ClockThứ Hai, 06/03/2017 14:15

WHO: Môi trường ô nhiễm khiến 1,7 triệu trẻ em tử vong mỗi năm

TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày hôm nay (6/3) công bố một báo cáo cho hay, 1/4 tổng số trường hợp tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu là do môi trường không lành mạnh hoặc bị ô nhiễm, bao gồm nước bẩn và không khí, khói thuốc và thiếu điều kiện vệ sinh hợp lý.

Ô nhiễm không khí liên quan đến 2,7 triệu ca sinh non mỗi nămUNICEF: Cứ 7 trẻ em thì có 1 trẻ sống trong vùng ô nhiễm không khí nặngÔ nhiễm không khí có thể thay đổi hiệu quả của thuốc kháng sinh

Nam Á có số lượng lớn nhất, khoảng 620 triệu trẻ em đang sống trong những khu vực có không khí ngoài trời bị ô nhiễm, có thể gây hại nghiêm trọng, bao gồm cả tổn hại đến não bộ đang phát triển của các em. Ảnh: AFP 

Môi trường mất vệ sinh và ô nhiễm có thể dẫn đến những trường hợp tử vong do bệnh tiêu chảy, sốt rét, viêm phổi và cướp đi mạng sống của 1,7 triệu trẻ em mỗi năm,  báo cáo của WHO nói thêm.

"Một môi trường bị ô nhiễm là một môi trường chết, nhất là đối với trẻ nhỏ. Các cơ quan, đường hô hấp và hệ thống miễn dịch đang phát triển của trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi không khí và nước bẩn", Tổng giám đốc WHO Margaret Chan nhấn mạnh trong một tuyên bố. 

Theo WHO, việc tiếp xúc với những chất ô nhiễm có hại có thể bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ và sau đó tiếp tục nếu trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi tiếp xúc với ô nhiễm không khí và khói thuốc trong nhà hay ngoài trời.

Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi trong thời thơ ấu của trẻ em, cũng như rủi ro suốt đời trước các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn. Ô nhiễm không khí cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, trong các hộ gia đình không được tiếp cận với nước sạch và môi trường vệ sinh, hoặc đang bị ô nhiễm bởi khói từ các loại nhiên liệu như than đá hoặc phân dùng để nấu ăn và sưởi ấm, trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy và viêm phổi.

Trẻ em cũng tiếp xúc với các hóa chất độc hại thông qua thực phẩm, nước, không khí và những sản phẩm xung quanh chúng.

Bà Maria Neira, một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng của WHO nhận định, đây là một tổn thất nặng nề, cả về số ca tử vong và tỷ lệ dịch bệnh và những căn bệnh lâu dài. Bà Neira kêu gọi các Chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để khiến mọi nơi đều là nơi an toàn cho trẻ em.

"Đầu tư vào việc loại bỏ các rủi ro về môi trường đối với sức khỏe, chẳng hạn như cải thiện chất lượng nước hoặc sử dụng nhiên liệu sạch hơn sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe to lớn", bà Neira nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & CNN)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top