Thế giới

WHO: Số ca mắc dịch tả giảm 60% trên toàn cầu

ClockThứ Sáu, 20/12/2019 07:35
TTH.VN - Tờ Devdiscourse ngày 19/12 trích dẫn một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, số ca mắc bệnh dịch tả đã giảm 60% trên toàn cầu trong năm 2018.

WHO triển khai chiến dịch phòng chống bệnh tả ở YemenLHQ hướng tới mục tiêu giảm 90% số ca tử vong do bệnh tả vào năm 2030Hơn 500 người tử vong vì dịch tả ở Congo

Dịch tả ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Ảnh minh hoạ: Save the Children/VOV

Báo cáo của WHO chỉ ra xu hướng đáng khích lệ trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch tả tại các điểm nóng dịch tả lớn trên thế giới, bao gồm Haiti, Somalia, và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, sự sụt giảm đang được chứng kiến ở một số quốc gia nói trên cho thấy sự tham gia ngày càng tăng của các quốc gia trong nỗ lực toàn cầu nhằm làm chậm lại và ngăn chặn sự bùng phát của dịch tả, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của các chiến dịch chủng ngừa dịch tả hàng loạt.

"Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng, giải pháp lâu dài để chấm dứt dịch tả nằm ở việc tăng cường khả năng tiếp cận với nước uống sạch và cung cấp vệ sinh đầy đủ", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Theo các báo cáo từ 34 quốc gia, có 499.447 trường hợp mắc bệnh tả và 2.990 trường hợp tử vong trong năm 2018. Trong khi các đợt bùng phát bệnh vẫn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia khác nhau, những con số này thể hiện xu hướng giảm đáng kể của việc lây truyền bệnh tả vốn đã tiếp tục trong năm 2019, số liệu do WHO thu thập lưu ý thêm.

Ông Dominique Legros, người đứng đầu Chương trình Dịch tả của WHO cho hay: "Sự sụt giảm toàn cầu về số lượng các ca bệnh mà chúng tôi đang quan sát dường như có liên quan đến những chiến dịch chủng ngừa quy mô lớn. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng bắt đầu áp dụng Chiến lược Lộ trình Toàn cầu đến năm 2030 vào các kế hoạch hành động về dịch tả quốc gia của họ".

Đáng chú ý, gần 18 triệu liều vắc-xin tả uống (Oral Cholera Vaccines – OCV) đã được chuyển đến 11 quốc gia vào năm 2018. Kể từ khi kho dự trữ vắc-xin OCV được xây dựng hồi năm 2013, gần 60 triệu liều vắc-xin đã được chuyển đi toàn thế giới.

Báo cáo mới của WHO cho thấy, một số quốc gia bao gồm Zambia, Nam Sudan, Cộng hòa Tanzania, Somalia, Bangladesh, và Nigeria đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các kế hoạch hành động quốc gia trong khuôn khổ Chiến lược Lộ trình Toàn cầu.

"Chúng tôi đang chứng kiến ​​kết quả của các quốc gia báo cáo và hành động về bệnh tả. Những quốc gia này đang đạt được thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát và phòng ngừa dịch tả", ông Dominique Legros nhấn mạnh.

Dịch tả ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành, bệnh có thể gây tử vong trong vài giờ đồng hồ nếu không được điều trị. WHO ước tính mỗi năm, dịch tả lây nhiễm từ 1-4 triệu người và cướp đi mạng sống của lên tới 143.000 người.

Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse & WHO)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc khủng hoảng rác thải điện tử toàn cầu đang gia tăng

Theo một báo cáo vừa được các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố, rác thải điện tử trên thế giới đang tăng nhanh gấp 5 lần so với tốc độ tái chế rác thải điện tử được ghi nhận, làm trầm trọng thêm các mối nguy hiểm về môi trường và sức khỏe trên toàn thế giới.

Cuộc khủng hoảng rác thải điện tử toàn cầu đang gia tăng
Số đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 14 năm

Số đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế trong năm ngoái đã giảm lần đầu tiên sau 14 năm, do lãi suất cao hơn và tình trạng bất ổn kinh tế; trong đó, Ấn Độ nằm trong số ít các quốc gia đi ngược lại xu hướng này, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết trong một báo cáo thường niên.

Số đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 14 năm
WHO: Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì

Theo ước tính cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, hơn 1 tỷ người trên toàn cầu - tương đương với 1/8 tổng dân số thế giới, hiện được coi là béo phì - một tình trạng liên quan đến nguy cơ gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

WHO Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì
Return to top