ClockThứ Tư, 08/01/2020 15:00

Vượt lên chính mình

TTH - Dù bị khuyết tật bẩm sinh ở đôi chân song biết vượt lên chính mình, anh Nguyễn Nghị (thôn Cổ Xuân - Quảng Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi.

Vượt lên chính mìnhVượt lên giới hạnKhông đầu hàng số phận

 Trang trại gà của anh Nghị đang phát triển tốt

Anh Nghị chia sẻ: “Tôi nhận ra được mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống. Có rất nhiều con đường để lập nghiệp và thành công. Chỉ cần có sức khỏe và sự quyết tâm, nghị lực vượt qua hoàn cảnh, thì ngay cả làm lụng loanh quanh đồng đất làng cũng có thể kiếm được nguồn thu nhập ổn định”.

Cảm phục trước nghị lực vượt qua hoàn cảnh khuyết tật của Nghị, cô gái Lê Thị Hường ở xã Phong Chương đã đem lòng yêu thương, rồi nên duyên vợ chồng. Sau ngày cưới vào năm 2013, lần lượt 3 cô con gái của họ ra đời. Để có điều kiện cho con ăn học, Nghị bàn với vợ mở rộng quy mô trang trại.

Cơ ngơi của anh có gia trại rộng hơn 1.000m2 trồng thanh trà, bưởi da xanh, cam và nuôi cá, nuôi già, heo... Với lợi thế gần mương thủy lợi nên gia trại thường xuyên có nguồn nước sạch cung cấp cho ao cá, tưới cho cây trồng và vệ sinh chuồng trại. Anh dùng phân chuồng, phân gà để bón cho cây, hạn chế dùng các loại phân hóa học.

Anh xây hệ thống chuồng cao ráo, mùa hè mát, mùa đông ấm, nuôi 10 lợn nái; 2 trại gà thịt, mỗi trại có 1.000 con (6 lứa/năm), 200 vịt xiêm cùng ao cá trắm cỏ, chép, mè, rô phi… Mô hình kinh tế VAC của anh cũng là hướng đi phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, đồng thời khai thác được tiềm năng, thế mạnh kinh tế vùng gò đồi.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết: Mô hình kinh tế với đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi là cuộc sống mà nhiều người bình thường ngưỡng mộ và ao ước, huống chi đối với một người khuyết tật như anh Nghị thì càng đáng khâm phục hơn.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Xuân đánh giá: Anh Nghị là nông dân chịu khó trong học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất, vì thế nên cách làm kinh tế của anh đã mang lại hiệu quả. Anh cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ bà con trong trồng trọt, chăn nuôi.

“Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự phấn đấu không ngừng của bản thân, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, Hội Người khuyết tật huyện Phong Điền đã tổ chức tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao”, anh Nghị tâm sự.

Ông Nguyễn Bá Việt, Bí thư Chi bộ thôn Cổ Xuân - Quảng Lộc nói: “Dù là người khuyết tật nhưng anh Nghị rất năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc xã hội và các hoạt động của địa phương. Anh luôn tích cực tham gia công tác xã hội như: Vận động Nhân dân đóng góp xây dựng quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, hiến đất làm đường giao thông nông thôn…”.

Ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Phong Xuân thông tin: Phong Xuân hiện có gần 40 hội viên người khuyết tật đang sinh hoạt, anh Nguyễn Nghị là một trong những hội viên tiêu biểu trong các phong trào của Hội và được nhiều người tin yêu, quý mến.

“Hội Người khuyết tật huyện Phong Điền hiện có 623 hội viên đang sinh hoạt tại 14 hội cơ sở xã, thị trấn. Đa phần trong số họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Anh Nghị chính là tấm gương sống để người khuyết tật học tập, vượt qua chính mình, vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Phong Điền chia sẻ.

Bài, ảnh: Tiến Dũng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Return to top