ClockThứ Sáu, 28/07/2017 05:21

Vượt lên giới hạn

TTH - Mang trong mình thương tật do chiến tranh nhưng vợ chồng ông Trần Đình Hà và bà Ngô Thị Kính, trú tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy vẫn qvượt lên hoàn cảnh làm kinh tế giỏi, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách.

Ngoài nuôi cá để tạo thu nhập, vợ chồng ông Hà còn nuôi một hồ cá trước nhà để mời khách khi họ ghé thăm

Tự mình vươn lên

Năm 1979, vết thương do chiến tranh tái phát khiến ông Trần Đình Hà (sinh năm 1946) bị cưa mất cánh tay trái, sau đó nghỉ luôn công việc cán bộ thuế ở huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy). Ông kể, gia cảnh lúc đó khó khăn, nội ngoại đều đã già. Loay hoay tìm công việc để nuôi sống gia đình, cuối cùng nghĩ đến hướng phát triển kinh tế trang trại. Sau khi có ý tưởng nuôi vịt, hai vợ chồng nhờ đến một người bạn làm cùng nghề hỗ trợ 50 con vịt giống ban đầu. “Thời điểm đó thiếu vốn, bạn bè thương tình nhưng chúng tôi cũng dặn lòng làm sao nhanh chóng hoàn lại số vốn ấy”, ông Hà nói.

Thuở đó, người làm kinh tế trang trại rất ít nên ông Hà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi vịt từ nhỏ ở gia đình. Bằng sự cần cù, chịu khó, chỉ một năm sau, số vịt trong trang trại nhỏ của ông Hà đã tăng lên khoảng 1.500 con. Mỗi đợt xuất bán, ông đều giữ lại khoảng 500 vịt giống cho đợt nuôi tiếp theo.

Nhận thấy nghề nuôi vịt đã ổn định, hai vợ chồng thương binh (ông Hà thương binh hạng 1/4, bà Kính thương binh hạng 3/4) bàn tính chuyện vay ngân hàng tiền để thuê 17 ha diện tích mặt hồ của hợp tác xã, thả nuôi hơn 10 nghìn con cá đủ loại như trắm, mè, trê, chép, rô phi, phát lát… Chỉ một thời gian ngắn khi đã thạo nghề nuôi cá và trả được số nợ, hai vợ chồng lại tiếp tục vay tiền để làm hồ ươm cá giống, nhằm chủ động đầu vào, tiết kiệm kinh phí.

Năm 1989, bà Kính nghỉ công việc ở địa phương theo chế độ, sau đó phụ chồng phát triển thêm đàn vịt và cá. Sự đồng tâm hiệp lực của đôi vợ chồng thương binh nhanh chóng giúp họ xóa được những khoản nợ. Bình quân mỗi năm, trừ tất cả các khoản chi phí, trả nợ, họ cũng dư được khoảng 30 – 35 triệu đồng. “Nhờ số tiền đó mà chúng tôi trang trải được nhiều khoản chi tiêu và sau này xây được căn nhà cho con trai”, bà Ngô Thị Kính kể thêm.

Nhớ về thời mới bắt đầu nuôi vịt, thả cá, ông Hà khẳng định bằng bốn từ: vô vàn khó khăn. Do mang thương tật trong người nên cả hai vợ chồng không nhanh nhẹn được như người khác. Bên cạnh đó, khó khăn vì thiếu vốn, nhiều năm việc chăn nuôi bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh nên không ít lần đẩy hai vợ chồng vào cảnh nước mắt ngắn dài. “Nhớ nhất là sau trận lũ lịch sử năm 1999, hồ cá bị vỡ, mất trắng, lỗ khoảng trăm triệu đồng. Buồn bã nhưng hai vợ chồng không bi quan mà quyết tâm vay vốn ngân hàng làm lại từ đầu. Sự cố vỡ hồ hay vịt chết do dịch thì nhiều lắm nhưng sau mỗi lần như thế, chúng tôi không bỏ cuộc mà quyết tâm làm lại. Nhà nước còn khó khăn, có hỗ trợ được chừng nào quý chừng ấy, song không nên trông chờ, ỷ lại vào chính sách mà phải tự mình cố gắng để giúp gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn, có thế con cái mới được sung sướng”, hai vợ chồng thương binh cùng khẳng định.

