ClockThứ Sáu, 20/11/2015 10:30

Vượt lên chính mình vì học sinh

TTH - Bệnh tật bủa vây, những cơn đau hành hạ, nhưng vợ chồng thầy Đoàn Văn Tùng và cô Nguyễn Thị Nhiễu vẫn cười tươi trên bục giảng. Với họ, hạnh phúc bên học trò là liều thuốc xoa dịu những cơn đau…

Cô Nhiễu luôn tâm huyết trong từng buổi dạy

Nỗi khổ giữ riêng mình

Thầy Trương Cảnh Tuân, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Quảng Phú nhận định: “Hai vợ chồng thầy Tùng rất nhiệt tình trong công tác, có những tham mưu để xây dựng các hoạt động của nhà trường. Dù bệnh tật nhưng họ vẫn nỗ lực hết sức để đứng lớp, đảm bảo chuyên môn. Họ cũng có nhiều thành tích đáng khen như được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Chúng tôi đến Trường tiểu học số 1 Quảng Phú (Quảng Điền) lúc thầy Đoàn Văn Tùng (sinh 1972) vừa nghiêng nét phấn viết lên bảng bài học “Có chí thì nên”. Bằng những lời giảng dịu dàng đi kèm ánh mắt trìu mến, có lẽ đây là bài giảng mà thầy hết sức tâm huyết.
Giờ ra chơi, chúng tôi có dịp trò chuyện với hai vợ chồng giáo viên được cả trường yêu mến. Vẫn giọng nói chậm rãi, thầy Tùng kể về cuộc đời mình. Là sinh viên học cùng lớp ở Trường cao đẳng Sư phạm Huế, năm 2002, thầy Tùng quyết định “rước” cô giáo người Thanh Hóa về quê. Sau ngày cưới, vợ vượt phá đến Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc), chồng theo đò qua Trường tiểu học Quảng Công (Quảng Điền). Bốn năm mỗi người một phương, đứa con đầu lòng phải theo mẹ đến nơi công tác. Cũng trong khoảng thời gian xa vợ, thầy Tùng phát hiện mình bị viêm gan B, cơ thể dần mệt mỏi và phải điều trị với số tiền lên đến vài triệu đồng/tháng trong khi đồng lương chỉ mấy trăm nghìn đồng. Kể đến đây, thầy Tùng buồn bã: “Năm 2008, chúng tôi đoàn tụ. Niềm vui chưa lâu thì khó khăn một lần nữa xô dồn khi bác sĩ kết luận vợ mắc chứng suy thận nặng. Mỗi tuần phải chạy thận 3 lần và tranh thủ hết sức để không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. Tiền bỏ ra nhiều vô kể. Chúng tôi đối mặt với vô vàn nỗi lo, sự tuyệt vọng”.
Soạn bài giảng ở bệnh viện
Đúng như lời các giáo viên Trường tiểu học số 1 Quảng Phú nói, sự buồn bã chỉ hiện lên mỗi khi có ai hỏi chuyện ốm đau, đến giờ lên lớp họ lại là những thầy cô giáo nhiệt tình tâm huyết. Đứng quan sát họ giảng bài, chúng tôi mới thấy rõ những quyết tâm của hai “bệnh nhân” đặc biệt. Những cái xoa đầu yêu thương học trò, lời giải thích nhẹ nhàng nhưng kỹ lưỡng. Họ truyền kiến thức cho học trò bằng tấm lòng của người cha, người mẹ dạy dỗ con cái.
Cô Nguyễn Thị Nhiễu tâm sự, có lẽ với hai vợ chồng, niềm hạnh phúc đằng sau gia đình chính là trường lớp. Ký ức về những ngày tháng khó khăn lúc vượt phá, tình cảm thầy trò bên lớp học nghèo những ngày mới bước lên bục giảng đã khiến họ tâm nguyện “trọn tình” với sự nghiệp giáo dục. Cô Nhiễu nhớ lại: “Lúc đó, tình cảm cô trò sâu sắc lắm. Vì quá thương học trò, tui từng đạp xe tìm từng nhà, bỏ tiền túi cho các em thi học sinh giỏi. Khoảng thời gian vượt phá Tam Giang đi dạy, hai vợ chồng nhiều lần bị rơi xuống nước. Nhưng mỗi mùa mưa bão, đi lại khó khăn nhưng niềm vui của chúng tôi là khi đến lớp, thấy học trò đã ngồi đợi sẵn”.

Thầy Đoàn Văn Tùng và cô Nguyễn Thị Nhiễu dạy con từ chính nỗ lực vượt khó của mình

 
Theo chân vợ chồng thầy Tùng về nhà sau giờ giảng. Căn nhà cấp 4, không mấy khang trang nhưng đó cũng không phải là tài sản của họ, mà chỉ là sống tạm ở nhà ba mẹ. Thầy Tùng bảo: “Chừ dạy về, ăn cơm rồi lại chở vợ đi chạy thận. Thôi thì nghèo tiền nghèo của, nhưng cố gắng giàu tình cảm với học trò vậy”.
Lật những trang giáo án, thầy Tùng chỉ, đây chính là những bài giảng của hai vợ chồng trên chiếc giường bệnh. Nhà trường tạo điều kiện sắp xếp giúp đỡ lịch dạy phù hợp. “Hầu như mấy năm gần đây chúng tôi không có ngày nghỉ, ngày tết cũng phải chạy thận. Biết nhà trường thông cảm cho mình nên hai vợ chồng dặn nhau phải quyết tâm hơn nữa. Soạn bài giảng ở bệnh viện, tranh thủ nghiên cứu làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy là điều mà chúng tôi cố gắng hết sức để bù lại công ơn của ban giám hiệu và các đồng nghiệp đã thương chúng tôi”, thầy Tùng kể.
Trò chuyện với chúng tôi, lớp trưởng lớp 4/2 Lê Thị Phương Uyên kể: “Thầy Tùng hiền lắm. Dạy chúng em dễ hiểu mà nói nhẹ nhàng như ba mẹ. Ở lớp em, bạn mô cũng thương thầy cô vì biết hai thầy cô cũng thương tụi em nhiều”.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top