ClockChủ Nhật, 18/11/2018 08:09

Vượt đồi tìm chữ

TTH - Học để khỏi lăn tay khi vay vốn, biết viết tên mình và lưu tên người khác vào điện thoại. Ước muốn của những phụ nữ ở xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) tưởng chừng đơn giản, song hành trình tìm con chữ của họ thật gian nan.

Bằng trái timKết nối và chia sẻ kiến thứcNgười có trái tim không già

Cô Nguyễn Thị Mến hướng dẫn “học sinh” đánh vần

Giúp chồng dạy chữ

Ở  địa bàn miền núi Phú Sơn, số người chưa biết chữ cao thuộc diện nhất, nhì thị xã Hương Thủy. Theo thôn trưởng Dương Văn Vinh, người dân sống rải rác trên các ngọn đồi. Muốn đến nhà văn hóa thôn, có người phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ. Đa số, họ đều làm nghề bóc vỏ cây nên đời sống bấp bênh. Thế nên, họ muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc hơn là đêm đêm mày mò tìm chữ. Tuy nhiên, lớp học xóa mù chữ mức 1 và 2 đã duy trì trong nhiều năm nay với chừng khoảng 30 người.

Hôm chúng tôi đến lớp xóa mù chữ ở thôn 4 xã Phú Sơn, gặp cô giáo Nguyễn Thị Mến đang say sưa giảng bài. Cô bảo, lớp học này do chồng cô, thầy giáo Châu Văn Minh, giáo viên ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Thủy đứng lớp. Hai năm nay, sức khỏe của thầy không được tốt, thầy Minh được Ban giám hiệu ưu tiên không bố trí thời gian đứng lớp mà chỉ phụ trách công tác phổ cập ở xã Phú Sơn. Thế nhưng, cô Mến muốn đồng hành cùng chồng. Những hôm thầy khỏe, cả hai cùng đến lớp, còn đa số các tiết học do cô Mến đảm nhận.“Ban đầu, tôi chỉ muốn san sẻ công việc cho chồng, nhưng khi dạy, tôi thấy bóng dáng mẹ mình trong đó. Ngày xưa, mẹ tôi cũng học ở lớp xóa mù chữ như thế này, tôi hiểu nổi vất vả khi không biết chữ, nên tôi muốn làm nhiều điều cho họ. Hơn nữa, sự chân thật, mộc mạc của bà con nơi đây như một sợi dây vô hình níu tôi ở lại”.

Cô Mến hiện là giáo viên dạy Anh văn Trường THPT Cao Thắng (TP. Huế). Mỗi tuần 6 buổi, hai vợ chồng thay phiên nhau lên Phú Sơn dạy hai lớp xóa mù ở thôn 3 và 4 đã được 4 năm nay. Lớp học bắt đầu từ 19 giờ, nhưng cứ sau tiết dạy cuối ở trường trung học, cô Mến lại đến Phú Sơn để đợi bà con. “Tôi chỉ sợ họ không đến lớp học này nữa. Thế nên, hễ có người vắng mặt tôi sẽ đến tận nhà để vận động. Còn không tôi tranh thủ thời gian để soạn giáo án. Mỗi người đều tiếp thu khác nhau nên chương trình học sát với năng lực của từng người mới giúp họ mau tiến bộ”. Cô giáo sinh năm 1972 lý giải việc, làm mọi cách để giữ học trò.

Bà Nguyễn Thị Dẽo, 57 tuổi ở thôn 4, tâm sự: "Cô Mến dạy rất dễ hiểu, lắm lúc dạy quên cả giờ khi cả lớp ra về thì ngoài trời tối mịt. Nhờ có cô Mến mà tui đã biết lưu số diện thoại của con, biết kí vào sổ nhận trợ cấp hộ nghèo. Có những lúc gặp khó khăn, cô giáo luôn động viên giúp đỡ. Cô tặng chúng tôi kính để đọc chữ dễ dàng hơn. Mỗi khi học viên đau ốm, cô đến nhà thăm hỏi khiến mọi người cảm động.

Khi chúng tôi hỏi những khó khăn khi đến với lớp xóa mù chữ ở Phú Sơn, cô Mến cười hiền lành: “Tôi không xem đó là những khó khăn mà là kỷ niệm. Đó là khi trời sang đông, mưa dầm dề, đường lầy lội, học viên phải vận chuyển cây lên xe rồi mới đến lớp học. Bất kể thời gian, hễ có người đến học, tôi lại kiên nhẫn chờ đợi. Có khi xe hư, có hôm nhầm đường, tôi trở về Huế thì đã gần sang ngày mới. Bởi đoạn đường từ các thôn ở xã Phú Sơn ra Quốc lộ 1A, phải vượt qua nhiều ngọn đồi khi đường rất tối, ngót nghét gần 20km mới về đến nhà. Thế nhưng, chiếc xe máy của tôi lúc nào cũng nặng ân tình khi học viên buộc sau xe đọt măng, nải chuối...".

