ClockThứ Bảy, 28/08/2021 13:02

Vứt rác khẩu trang bừa bãi dễ lây lan dịch bệnh

TTH - Dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Trong khi đó, tình trạng khẩu trang vứt bừa bãi khắp nơi không những gây hình ảnh phản cảm, mất mỹ quan mà còn có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Phải đeo khẩu trang suốt thời gian bán hàng, làm việc tại chợKhông khẩu trang, không giãn cách, Anh dự kiến chấm dứt các hạn chế từ 19/7

 Mỗi ngày, công nhân HEPCO thu nhặt hơn 500 cái khẩu trang trên đường phố, vỉa hè, công viên

Còn chủ quan

Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, tất cả rác thải khẩu trang được xác định là chất thải nguy hại (CTNH) cần được thu gom, xử lý như đối với các CTNH khác. Hiện nay, lượng khẩu trang người dân sử dụng cũng như thải ra môi trường hằng ngày rất lớn. Thế nhưng, rất nhiều người thiếu ý thức vẫn đang vứt bỏ loại rác này bừa bãi trên đường phố, trong công viên hay bất cứ những nơi nào tiện tay có thể vứt được.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bỏ ngay khẩu trang sau sử dụng vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín, đúng nơi quy định cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 hiệu quả.

Trước tình trạng vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định vẫn đang xảy ra, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) triển khai thu nhặt khẩu trang đường phố kết hợp với công tác vệ sinh môi trường thường xuyên như gom nhặt rác ngày, vệ sinh thùng rác... trên địa bàn TP. Huế và các địa phương đơn vị hợp đồng thu gom. Để đảm bảo cho công tác này, HEPCO trang bị thùng chứa rác khẩu trang chuyên biệt.

Ngoài nhặt rác khẩu trang đường phố, để tạo điều kiện cho người dân có điểm bỏ rác đúng quy định, an toàn, HEPCO đã bố trí một số điểm đặt thùng rác khẩu trang. Tại chốt ga Huế, nơi thường có lưu lượng người, hành khách đông, đơn vị bố trí điểm đặt thùng rác khẩu trang và được thu gom, xử lý hàng ngày.

Bình quân mỗi ngày, lượng khẩu trang thu nhặt được trên đường, vỉa hè, nơi công cộng... hơn 500 cái. Đây chỉ mới là con số và phạm vi HEPCO tổ chức thu nhặt, ngoài ra dọc các tuyến đường lớn nhỏ vùng ngoại ô TP. Huế, các vùng nông thôn, rác khẩu trang vẫn “tung tăng” theo gió rất nhiều.

Nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, khẩu trang được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy trình xử lý CTNH. Quy trình xử lý được công ty thực hiện theo trình tự các bước nghiêm ngặt. Đầu tiên, công nhân thu gom rác kết hợp nhiệm vụ gom nhặt rác khẩu trang, dùng kẹp gắp rác khẩu trang vào thùng chứa rác được lót bao bì màu vàng (màu đặc trưng đựng rác y tế) chuyên dùng. Rác này được công nhân đưa về các vị trí trung chuyển đã quy định sẵn ở 2 khu vực phía Bắc và Nam sông Hương.

Tại các điểm trung chuyển, toàn bộ rác khẩu trang được phun dung dịch khử khuẩn trước khi tiến hành bọc kín các bao bì chứa rác. Toàn bộ lượng rác khẩu trang tại các vị trí trung chuyển được đưa về điểm đặt thùng chứa rác thải chuyên dụng và tiếp tục phun dung dịch khử khuẩn lên toàn bộ rác khẩu trang và thùng chứa rác để đưa đi xử lý bằng phương pháp thiêu đốt.

Ý thức để bảo vệ mình và mọi người

Là những người trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc với chất thải sinh hoạt, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, nên sau lực lượng y tế, công nhân môi trường là đối tượng có nguy cơ cao về lây nhiễm dịch COVID-19.

Nên ngoài nhiệm vụ làm sạch đẹp môi trường và tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, HEPCO chú trọng bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động. HEPCO tăng cường mua sắm, trang bị bảo hộ lao động, bảo hộ dùng 1 lần hoặc nhiều lần và các hóa chất, xà phòng y tế kháng khuẩn. Bên cạnh đó, đến nay, có khoảng 530 cán bộ, nhân viên, người lao động, nhất là những công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển xử lý rác sinh hoạt, rác y tế đều đã được tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19. Trong đó, số người hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin khoảng 250 người.

Tình trạng vứt rác khẩu trang bừa bãi rất dễ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để dịch COVID-19 cũng như các loại dịch bệnh thứ phát lây lan từ các loại chất thải, ngoài gom nhặt rác khẩu trang, thời gian qua, HEPCO đã huy động hầu như toàn bộ nhân lực, vật lực, phương tiện, thiết bị và tăng ca, tăng kíp để thu gom, vận chuyển, xử lý rác liên quan đến dịch COVID-19 tại các khu cách ly. Ngoài những đơn vị HEPCO đang có mạng lưới thu gom rác thường xuyên, đối với những địa bàn ở xa như Phong Điền, Quảng Điền, việc thu gom rác tại các khu cách ly được giao cho đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường tại địa phương tổ chức thu gom, bố trí tại điểm tập kết riêng với rác sinh hoạt, còn lại khâu vận chuyển, xử lý do HEPCO hợp đồng thực hiện.

Đến nay, HEPCO huy động 6 ô tô chuyên dụng thực hiện thu gom vận chuyển rác tại gần 60 điểm cách ly trên địa bàn và đưa về khu xử lý tại Thủy Phương trung bình hơn 16 tấn/ngày.

Cùng với nỗ lực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng dịch COVID-19 của đơn vị dịch vụ môi trường, để hạn chế dịch bệnh lây lan, ngoài tuân thủ quy định “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách) và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, mỗi người dân cần ý thức bỏ rác khẩu trang đúng nơi quy định và trước khi bỏ vào thùng rác cần được bọc kín, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh

Trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành thì chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ là hướng đi tất yếu đối với các tổ chức, hộ cá nhân.

Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh

TIN MỚI

Return to top