Thế giới

WTO: Căng thẳng ở Ukraine có thể làm giảm 50% tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022

ClockThứ Ba, 12/04/2022 14:14
TTH.VN - Trong một phân tích được đưa ra ngày 11/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo rằng, xung đột đang diễn ra ở Ukraine không chỉ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo với quy mô lớn mà còn “giáng một đòn mạnh” vào nền kinh tế thế giới.

Moody's: Khủng hoảng Nga-Ukraine làm tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu

Xung đột ở Ukraine đẩy giá nhiều loại lương thực lên cao. Ảnh minh hoạ: Reuters/Hanoimoi

Cụ thể, WTO cho rằng cuộc xung đột có thể làm giảm đến 50% tăng trưởng thương mại quốc tế và kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2022.

Cũng theo WTO, trong khi người dân Ukraine trực tiếp gánh chịu những mất mát và tàn phá do xung đột thì những tổn thất do sụt giảm thương mại và sản lượng có thể được cảm nhận bởi người dân trên toàn thế giới, thông qua giá lương thực và năng lượng tăng cao và giảm nguồn cung hàng hóa được xuất khẩu từ Nga và Ukraine. Với tình hình này, các nước nghèo hơn có nguy cơ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng hơn, vì những nước này có xu hướng chi phần lớn thu nhập cho lương thực cao hơn so với các nước giàu. Từ đó, WTO cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị.

Dựa trên mô hình mô phỏng kinh tế toàn cầu, Ban Thư ký của WTO dự báo cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu từ 0,7%-1,3%, xuống còn 3,1% - 3,7% cho năm 2022. Mô hình này cũng dự đoán rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay có thể suy giảm gần 50%, từ mức 4,7% mà WTO dự báo vào tháng 10 năm ngoái xuống còn khoảng 2,4%-3%.

Mặc dù tỷ trọng của Nga và Ukraine trong thương mại và sản lượng thế giới nói chung là tương đối nhỏ, nhưng hai nước này là những nhà cung cấp quan trọng đối với các sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm và năng lượng. Cả hai quốc gia cung cấp khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 45% sản phẩm hướng dương xuất khẩu trong năm 2019. Riêng Nga đã chiếm 9,4% thương mại nhiên liệu thế giới, bao gồm 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên.

Đồng thời, Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp đầu vào chính cho chuỗi giá trị công nghiệp. Nga là một trong những nhà cung cấp palladium và rhodium chính trên toàn cầu, những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô, cung cấp 26% nhu cầu nhập khẩu palladium của toàn cầu trong năm 2019. Trong khi đó, việc sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc đáng kể vào khí neon do Ukraine cung cấp. Sự gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu đầu vào này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô trong thời điểm ngành công nghiệp này đang phục hồi sau tình trạng thiếu chất bán dẫn.

Mức độ tác động khác nhau

Cũng theo phân tích của WTO, cuộc xung đột gây ra những tác động khác nhau đối với các khu vực khác nhau. Châu Âu, điểm đến chính của hàng xuất khẩu từ cả Nga và Ukraine, có thể sẽ phải hứng chịu tác động mạnh về kinh tế. Sự gián đoạn trong việc vận chuyển các lô hàng ngũ cốc và thực phẩm khác cũng sẽ làm tăng giá nông sản, gây hậu quả tiêu cực cho an ninh lương thực ở các vùng nghèo hơn.

Châu Phi và Trung Đông là những khu vực dễ bị tổn thương nhất, vì những khu vực này nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine và / hoặc Nga. Tổng cộng có 35 quốc gia ở châu Phi nhập khẩu lương thực và 22 quốc gia nhập khẩu phân bón từ Ukraine, Nga hoặc cả hai. 

Trong khi đó, một số quốc gia ở châu Phi cận Sahara đang đối mặt với khả năng giá lúa mì tăng lên tới 50%-85% do tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lô hàng ngũ cốc từ khu vực này.

Từ đó, WTO cảnh báo rằng “cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực quốc tế vào thời điểm mà giá lương thực đã ở mức cao trong lịch sử do đại dịch COVID-19 và các yếu tố khác”.

Đáng lo ngại, một trong những rủi ro dài hạn là cuộc xung đột này có thể gây ra sự tan rã của nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt. Các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể khiến các nền kinh tế lớn tiến tới “sự chia tách” dựa trên các cân nhắc địa chính trị, với mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất và thương mại. Ngay cả khi không có một khối chính thức nào xuất hiện, các tổ chức tư nhân cũng có thể chọn giảm thiểu rủi ro bằng cách định hướng lại chuỗi cung ứng.

Theo cảnh báo từ WTO, thiệt hại đối với thu nhập từ sự phát triển theo chiều hướng như vậy “sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”. Ở cấp độ toàn cầu, xu hướng này có thể làm giảm GDP trong dài hại khoảng 5%, thông qua việc hạn chế cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới. Đáng chú ý, GDP có thể sụt giảm nghiêm trọng hơn vì ước tính chỉ xem xét một phần hạn chế lợi nhuận từ thương mại sẽ bị bỏ qua.

“Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, nhất là khi WTO có các chức năng có thể giúp giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng”, WTO lưu ý, đồng thời nhấn mạnh “việc giữ cho các thị trường mở cửa sẽ là rất quan trọng để đảm bảo rằng các cơ hội kinh tế vẫn mở cho tất cả các quốc gia”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ WTO)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Lệch pha tăng trưởng

Nguồn vốn huy động vẫn chảy đều vào các ngân hàng, dù lãi suất huy động đang chạm đáy. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang ở mức thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại không mấy khả quan.

Lệch pha tăng trưởng
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top