ClockThứ Sáu, 22/05/2015 17:50

Vượt lên chính mình

TTH - Bước ra từ nạn tảo hôn, thấu hiểu được nỗi khổ khi lấy chồng sớm, chị Lê Thị Lân (sinh năm 1985) trú tại thôn A Lưới, xã Hồng Quảng (A Lưới) quyết tâm làm kinh tế, đem hết khả năng của mình đi tuyên truyền, ngăn chặn nạn tảo hôn.

Lận đận vì tảo hôn

Chúng tôi đến thôn A Lưới cũng là lúc chị Lân vừa từ trụ sở UBND xã Hồng Quảng về. Giữa trưa nắng rát, dừng xe bước xuống nhà, chị lật đật vào lấy cám đã nấu sẵn từ buổi sáng cho lợn ăn, sau đó tranh thủ qua xem đàn gà giống. Việc nhà, việc xã hội chồng chất nhưng với chị, cuộc sống hiện tại đã đỡ vất vả hơn lúc trước – khi chị về nhà chồng lúc 17 tuổi.

Chị Lân tại trụ sở UBND xã Hồng Quảng

Nhễ nhại mồ hôi trên mặt, chị Lân kể, năm 2002, sau khi học hết trung học cơ sở, chị bỏ học để đến với cuộc hôn nhân bị cả hai gia đình ngăn cản. Không lâu sau, đứa con đầu lòng chào đời. Tình yêu lúc đó còn non dại, cả hai người không một ai suy nghĩ được tương lai sau này. Về làm dâu, làm vợ, làm mẹ lúc bản thân còn quá thiếu kinh nghiệm, người con gái chốn vùng cao này cảm giác như bị tảng núi đè nặng cả hai vai, ngột ngạt, khó chịu đến cùng cực.

Nhận ra cái sai, một năm sau, vừa làm nương rẫy, chị Lân tranh thủ học thêm lớp bổ túc văn hóa. Vất vả vì vừa phải làm tròn trách nhiệm trong nhà, nhưng khao khát con chữ “đến muộn” với một người từng bỏ học đã khiến chị càng quyết tâm. Năm 2005, công việc gia đình buộc chị gián đoạn việc học. Hai năm nghỉ ở nhà, không ngày nào chị không suy nghĩ về chuyện đến trường. Được chồng ủng hộ, năm 2007, chị Lân “cơm đùm gạo bới” vào Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng học trung cấp mầm non. Chị bày tỏ, nhờ tấm bằng trung cấp, chị mới có 5 năm được làm cô giáo dạy trẻ hợp đồng ở 3 Trường mầm non Hương Nguyên, Sơn Thủy, Đông Sơn (A Lưới).

Hết hợp đồng giảng dạy năm 2012, cô giáo Lê Thị Lân một lần nữa về lại với nương rẫy, chăn nuôi và cũng chính từ sự quyết tâm, ý thức học tập, chị được bầu làm Phó Bí thư Xã đoàn ngay trong năm 2012. Là “nạn nhân” của tảo hôn, chị Lân như có duyên trong việc tuyên truyền về tệ nạn này. Sau khi có con, chị vào tham gia Hội Phụ nữ xã Hồng Quảng và được nghe tuyên truyền về vấn đề này. Khi làm cán bộ cụm ở thôn, chị tham gia tuyên truyền ngăn chặn nạn tảo hôn bằng cách vận động ý thức người thân và hàng xóm. Với vai trò mới - Phó Bí thư Xã đoàn, công việc chính của chị cũng là tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn xã hội cho đoàn viên thanh niên.

