Thế giới

WEF hủy hội nghị thường niên năm 2021 tại Singapore

ClockThứ Ba, 18/05/2021 10:25
TTH.VN - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tuyên bố hủy hội nghị thường niên đặc biệt - sự kiện dành cho giới tinh hoa toàn cầu thảo luận về các vấn đề của thế giới, dự kiến sẽ được tổ chức tại Singapore vào tháng 8 tới, do những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giớiWEF 2020: Lãnh đạo các nước hợp tác đối phó biến đổi khí hậu, hướng đến tương lai ổn định toàn cầuHủy Đối thoại Shangri-La 2020 vì dịch bệnh COVID-19Singapore sẵn sàng cho Đối thoại Shangri-La 2019

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã hủy hội nghị thường niên năm 2021 dự kiến diễn ra tại Singapore vào tháng 8. Ảnh: aa.com.tr/vietnam+

"Thật đáng tiếc, nhiều thảm cảnh đang diễn ra trên các vùng địa lý, triển vọng đi lại không chắc chắn, tốc độ triển khai vaccine không đồng đều và sự bất ổn về các biến thể mới khiến chúng ta không thể thực hiện được một cuộc họp toàn cầu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới ở quy mô đã được lên kế hoạch… bất chấp những hỗ trợ tuyệt vời của Chính phủ Singapore", WEF nêu rõ trong một tuyên bố hôm qua (17/5).

WEF cho biết hội nghị thường niên tiếp theo sẽ diễn ra vào nửa đầu năm sau. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được xác định dựa trên đánh giá về tình hình dịch bệnh vào cuối mùa hè này.

Trước quyết định huỷ bỏ sự kiện đặc biệt dự kiến diễn ra từ ngày 17-20/8 tới, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết chính phủ nước này hoàn toàn nhận thức được những thách thức do đại dịch toàn cầu đang diễn ra và khẳng định “sẽ tiếp tục làm việc tích cực với WEF và các tổ chức quốc tế quan trọng khác để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan về các vấn đề cần quan tâm trên toàn cầu”.

Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của WEF, cho biết quyết định hủy bỏ hội nghị là một quyết định khó khăn, nhưng cuối cùng, sức khỏe và sự an toàn của mọi người liên quan vẫn là ưu tiên cao nhất.

Hội nghị thường niên của WEF, theo truyền thống vẫn được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, vào tháng Giêng, quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu trong khu vực công và tư nhân để giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu. Tuy nhiên, do lo ngại về tình hình đại dịch COVID-19 ở châu Âu, vào tháng 12 năm ngoái, WEF thông báo cuộc họp đặc biệt năm nay sẽ chuyển đến Singapore, với hơn 1.000 đại biểu dự kiến tham dự.

Thông báo hủy bỏ hội nghị là diễn biến mới nhất kể từ khi WEF tuyên bố hoãn sự kiện vốn sẽ được tổ chức vào tháng 5 sang tháng 8/2021, với lý do các hạn chế đi lại toàn cầu đã khiến việc lập kế hoạch cho một cuộc họp trực tiếp trong nửa đầu năm trở nên hết sức khó khăn.

Trong khi đó, Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La cho biết diễn đàn này đang được chuẩn bị để diễn ra vào đầu tháng 6 tới.

Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 18 vào ngày 31/5/2019 tại Singapore. Ảnh: TTXVN

Trong một tuyên bố riêng cũng vào hôm qua, một phát ngôn viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) khẳng định họ vẫn đang tiến hành quá trình triệu tập Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 theo hình thức họp trực tiếp tại Singapore vào đầu tháng sau.

“Quyết định của Diễn đàn Kinh tế Thế giới không ảnh hưởng đến kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo cấp cao khác từ khắp nơi trên thế giới đang lên kế hoạch tham dự sự kiện này”, người phát ngôn của IISS cho biết.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong Chính phủ Singapore để tăng cường các biện pháp an toàn vốn đã nghiêm ngặt mà chúng tôi đã áp dụng và thực hiện bất kỳ điều chỉnh cần thiết nào để bảo vệ cả những người tham dự và cộng đồng địa phương”.

Đối thoại Shangri-La năm nay dự kiến ​​diễn ra trong 2 ngày 4-5/6, với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng cấp cao từ hơn 40 quốc gia trên thế giới tụ họp tại khách sạn cùng tên.

Trong những năm qua, Đối thoại Shangri-La đã đóng một vai trò không thể thiếu trong việc cung cấp một nền tảng quan trọng và cần thiết cho các quan chức chính phủ hàng đầu và những người khác trên khắp thế giới tham gia vào các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng.

Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La cho biết đã nhận được những phản ứng tích cực về lời mời tham dự sự kiện, nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo chính phủ trong việc giải quyết các thách thức an ninh ngay cả giữa thời đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng, Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục theo dõi tình hình COVID-19 ở địa phương và toàn cầu, và thực hiện những điều chỉnh cần thiết, ban tổ chức nói thêm.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes & CNA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WEF: Hợp tác toàn cầu sẽ hạn chế khủng hoảng khí hậu, cứu sống 14,5 triệu người vào năm 2050

Một phân tích mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cảnh báo, thiên tai gia tăng do khủng hoảng khí hậu có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế lên đến 12,5 tỷ USD và khiến 14,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để các bên liên quan trên toàn cầu thực hiện hành động mang tính quyết định và chiến lược nhằm chống lại những dự báo này, cùng với đó là giảm thiểu tác động sức khỏe gây nên bởi biến đổi khí hậu.

WEF Hợp tác toàn cầu sẽ hạn chế khủng hoảng khí hậu, cứu sống 14,5 triệu người vào năm 2050
Return to top