Học chữ lúc... “xế chiều”

75 tuổi, bà Nguyễn Thị Thuyền ở thôn 4 vẫn chống gậy, soi đèn pin để đến lớp học xóa mù chữ mức 1. Bà phải vượt qua ba ngọn đồi, mất hơn 30 phút, mới đến được lớp học. Ấy vậy mà chẳng bao giờ bà nghỉ học, dẫu trời mưa to, đường sá lầy lội. Bà cười, khóe mắt ánh lên niềm vui khi khám phá được bao điều thú vị từ con chữ. Ngày trước nhà quá nghèo, anh chị em đông, bà không được đi học. Sau này, bà có đến các lớp bình dân học vụ, biết đánh vần, biết viết nguệch ngoạc vài ba chữ nhưng không ôn luyện nên cứ rơi rụng dần. Thế nên, hôm cô giáo đến nhà vận động, người bà cứ lâng lâng, khát khao viết được tên mình, tên chồng và tên gần chục đứa cháu nội, ngoại trỗi dậy. Bà bàn bạc với chồng, muốn đi học chữ… và được động viên đến lớp.

Hai vợ chồng bà Thuyền ở trên một ngọn đồi cao, con cái đều có gia đình và ở xa bố mẹ. Chồng bà ở tuổi 80, biết được mặt chữ nhưng không nhiều, nên đồng ý để vợ đến lớp. “Tôi không chỉ học cho mình mà còn bày lại cho chồng tập đọc, tập viết kẻo lâu ngày ông cũng quên mặt chữ. Từ khi biết đọc, biết viết, tôi như người mù tìm thấy đường đi”.  Bà Thuyền bộc bạch. Bao nhiêu thứ như bị dồn nén khi không biết chữ khiến nhiều người sống trong mặc cảm, tiếc nuối. Thế nên, không ít người quyết tâm đến lớp, dẫu muộn còn hơn không. “Thấy tôi chưa biết chữ, thầy cô đến tận nhà động viên đi học lớp xóa mù. Mới đầu, chồng tôi không cho đi học nên đêm đêm tôi đều “trốn” để được đến lớp. Thấy tôi học xong lớp xóa mù mức 1, tính toán thành thạo, lại còn bày cho cháu nội đánh vần nên giờ đây ông ấy còn chở tôi đi học”. Bà Trần Thị Lý ở thôn 3 cười mãn nguyện.

Những học trò lớn tuổi, như bà Thuyền hay bà Lý đi học ở lớp xóa mù chữ không còn là chuyện hiếm ở vùng đất này. Bà Nguyễn Thị Chuối và Nguyễn Thị Tho đều xấp xỉ tuổi 80. Hay như cô Sính, cô Hoa trẻ nhất, nhì lớp học cũng đã có gần chục đứa cháu nội, ngoại, đêm đêm chúng tháp tùng các bà đi học khi đường về xa ngái. Mỗi người đến với lớp học đều có những mong muốn khác nhau. Người còn sức lao động mong biết những con số để đếm được cây tràm, tính tiền công hàng ngày cho chính xác. Người muốn viết được tên mình, không còn lăn tay, điểm chỉ khi ra chính quyền làm thủ tục, giấy tờ liên quan. Có người muốn tìm đúng số giường, số phòng khi vào bệnh viện thăm người bệnh, không phải đi vòng vèo như trước. Cũng có chị học chữ để cho “bõ tức” vì nhiều khi đi chợ người ta trả nhầm tiền mà không biết.

Chia tay lớp học, chúng tôi về thành phố trong đêm, vẫn nghe văng vẳng tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh như xua đi cái tĩnh lặng của núi rừng. Vượt lên khó khăn, họ đã biết yêu quý con chữ, xem việc học là cái đích để cải thiện cuộc sống cũng như thỏa niềm đam mê khám phá tri thức dẫu ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học chữ, kể chi tuổi tác

Khi phiên chợ chiều tan, cũng là lúc nhiều phụ nữ ở xã Phú Diên (Phú Vang) lại rủ nhau đi học. Họ quyết tâm đi tìm con chữ, viết và ký được tên mình để không còn phải lăn tay, điểm chỉ…

Học chữ, kể chi tuổi tác
Những học sinh “đặc biệt”

Mở lớp học, kiên trì vận động các chị 6X, 7X đêm đêm đến lớp là nỗ lực của Hội LHPN xã Phong Xuân (Phong Điền) giúp nhiều phụ nữ tìm lại con chữ bị bỏ qua thời thơ trẻ.

Những học sinh “đặc biệt”
Gọi chữ về cho đồng bào...

Giữa bạt ngàn rừng núi, tiếng đọc bài của các mẹ, các chị người Cơ tu ở Nam Đông vang lên nghe vui và thương đến lạ.

Gọi chữ về cho đồng bào
Không cần thiết phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1

Chương trình công nghệ tiếng Việt lớp 1 được áp dụng ở các trường tiểu học trong toàn tỉnh. Với phương pháp này, học sinh không cần phải học trước, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phụ huynh đua nhau cho con học thêm để các em đọc thông, viết thạo.

Không cần thiết phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1
Return to top