Sửa sai

Trò chuyện với chị, chúng tôi thấy mắt chị đỏ hoe, như muốn khóc khi nhắc lại chuyện tảo hôn mà chị từng hối hận. Sau lần sai đường đó, ý thức ngăn chặn nạn tảo hôn đã xuất hiện trong đầu người phụ nữ. Qua từng vai trò, chị dốc hết sức để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền không để giới trẻ sa vào “vết xe đổ” của mình. Theo chị, giúp cho người dân hiểu và tránh được hủ tục là niềm vui an ủi cho bản thân mình. Cách vận động của chị Lân khá đơn giản, nhưng là một sự can đảm rất lớn: “Tôi lấy câu chuyện của chính mình ra chia sẻ với xã hội. Có người bảo, đi tuyên truyền mà bản thân mình vi phạm thì nghe làm chi khiến tôi cũng thấy mặc cảm. Cố gắng thuyết phục rồi từ từ mọi người cũng đồng cảm và nghe theo”, chị Lân tâm sự.

Vừa làm công tác xã hội, chị cũng vừa phấn đấu trở thành một người mẹ đảm đang, trách nhiệm với chồng con. Năm 2014, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hướng dẫn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách, chị Lân học tập cách chăn nuôi rồi đầu tư mua 30 con lợn và nuôi 200 con gà, 1 con bò, trồng thêm 1ha sắn, 2 sào ngô phát triển kinh tế gia đình, đưa con cái học hành đàng hoàng. Nhờ vào sự nỗ lực của cả hai vợ chồng, cuối năm 2014, họ xây được căn nhà hơn 100 triệu đồng từ số tiền tiết kiệm.

Chị Lân cũng đề ra những kế hoạch cho tổ ấm của mình để xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó có việc giữ khoảng cách giữa hai lần sinh con, nhờ vậy, hai cháu chị cách nhau đến 8 tuổi. “Có trải qua mới biết, tảo hôn khổ lắm. Tuổi trẻ cưới sớm không biết cách làm kinh tế và nuôi con. Thấy con họ đi học có sữa, bánh kẹo, con mình không có mà tủi và thương vô cùng. Từ đó cố gắng làm ăn, lập kế hoạch sinh con để nuôi dạy cho tốt và vận động người khác ổn định, chín chắn trước khi lập gia đình mới bớt khổ”.

Nhắc đến chị Lân, bà Lê Thị Khin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Quảng tấm tắc: “Lân là một hội viên mới nổi lên từ phong trào phát triển kinh tế gia đình. Vượt qua những mặc cảm bản thân và lỗi lầm quá khứ, cô ấy đã giúp cho nhiều người hiểu được những hệ lụy từ việc tảo hôn. Đó là một người phụ nữ trẻ nhưng đáng khen ngợi”.

Khi hỏi về những mơ ước, chị Lê Thị Lân cho rằng, hy vọng lớn nhất của đời chị là làm sao tuyên truyền được đến nhiều người tránh được tảo hôn và các tệ nạn xã hội. Để thực hiện mơ ước ấy, hằng ngày chị vẫn miệt mài vừa làm tốt việc gia đình vừa dành hết tâm huyết cho bản làng quê hương.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào tháng cao điểm tiêu thụ điện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024 và hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2024, ngày 20/4, xã Phú Gia (Phú Vang) tổ chức khánh thành nghĩa trang liệt sĩ. Tham dự có ông Lê Trường Lưu -UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia
Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng

Ngày 20/4, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh, Xã đoàn Hương Thọ (TP. Huế) và Trường tiểu học Hương Thọ tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho đoàn viên thanh niên các đơn vị và chiến sĩ mới.

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng
KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY SINH VLADIMIR ILICH LENIN (22/4/1870 - 22/4/2024)
Tư tưởng của Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

V.I. Lênin (1870 - 1924) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở thành phố Simbirsk (nay là Ulianovsk), Lênin đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng chống lại sự tàn bạo, thối nát của chế độ Nga Sa Hoàng đương thời. Ông sớm nhận thấy bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết C.Mác và đã phát triển học thuyết một cách toàn diện trên cả ba bộ phận hợp thành từ triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Tư tưởng của Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Return to top