăm sóc đàn heo của gia đình

CCB Hồ Văn Hồng, người dân tộc Tà Ôi ở thôn I Reo (xã Hồng Thái), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, mặc dầu bộn bề với công việc của một xã đội trưởng, chi hội trưởng CCB thôn, nhưng anh bàn với vợ tranh thủ sự giúp đỡ của bà con và đoàn thể để vươn lên làm kinh tế giỏi.

Từng có kinh nghiệm nuôi trồng, nên anh Hồng mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng đầu tư hơn 1 ha vườn chuối xen canh cây đậu đen, rau khoai và nuôi cuốn chiếu hơn 40 con heo, 50 con gà. Lấy ngắn nuôi dài, từ vườn, chuồng thu được anh đầu tư cho 5 ha rừng đặc dụng. Anh Hồng tạo mô hình khép kín, từ chất thải của chuồng heo đưa xuống hầm bioga, lấy khí ga làm chất đốt và cấp điện sinh hoạt cho gia đình, giữ vệ sinh, môi trường.

Với thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng/năm, mô hình kinh tế của CCB trẻ Hồ Văn Hồng được xem là “mẫu” cho đồng bào dân tộc xã Hồng Thái đến tham quan học tập.

Ở xã biên giới Quảng Nhâm, có CCB trẻ Nguyễn Hải Teo, người Pa Cô, ở thôn Pi Ây-2, là chiến sĩ biên phòng hoàn thành nghĩa vụ quân sự về quê hương tham gia Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất-kinh doanh Nông sản sạch huyện A Lưới và là Phó Chủ tịch Hội CCB xã. Nhận thấy vùng đất ở quê có thể lập vườn chuyên trồng chuối hàng hóa và sẵn có đầu mối bao tiêu sản phẩm, CCB Teo với bản chất người lính biết lao động, không cam chịu đói nghèo đã vay các nguồn vốn trên 500 triệu đồng, tự mình mua máy trộn bê tông đúc cột, mua đất khoanh vườn, trồng hơn 2 ha chuối đặc sản và bưởi da xanh, thả gà đồi và nuôi 2 con bò giống. Lứa chuối ban đầu có hơn 100 buồng, mỗi buồng nặng hơn 30 kg bán được 100 ngàn đồng do hợp tác xã nơi anh làm việc tiêu thụ hết. Anh còn liên kết với hơn 200 hội viên để cung cấp sản phẩm nông sản chuỗi giá trị. Mô hình này ở xã Quảng Nhâm có hiệu quả hơn các loại cây trồng khác của các dự án trước đây.

Còn với CCB già Trần Xuân Thanh, người Pa Cô ở thôn Ca Cú 2, xã Hồng Vân, biết dựa vào thung lũng dốc Mèo đã thả hơn 30 con bò, 40 con dê, trồng hơn 30 ha rừng, đến nay đã cho thu hoạch.

Ở vùng dân tộc miền núi, những mô hình làm kinh tế có hiệu quả từ người trong dòng tộc có sức lan tỏa, được cộng đồng học tập. Khi người dân biết lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo bằng quyết tâm của họ và biết quý trọng công sức, tiền của đầu tư để mang lại lợi ích cho gia đình mình thì họ luôn trăn trở vươn lên.

Những người lính trở về quê hương đã tiên phong thực hiện chủ trương của huyện A Lưới, với những mô hình kinh tế có hiệu quả. Họ thực sự là những CCB gương mẫu.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Lưu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Return to top