ClockThứ Năm, 07/01/2016 14:32

Vượt qua “hao khuyết”

TTH.VN - Chồng mất sớm, bà Lê Thị Xuân (54 tuổi, trú tại 137 đường Xuân 68, TP Huế) mấy chục năm một mình thân cò lặn lội. Tấm lòng mẹ là “ngôi nhà” vững chắc, ấm áp, che chở cho những đứa con bệnh tật đi qua hiểm nghèo sinh tử, cùng chia sẻ cuộc sống lạc quan, hi vọng...
 

Bà Xuân tảo tần mưu sinh làm chỗ dựa cho các con

“Thân cò” nghị lực

Mấy tháng nay, người dân sống tại khu vực cuối đường Xuân 68, TP Huế đã quen với hình ảnh người phụ nữ tuổi xế chiều mái tóc điểm sương, bước chân khập khiễng, sáng sớm lụi hụi trước hiên nhà quạt bếp than cho hồng rực. Bắc lên chiếc chảo lớn, bà luôn tay lật trở vớt ra những chiếc bánh chưng, bánh tét chiên giòn bốc khói thơm tho. Khi khách mua quà sáng vơi dần, bà quay qua gọt khoai, chuối, pha bột chế biến món bánh chiên ngọt ngào nóng hổi giá chỉ 2 nghìn đồng/ chiếc. Luôn nở nụ cười với khách, nhưng nụ cười tươi nhất, ấm áp nhất bà dành cho con trai bị méo đầu, lồi mắt, liệt mặt và cô con gái bị điếc hoàn toàn...

Cách đây 22 năm, chồng qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, bà Xuân như ngã quỵ trước cú đánh nghiệt ngã của số phận. Nhưng lúc đó, 3 đứa con còn thơ dại, cặp song sinh “út ít” một trai một gái chỉ mới 5 tuổi, bà phải gượng dậy vừa làm mẹ vừa làm cha. Còn trẻ và mặn mà, bà Xuân được nhiều người ngỏ ý cùng gá nghĩa vợ chồng. Thương cảnh em dâu góa bụa sớm, anh chị chồng động viên bà Xuân đi bước nữa, xây dựng hạnh phúc mới, nhưng bà quyết định ở vậy, dồn hết tình cảm, sức lực chăm sóc các con, hiếu nghĩa với mẹ chồng. Từ đó, người mẹ của 3 đứa trẻ bắt đầu cuộc sống thân cò lặn lội. Dù nắng ráo hay mưa lạnh, bà đều thức dậy từ 3 giờ sáng làm mười mấy loại nhân, đến lò lấy bánh rồi bắt đầu hành trình đi bán bánh mì dạo. Mỗi ngày hai buổi, bà Xuân nách thúng bánh, rong ruổi khắp mọi ngõ ngách phố xá. Khi những ngõ khuya vắng người, bà mới trở về. “Để tui đỡ cực, mẹ chồng lúc nào cũng bên cạnh, phụ giúp. Kiếm được bao nhiêu tiền, mẹ đưa tui cùng lo toan - bà Xuân chia sẻ. Cuộc sống dù vất vả nhưng yêu thương tròn trịa. Bởi vậy ngày mẹ chồng từ giã cõi đời, gia đình thêm một lần hao khuyết, chỉ còn bà Xuân cùng 3 con nương tựa vào nhau. Năm tháng dần trôi, ngôi nhà xưa chừng bé lại bởi những đứa trẻ đã lớn. Cách đây 6 năm, cô chị cả Hồ Thị Kim Đào 24 tuổi làm thợ trong một tiệm may lớn, thường thủ thỉ với mẹ những ước mơ giản dị. Hai anh em song sinh Hồ Kim Minh và Hồ Thị Kim Quy (20 tuổi) cũng học nghề chuẩn bị hành trang bước vào tương lai.

Ấm áp

Không ngờ, tai ương ập đến khi Đào bị những cơn đau đầu, ù tai, đi không vững. Cô gái trẻ không may mắc căn bệnh u não, u dây thần kinh số 8. Người mẹ vừa lặn lội mưu sinh, vừa tất bật chạy ra chạy vào bệnh viện. Nhưng bệnh tật đã cướp đi mạng sống của cô con gái đầu sau 6 tháng chữa trị. Nỗi đau như vết cắt chưa liền sẹo, bà lại đứt ruột vì hai đứa con song sinh một trai một gái mắc bệnh y hệt chị. Lặn lội ngược xuôi, bà đưa các con vào Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) phẫu thuật. Bệnh tật khiến Minh méo đầu, lồi mắt, liệt mặt..., còn Quy trở nên điếc hoàn toàn. Nhưng người mẹ tâm sự, các bác sĩ giữ được sinh mạng cho hai con là bà mừng lắm. Những tháng ngày tận cùng gian khó, ba mẹ con được người thân hỗ trợ và sẻ chia của rất nhiều tấm lòng nhân ái khiến gia đình bà hạnh phúc nghẹn ngào, không lời nào có thể tả hết. Để đền đáp, người mẹ càng cố gắng tảo tần hơn. Cậu con trai bệnh tật cũng bán vé số dạo, kiếm chút tiền phụ giúp mẹ. Cô con gái quanh quẩn phụ việc nhà.

Tai ương vẫn chưa ngừng trút xuống. Sau thời gian phẫu thuật, điều trị u não, u thần kinh số 8, hai anh em Minh - Quy lại mắc chứng u tụy. “Cách đây mấy tháng, vừa đưa thằng anh ra khỏi phòng mổ (phẫu thuật khối u ở sống lưng), đứa em lại được đưa vào. Sau lần mổ này, sức khỏe hai con kém hơn nên tui không đi bán bánh mỳ dạo nữa, quay qua chiên bánh bán ở nhà để tiện chăm sóc con. Minh giờ đã nhúc nhắc đi bán vé số và Quy cũng trở lại với các công việc nhẹ nhàng”, người mẹ nở nụ cười.

Bà Xuân tâm niệm, lúc khó khăn cùng cực, mẹ con bà đã nhận sự sẻ chia, giúp đỡ, giữ lại được thứ quý giá nhất là cuộc sống. Vậy nên bà động viên các con, tùy vào khả năng sức lực để cố gắng lao động, sống vui vẻ. “Khi ghé vào bán vé số tại quán cơm chay gần nhà, lúc nào quán cũng cho em ăn cơm chay miễn phí, nhưng lâu lâu em mới nhận một bữa, để phần cho người khác. Mẹ em thường dặn, không nên tham...” - người con trai hồn hậu kể. Cậu bảo có mẹ, anh em cậu không sợ bất cứ điều gì, dù đang chung sống với bệnh tật và phải chịu đựng rất nhiều di chứng, đau đớn trên cơ thể. Mỗi ngày, sau chặng đường rong ruổi bán vé số, cậu mong trở về nhà để được quây quần với mẹ, em gái và đứa cháu nhỏ bên mâm cơm. Nựng nịu  cháu trai nhỏ bé, bà Xuân trải lòng, con gái bệnh tật khó có thể có một gia đình trọn vẹn, nên bà ủng hộ nó kiếm đứa con. Trong nhà có tiếng cười nói bi bô của trẻ nhỏ khiến ai nấy quên đi bệnh tật, vất vả. Cuộc sống sẽ ấm áp hơn.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top