Dạy con làm giàu

Bước sang tuổi 65, ông Hà giao lại các hồ cá và trang trại vịt cho con (năm 2011), nhưng vẫn hỗ trợ các con công việc trông coi và hướng dẫn kỹ thuật bằng kinh nghiệm suốt hơn 30 năm có được.

Theo ông Hà, bản thân tuy mang thương tật nhưng biết cố gắng làm ăn, tích lũy kinh nghiệm từ thất bại, con cái ở trong nhà thấy rõ đều đó nên dễ dạy. Điều cơ bản nhất trong những lời khuyên cho con là phải biết tự mình cố gắng làm ra đồng tiền, mọi nguồn của cải khác là cần thiết nhưng không bền vững.

Lời dạy cùng sự giúp đỡ của vợ chồng ông Hà đã giúp hai người con trai đưa cơ ngơi của cha “vươn tầm”. Ngoài vịt và cá, họ còn “lấn sân” sang nuôi heo, bò.

Bà Võ Thị Nghệ, cán bộ chính sách xã Thủy Phù đánh giá, ở địa phương, vợ chồng ông Trần Đình Hà là thương binh rất giỏi làm kinh tế. Hiện tại bước qua tuổi 70, họ truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho con và đều thành công. Đây là một gia đình khá nổi bật về làm kinh tế.

Chia tay chúng tôi, hai vợ chồng thương binh khẳng định, mong ước của cha mẹ là thấy con cái thành đạt. Niềm vui mà đôi vợ chồng thương binh già có được là tạo được điểm tựa để các con vươn lên, kiếm tiền chân chính từ nghề và những lời dạy của mình.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đam mê vượt lên bệnh tật

Giữa tháng 12 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra giải đấu Vietnam Powerlifting Competition (VPC) 2023. Giải đấu có sự góp mặt của nhiều vận động viên trên toàn quốc, trong đó có đội tuyển Powerlifting đến từ Huế, do anh Nguyễn Thanh Vỹ (1997) dẫn dắt. Rời Sài Gòn, các bạn trẻ Cố đô mang theo vinh quang trở về khi cả 4 thành viên đều giành được huy chương. Trong đó, phải kể đến vận động viên (VĐV) Hoàng Trần Trọng An (1999) khi mà mới hơn 2 năm trước, VĐV này vẫn còn tuyệt vọng vì thoát vị đĩa đệm nặng, có nguy cơ liệt vĩnh viễn.

Đam mê vượt lên bệnh tật
Ông Y vượt lên khuyết tật làm kinh tế

Vượt qua chướng ngại từ khiếm khuyết trên cơ thể, ông Nguyễn Văn Y đã tận dụng lợi thế sẵn có để gây dựng nên cơ ngơi khang trang ngay trên quê hương Phong Bình (Phong Điền).

Ông Y vượt lên khuyết tật làm kinh tế
Giới hạn

Ngày thứ ba 29/3 -một ngày sau khi lễ trao giải Oscar đã khép lại, Will Smith - người vừa được trao tặng danh hiệu danh giá “Nam chính xuất sắc” với vai diễn trong King Richard - đã lên tiếng xin lỗi về hành động tát vào mặt Chris Rock - MC của buổi lễ ngay tại sân khấu trao giải.

Giới hạn
Vượt lên nỗi đau da cam

Là những nạn nhân chất độc da cam, nhưng họ đã vượt lên nỗi đau, đóng góp cho cộng đồng, quê hương A Lưới.

Vượt lên nỗi đau da cam
Return to top